.

Xã hội hóa để huy động nguồn lực

.

Chủ trương xã hội hóa (XHH) các hoạt động văn hóa - nghệ thuật đã và đang từng bước mang lại luồng sinh khí mới trong hầu hết các hoạt động ở lĩnh vực này trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, xuất hiện không ít ý kiến trái chiều khi bàn về vấn đề XHH văn hóa. Làm sao để chiến lược XHH diễn ra đúng nghĩa, không chạy theo lợi nhuận kinh doanh đơn thuần, lợi ích nhóm; không mâu thuẫn, đối lập với quyền lợi của người dân là chuyện không dễ…

Xã hội hóa là chủ trương đúng đắn

Thời gian qua, với những chính sách hỗ trợ, khuyến khích XHH như đất đai, thuế… của thành phố, hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa do các cá nhân tự tổ chức và huy động kinh phí trên địa bàn thành phố có những bước tiến nhất định, nhất là lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh, thư viện, bảo tàng, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa của địa phương, khôi phục, phát triển các lễ hội truyền thống… Song, vẫn còn sự khác biệt, chênh lệch khá lớn về đời sống văn hóa của đồng bào miền ngược với miền xuôi, nông thôn và thành thị. Hoạt động XHH văn hóa không đồng đều giữa các vùng, miền và các lĩnh vực văn hóa…

Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng, XHH là chủ trương đúng đắn, cần thiết trong bối cảnh hiện tại của Đảng và Nhà nước ta. XHH để huy động mọi nguồn lực trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, trong sự nghiệp phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội nói riêng.

“Từ lâu, Đà Nẵng đã có khẩu hiệu, cũng là phương châm hành động: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, suy cho cùng, cũng là nhân dân làm hết, vì Nhà nước cũng là nhân dân. Vì vậy, XHH hay “Nhà nước và nhân dân cùng làm” thì phải làm sao để phục vụ tốt nhất, tốt hơn cho nhân dân, so với trước kia chưa có chủ trương XHH. Nghĩa là XHH để thêm nguồn lực, thêm sức mạnh, chứ không có nghĩa là bớt đi tiềm lực, thế mạnh của Nhà nước, các đơn vị công lập. Không phải khi Nhà nước có khả năng đầu tư 100, nhưng khi có doanh nghiệp, “mạnh thường quân” tài trợ 30 thì cắt xuống còn 70, như vậy kết quả vẫn không thay đổi, không có chi tốt hơn. Cá nhân tôi rất đồng tình và tự hào với quyết định đầu tư 100% ngân sách thành phố cho công trình Công viên 29-3 vừa qua. Không phải không có ai đầu tư nên thành phố phải ra tay như thế, mà vì các lãnh đạo của chúng ta biết tính đến điều gì tốt nhất cho dân, ưu tiên quyền lợi của dân trên hết”, ông Tiếng nói.

Cũng theo ông Tiếng, cần hiểu XHH không có nghĩa chỉ là sự huy động đóng góp về tài chính mà còn là sự đóng góp cả sức lao động, ý tưởng, sáng kiến… Và XHH phải là sự tương tác hai chiều, chứ không thể đòi hỏi sự đóng góp suông. Chẳng hạn, việc kêu gọi hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Đà Nẵng, hiến tặng tranh cho Bảo tàng Mỹ thuật, nếu chúng ta không có chính sách khuyến khích, hỗ trợ thích hợp thì kết quả cuộc kêu gọi khó đạt ý muốn. Mọi thứ đều là mồ hôi, nước mắt, thành quả lao động cực nhọc nên người ta không thể cho không, nhất là thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Còn với những thứ cho không, thì e rằng đó khó có thể là những gì quý giá.

Để nhân dân sáng tạo và thụ hưởng văn hóa tốt hơn

Đồng quan điểm trên, họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng - nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng quả quyết: “Chắc chắn chúng tôi không thể cho không những bức tranh quý của mình. Chúng tôi có thể hiến tặng thời gian, tâm sức sáng tạo, nhưng cũng phải mua màu, khung, giá, cọ vẽ… Nghệ sĩ cần lắm sự động viên, khuyến khích, trân trọng tác phẩm của họ bằng những việc làm cụ thể, chứ không chỉ là những hô hào, khẩu hiệu”.

Bàn về mặt trái của XHH, họa sĩ Trọng Dũng khảng khái: “Điều đáng sợ nhất khi XHH chệch hướng là sự cào bằng những giá trị nghệ thuật. Khi những bức tranh có giá trị nghệ thuật không cao được hiến tặng, hoặc được vẽ ra để làm đẹp lòng một “nhà tài trợ” nào đó lại đồng sàng với những tác phẩm có chất lượng cao. Khi đó, thị hiếu thẩm mỹ của người thưởng thức chắc chắn sẽ bị hạ xuống một bậc. Như thế có nghĩa, mục đích giáo dục thẩm mỹ, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của nghệ thuật đã bị phá sản rồi”.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An cho rằng, không nên hiểu khái niệm XHH một cách dung tục, rằng có tiền mới có văn hóa hay văn hóa mới phát triển. Có người theo đuổi, đầu tư hoạt động văn hóa - nghệ thuật là vì đam mê, vì sở thích, vì lý tưởng chứ không hẳn vì lợi nhuận. Phải làm sao để phát huy, khuyến khích tốt nhất những đam mê, lý tưởng ấy thì văn hóa sẽ phát triển, thì nhân dân sẽ là chủ thể hoặc đồng chủ thể của quá trình sáng tạo và thụ hưởng văn hóa. Khi đó mới gọi là XHH thành công.

Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An, để nhân dân thực sự là chủ thể sáng tạo, được thụ hưởng văn hóa thì không thể thiếu sự sâu sát của Nhà nước. Bên cạnh việc tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng cần có cơ chế ràng buộc nhất định, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Thời gian này, Đà Nẵng đang tập trung kêu gọi XHH thì nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước là phải quy hoạch được những nơi nào người dân có nhu cầu vui chơi thực sự, vui chơi như thế nào, cần những ràng buộc đảm bảo những yếu tố lành mạnh, an toàn, vệ sinh… tại các khu vui chơi. Theo ông An, hiện Nhà nước ta rất thiếu những quy định cụ thể đó và điều này cần được hoàn thiện từng bước.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.
.