Văn hóa - Giải trí

Ám ảnh với Miền hoang

08:12, 22/12/2014 (GMT+7)

Đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam năm nay, Miền hoang - tiểu thuyết của Sương Nguyệt Minh đã hiện hình hài trước mắt bạn đọc. Một cuộc tọa đàm về cuốn sách cũng vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Tiểu thuyết Miền hoang vừa được ấn hành.
Tiểu thuyết Miền hoang vừa được ấn hành.

Mỗi lần có dịp gặp Đại tá - nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh, thường được nghe ông nói đang ấp ủ viết cuốn tiểu thuyết về những năm tháng cùng đồng đội trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Nhưng cũng chính ông lại bảo, bí quá, không biết phải viết như thế nào.

Hóa ra một nhà văn rất điêu luyện trong viết truyện ngắn, ghi dấu ấn trong lòng người đọc nhiều tác phẩm về chiến tranh khi bắt tay viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên của cuộc đời văn nghiệp cũng có phần loay hoay.

Mà loay hoay cũng đúng, bởi như ông nói, hiện thực ngổn ngang, có quá nhiều câu chuyện muốn kể, chuyện nào cũng bi tráng đến nghẹt thở. Trước ông, nhiều người đã viết rất hay về chiến tranh, nên càng khiến Sương Nguyệt Minh đắn đo khi đặt bút.

Cách đây hơn một tháng, tôi mới gặp lại Sương Nguyệt Minh trong một cuộc cà-phê, ông thở phào, bảo viết xong tiểu thuyết rồi, thấy nhẹ cả người. “Như xong một món nợ dai dẳng. Chẳng biết độc giả tiếp cận sẽ khen hay chê, còn mình thấy hài lòng”, nhà văn nói. Ông cũng tiết lộ, bản thảo có tên Miền Khơ-me hoang dã nhưng khi nằm trên bàn biên tập ở NXB Trẻ, tên sách đã “rút gọn” còn hai chữ Miền hoang.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh
Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Bây giờ, tiểu thuyết đầu tay của Sương Nguyệt Minh đã xuất hiện, được đánh giá là đồ sộ và ám ảnh. Lý giải về việc viết cuốn tiểu thuyết đầu tay dày tới hơn 600 trang, nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng, đó là độ dày cần thiết để chuyển tải đầy đủ những chuyện ông muốn nói. Không thể ngắn hơn, vì thế nó mang đậm dấu ấn văn chương của ông.

Tiểu thuyết ôm chứa câu chuyện về một nhóm người bị lạc trong rừng Miên. Sau một trận kịch chiến trong vùng rừng hoang Tây Bắc Campuchia vào những ngày cuối cùng cuộc chiến tranh trước khi bộ đội tình nguyện Việt Nam rút quân về nước, cả nhóm bị lạc trong rừng, trải qua những ngày chống chọi với đói khát và mất phương hướng tìm về đơn vị…

Đây là cuốn tiểu thuyết không phải đọc để giải trí, để thưởng thức mà để chiêm nghiệm về lẽ sống, về niềm tin, về niềm hy vọng và nỗi khát vọng của con người trước thiên nhiên hoang dã, trước sự sống và cái chết, trước thất vọng và nhục dục thấp hèn.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh tên thật là Nguyễn Ngọc Sơn, sinh năm 1958 quê Ninh Bình, hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Miền hoang bắt đầu từ trận phục kích của tàn quân Pol Pot nhắm vào một đại đội quân tình nguyện Việt Nam ở vùng rừng hoang Tây Bắc Campuchia vào những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh trước khi quân tình nguyện Việt Nam rút quân về nước. 

4 con người ở hai chiến tuyến bị lạc trong rừng Miên hoang dã: một cô y tá câm, một lính áo đen, một Ông Lớn - Trung đoàn trưởng bị thương dập nát một ống chân trong nhóm tàn quân Pol Pot, một chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam bị bắt làm tù binh và thêm một gã người rừng - dã nhân mắt một mí bị mất nửa bàn chân.

Miền hoang là tình thế lạc rừng lang thang, lòng vòng, quẩn quanh..., đói khát, bất lực, tuyệt vọng trong cái nắng nóng mùa khô khắc nghiệt, thú dữ rình rập, bom mìn ẩn khuất dưới đất... luôn luôn đe dọa tính mạng.

Bốn kẻ đói khát tơi tả, bị thương còn hơi sực mùi thuốc súng, lê lết trong rừng... luôn là món mồi béo bở của lũ kên kên, chó sói... Hoặc cả tên lính áo đen và cô y tá câm bị rơi xuống hố bẫy hổ; hay gã Ông Lớn dập nát chân, một lần bị cưa cẳng bằng lưỡi cưa sắt gỉ, một lần bị tháo khớp gối... T

ất cả đều là những thử thách nghiệt ngã. Khi con người đói khát, hoang mang, tuyệt vọng, cận kề cái chết, bị đẩy đến tận cùng sự thê thảm của số phận cũng là lúc bộc lộ nhân tính và cả phi nhân tính. Miền hoang còn là số phận cô y tá câm người Khmer xinh đẹp trước 3 gã đàn ông nơi hoang dã trần trụi - nơi mà khái niệm đạo đức và pháp luật là thứ xa xỉ, chỉ còn sức mạnh cá thể hoang dã làm bá chủ. Và tiểu thuyết cũng là câu chuyện sinh tồn khi bị đẩy vào nơi hoang dã...

Nhà văn tuy chỉ xây dựng 4 nhân vật chính nhưng luôn tạo ra các tình thế và không khí truyện lúc ngột ngạt, lúc hoang hoải, khi bức bối: Rừng Miên mùa khô, cảnh hoang tháp tiêu điều đổ nát, cảnh chiến trận, cảnh chết chóc, cảnh trần trụi trước bầy sói hoang, các cảnh kên kên bay theo chờ người đang ngắc ngoải... chết hẳn. Sự ám ảnh của tiểu thuyết là các chi tiết nghệ thuật, ở những đoạn văn tả sex vượt qua sự trần trụi, thô giản để đạt tới vẻ đẹp thiên về gợi cảm.

Ngay sau cuốn tiểu thuyết này, nhà văn Sương Nguyệt Minh tiết lộ dự kiến sẽ viết phần 2 của Miền hoang với nhiều suy nghĩ thật về chiến tranh, về tình đồng chí, đồng đội cũng như những mất mát, đau thương…

MAI HOÀNG

.