Đầu năm nay, người dân ở tổ 3, thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) đã trùng tu ngôi Miếu Bà ở khu vực Gò Giảng, xứ đất Bàu Đưng. Trong khi dọn mặt bằng đã phát hiện một số cổ vật Chăm gãy vỡ vùi lấp dưới đất.
Bệ thờ, Yo-ni và chóp tháp. |
Ngôi miếu được trùng tu ở giữa khu đất cao hơn đồng ruộng chung quanh, diện tích hơn 5.000m2. Ngôi miếu trước đây bao phủ nhiều cây lớn, hoang phế theo thời gian, đến nay cả khu đất đã được phát dọn, có thể nhìn thấy nhiều mảnh vỡ của gạch Chăm, ngói Chăm và các mẫu gốm nằm rải rác trên mặt đất hoặc dưới những chùm rễ cây chằng chịt.
Các cổ vật được phát hiện tại chỗ gồm một đầu tượng, một bệ yo-ni, một bệ thờ và một chóp tháp. Bệ thờ có hình khối vuông, có gờ chỉ, kích thước 44 x 44 x 32cm. Yo-ni dày 12cm, rộng 59cm, dài (kể cả phần vòi) 79cm. Đầu tượng có dấu gãy ở cổ, chiều cao còn lại 23,5cm, rộng 15cm, đường kính phần cổ 10cm.
Thoạt nhìn dáng vẻ của đầu tượng này khá giống các đầu tượng đã tìm thấy ở di tích Quá Giáng (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang), nhưng đầu tượng ở Gò Giảng (xã Hòa Phong) là đầu tượng tròn, rời, không gắn liền với phù điêu đá ở mặt sau như đầu tượng Quá Giáng. Bố cục và đường nét trang trí trên búi tóc của đầu tượng Gò Giảng là búi tóc ba tầng, trong đó tầng dưới được trang trí hình dáng ba cánh hoa, các chi tiết chạm khắc đã mòn mờ, chỉ nhận dạng bố cục gần giống như vị trí ba cánh hoa trên các đầu tượng Chăm phong cách Đồng Dương.
Những hiện vật đã tìm thấy quá ít để có thể đưa ra các nhận xét chính xác về phong cách và niên đại của phế tích này. Chỉ có thể khẳng định tại khu vực này đã có một kiến trúc tín ngưỡng từ thời Chămpa (Chiêm Thành), ít ra có một đền tháp với bệ yo-ni (đã tìm thấy) và linga hoặc tượng tròn (chưa tìm thấy).
Cùng với các phế tích Chăm đã được phát hiện lân cận (Cấm Mít, Gò Đùi), phế tích Gò Giảng cung cấp thêm một cứ liệu cho việc nghiên cứu lịch sử vùng đất và cư dân ở phía tây Đà Nẵng, đặc biệt minh chứng cho các tầng văn hóa lâu đời để hình thành nên một nét văn hóa đặc sắc của vùng Túy Loan, Hòa Phong ngày nay.
VÕ VĂN THẮNG