Văn hóa - Giải trí

TƯỚNG LĨNH VIỆT NAM THẾ KỶ XX

Nhiều câu chuyện thú vị

09:08, 02/03/2015 (GMT+7)

Những câu chuyện thú vị, thậm chí “thâm cung bí sử” về các vị tướng lĩnh Việt Nam được tiết lộ trong cuốn Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân.

Bìa tập 1 bộ sách Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân.
Bìa tập 1 bộ sách Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân.

NXB Quân đội Nhân dân và Công ty sách Thái Hà vừa phát hành cuốn Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân nhằm góp thêm một góc nhìn mới về chân dung các vị tướng trong những khoảnh khắc đời thường, về những điều mà chỉ có người thân của họ mới biết rõ.

Chọn một hướng tiếp cận độc đáo là qua góc nhìn của những người thân như vợ và các con, cháu, cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều tư liệu quý; đồng thời có nhiều câu chuyện có giá trị được viết trung thực, rõ ràng về thân thế, sự nghiệp, thể hiện rõ cốt cách, phương pháp, tác phong của mỗi tướng lĩnh trên từng cương vị công tác.

Mỗi bài viết được tập trung khai thác sâu về thân thế, sự nghiệp, có điểm nhấn trong quá trình cống hiến của các tướng lĩnh, giúp người đọc thấy được vai trò lãnh đạo, chỉ huy và những công lao đóng góp của các vị tướng lĩnh Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Tập 1 của cuốn sách do TS Nguyễn Mạnh Hùng làm chủ biên giúp bạn đọc tìm hiểu về cuộc sống đời thường của 15 trong số các vị tướng được thụ phong trong thời kỳ chiến tranh giải phóng: Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Sâm, Nguyễn Sơn, Hoàng Văn Thái, Lê Quang Đạo, Lê Trọng Tấn…

Như trong phần viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967), cuốn sách đăng bài viết Một vài kỷ niệm về cha tôi, qua đó cho bạn đọc biết thêm nhiều chi tiết thú vị về vị tướng tài ba này.

“Ngày giải phóng thủ đô, gia đình tôi về Hà Nội, ở nhà số 1 đường Cổ Ngư (sau này là đường Thanh Niên), một ngôi nhà cổ kính ven hồ Trúc Bạch. Vài năm sau chuyển về nhà 34 Lý Nam Đế, một ngôi biệt thự rộng rãi và có vườn hoa rất đẹp. Sau khi gia đình tôi chuyển về đó ít hôm, Bác Hồ đến thăm. Khi ra về, Bác bảo: “Nhà chú Thao đẹp, gọn gàng vậy là tốt. Nhưng nhiều vườn hoa quá, lãng phí, nên trồng rau tăng gia tốt hơn”.

Thế là ngày hôm sau, cả nhà cùng các chú cảnh vệ xoay trần ra đào vườn hoa, trồng rau, cây ăn quả… Đặc biệt, Ba tìm không biết ở đâu mấy cây dừa miền Nam trồng ở trước và sau nhà. Đến đầu năm 1967, khi ông chuẩn bị vào Nam lần thứ hai thì cây dừa bói lứa quả đầu, Ba cho hái mấy quả, quả đầu tiên đưa lên cho Mệ (bà nội tôi), còn lại bổ lấy nước cho mấy cha con uống. Uống xong, ông khà lên một tiếng thật sảng khoái rồi nói: “Chà, nước dừa ngon quá, uống được một hớp thế này, chết cũng sướng”. Vài hôm sau thì Ba mất, thật lạ, hai cây dừa cũng chết rụi vài tháng sau đó”…

Hoặc trong bài hồi ức khác viết, con gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chị Nguyễn Thanh Hà kể: “Vâng, cha tôi, Nguyễn Vịnh, được nhiều người biết đến với cái tên Nguyễn Chí Thanh, quê ở làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế (...). Ba gặp và yêu mẹ tôi khi mới bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, nhưng do hoàn cảnh, cả hai người đều phải đi hoạt động, khó khăn nguy hiểm trăm bề, nên phải chờ sau khi cách mạng thành công, đến năm 1946 mới làm lễ cưới.

Tình yêu của ba mẹ tôi được thử thách trong những năm tháng khói lửa của chiến tranh, đã trải qua những giờ khắc khốc liệt. Ba mẹ chúng tôi xuất thân từ miền quê nghèo nhưng luôn lạc quan, hài hước, không bao giờ chịu đầu hàng trước nghịch cảnh. Ba mẹ sống với nhau tình cảm vô cùng, cho dù ít khi bộc lộ những tình cảm ấy ra bên ngoài mà luôn để nó lặn vào bên trong cái vẻ ngoài xù xì, thô ráp.

Trong gia đình, ba tôi gọi mẹ là “mẹ nó”, mẹ gọi ba bằng “anh”, xưng “tui”(...). Qua cách ứng xử của ba mẹ với ông bà nội ngoại, chúng tôi học được bài học về hiếu đối với bố mẹ, ông bà. Còn trong tình yêu quê hương của ba mẹ, chúng tôi học được tình yêu với đất nước, non sông, với mảnh đất sinh ra mình dẫu khó khăn, nghèo khổ. Chúng tôi sẽ mang những bài học ấy theo suốt cuộc đời. Đấy là tài sản mà ba mẹ đã để lại cho chúng tôi”.

Nói về ý tưởng xuất bản cuốn sách, TS Nguyễn Mạnh Hùng - đại diện nhóm biên soạn cho biết: “Nghĩ về sự kiện quan trọng: Ngày 28-5-1948, lễ phong tướng đầu tiên được tổ chức tại Việt Bắc, Việt Nam có 1 Đại tướng, 1 Trung tướng và 9 Thiếu tướng được phong. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có 11 vị Tướng đầu tiên.

Lần giở lại từng trang sử, chúng tôi nhận thấy 36 vị tướng được phong đến năm 1975 và thấy rằng mỗi vị đều có những tài năng khác nhau, những công lao to lớn khác nhau, là những bài học lịch sử, những nghệ thuật quân sự đáng để khai thác và phổ biến. Chúng tôi tiếp tục tìm các nguồn khác nhau để biết rằng, tính đến lúc đưa in cuốn sách này, cả nước đã có khoảng 587 vị tướng. Nếu tính cả các vị tướng đã nghỉ hưu hay đã mất thì con số này có lẽ phải lên đến gần 1.000 (12 Đại tướng, 34 Thượng tướng, 249 Trung tướng, 691 Thiếu tướng)”.

Dự kiến tập 2 của bộ sách sẽ ra mắt vào tháng 9 tới.

HOÀNG THU PHỐ

.