Vào những năm 60 thế kỷ trước, Đoàn xiếc đi đến đâu cũng nổi đình nổi đám. Tiết mục “Cô hàng giải khát” của nghệ sĩ trẻ Tâm Chính có sức thu hút đặc biệt. Chị nhanh chóng thành ngôi sao hàng đầu trong làng xiếc, trở thành NSND, nữ giám đốc đầu tiên của Liên đoàn xiếc Việt Nam. Nhưng đó là chặng đường dài khổ luyện.
NSND Tâm Chính trong tiết mục Cô hàng giải khát. (Ảnh: Internet) |
Dạo ấy, năm 2001, khi chị còn làm việc, tôi được chị chỉ cho thấy những vết sẹo đến bây giờ vẫn như in rõ những cú ngã “trời giáng” bất ngờ. Nhưng có một điều chị không ngã, ấy là niềm đam mê, quyết tâm trở thành nghệ sĩ xiếc. Chị nhớ lại ngày đầu làm quen với xiếc.
- Vào một ngày đồng quê yên ả, bỗng có tin đoàn xiếc về tỉnh. Lúc đó tôi chừng mười lăm tuổi. Cùng mấy bạn làng trốn nhà lên thị xã. Những tiết mục biểu diễn hút hồn, tôi thầm ao ước mình cũng làm được như thế… Kết thúc đêm diễn, tôi vẫn ngồi lặng nơi góc khuất. Bỗng thấy một người đàn ông - sau này mới biết là ông trưởng đoàn - đến trước mặt tôi, bất ngờ hỏi: “Cháu có muốn học để làm được như anh chị trong đoàn không”, tôi giật mình, im lặng. Về nhà, kể lại chuyện, không ngờ thầy mẹ ủng hộ. Mấy ngày sau tôi khấp khởi theo đoàn ra Hà Nội, tham gia khóa đào tạo nghệ thuật xiếc đầu tiên.
Những đêm đầu sống ở Hà Nội, chị không sao ngủ được. Chỉ đơn giản là mê mẩn với xiếc mà xa thầy mẹ, nhớ làng, nhớ lũ bạn gái xóm Đầm quê. Năm 1965, chị tốt nghiệp loại ưu với tiết mục “Chồng người trên con lăn”, nhưng để trở thành diễn viên thực thụ, trước mắt là chặng đường dài đầy khổ luyện. Niềm khao khát được biểu diễn thôi thúc chị từng ngày. Nhiều đêm chị lén tìm đạo cụ và tự tập một mình. Những lần lén tập đã đem đến cho chị nhiều cảm xúc tuyệt vời. Chị nhanh chóng vượt qua những động tác khó, đi thăng bằng trên con lăn và cả xoạc chân, động tác mà chị phải mất nhiều nước mắt nhất.
Ngày cô gái trẻ Tâm Chính mong mỏi cũng đã đến. Chị đề xuất tiết mục gần gũi với sinh hoạt xã hội. Ý tưởng nảy ra từ một giấc mơ. Nhớ lại chuyện cũ, chị như trẻ lại với thời con gái:
- Sau một đêm tập tành, khát khô họng, vừa chợp mắt ngủ, bỗng thấy một cô gái bưng khay như lượn lờ trước mắt, mời nước mấy anh bộ đội, dân quân và tôi cũng được mời. Tỉnh dậy, tôi cố gợi lại dáng dấp, hình ảnh cô gái thoăn thoát nâng khay nước đi như lượn trên con đường mấp mô, đầy hố bom. Tôi bất chợt nhận ra mình đang khát khô cổ.
“Cô hàng giải khát” ra đời sau đó ít lâu và chính thức đưa vào chương trình biểu diễn. Nhắc lại chuyện cũ có lẽ cũng ngót nửa thế kỷ, NSND Tâm Chính bật cười. Cũng vào những ngày nhọc nhằn tập luyện, biểu diễn, chị nhận được mối tình đầu từ người đồng nghiệp tài năng, tận tụy trong đoàn, nghệ sĩ Lê Thể. Có anh sát cánh bên sàn tập, chị tự tin thực hiện những động tác khó, mạo hiểm. Thành công trên sàn diễn ngay đêm đầu tiên ra mắt công chúng, khoảnh khắc ấy chị hiểu, mình là người của xiếc. Được biểu diễn cho Bác Hồ xem, là kỷ niệm xúc động, ấm áp nhất trong suốt cuộc đời nghệ thuật của chị. NSND Tâm Chính nhớ lại: “Một thời gian sau, tình cờ gặp lại Bác. Tôi không ngờ Bác vẫn nhớ. Bác vẫy tay gọi, “À, “Cô hàng giải khát” đây rồi! Cho Bác xin một cốc nước với nào…”. Giọng Bác ấm áp, hồn hậu, giản dị đến nỗi tôi xúc động ứa nước mắt.
“Cô hàng giải khát” tạo bước ngoặt, phát huy khả năng sáng tạo cho nhiều diễn viên từ ý tưởng kịch bản, phong cách thể hiện. Hình ảnh cô gái uyển chuyển trên 8 tầng cốc, đặt trên con lăn chênh vênh 4 chai trụ, có sức cuốn hút kỳ diệu suốt 20 năm. Những năm chiến tranh, đoàn xiếc đã phục vụ cho bộ đội tại trận địa, miền núi, hải đảo xa xôi. Sau này, khi đã có tuổi, chị chuyên sâu làm biên đạo, viết kịch bản, huấn luyện. Qua bàn tay chỉ đạo nghệ thuật của chị, nhiều tiết mục hấp dẫn đã được xây dựng, trong đó đặc biệt ấn tượng là “Tấm cám”, “Võ thuật trên dây”, “Những bông hoa Tây Nguyên”, “Đi tìm hạnh phúc”… Con gái của nghệ sĩ, diễn viên Kim Cương đã thay mẹ để “Cô hàng giải khát” tiếp tục phục vụ công chúng, tiếp tục nhận giải thưởng cao quý ở các Liên hoan xiếc. Năm 1987 xiếc Việt Nam thành lập Liên đoàn, nghệ sĩ Tâm Chính trở thành nữ giám đốc đầu tiên của ngành xiếc Việt Nam.
Xiếc Việt Nam đã giao lưu nghệ thuật, tham gia liên hoan xiếc quốc tế tại Ý, Pháp, Hungari, Đức, Tây Ban Nha, v.v... Dẫu đã nghỉ hưu, nhưng người nghệ sĩ cả cuộc đời gắn bó với xiếc vẫn mang nỗi niềm trăn trở về hướng phát triển của xiếc Việt Nam. Không chỉ các quốc gia có truyền thống xiếc mà các nước trong khu vực ngày nay cũng có bước phát triển đáng nể.
Các nghệ sĩ xiếc chia sẻ nỗi niềm cùng NSND Tâm Chính. Những năm gần đây, đoàn đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có cả Giải Lớn Grand Prix từ các liên hoan quốc tế tổ chức ở Ý, Kazakhstan, Monaco, Pháp, Đức, v.v... Nghệ thuật xiếc Việt Nam đang trên đường tìm tòi, sáng tạo. Sự quan tâm và có phần lo lắng của NSND Tâm Chính cũng là diều dễ hiểu. Thứ nghệ thuật mạo hiểm này đã ngấm vào dòng nhiệt huyết của bà từ độ tuổi mười lăm, mười sáu. Đến nay đã cận kề tuổi 70, nhưng bà vẫn song hành với xiếc, tham gia đào tạo lớp trẻ. Bà muốn gửi gắm vào họ những trải nghiệm từ trái tim mình: Đã gắn đời mình với xiếc, dẫu đó là nghệ thuật đòi hỏi thử thách vô cùng nghiệt ngã, thì phải thực sự yêu, thực sự hết mình mới hy vọng thành công. Có thể nói, Liên đoàn Xiếc Việt Nam là ngôi nhà của bà. Vợ chồng, con gái, con dâu… đã từng là những nghệ sĩ xiếc nổi tiếng, cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
ĐOÀN UYÊN MINH