Văn hóa - Giải trí

Nghệ sĩ hài Trường Giang: Giữ chất Quảng giữa phố

08:08, 08/06/2015 (GMT+7)

Dù cuộc sống có đưa đẩy tới đâu chăng nữa nhưng Trường Giang cũng luôn giữ “chất Quảng”, bởi đó là quê hương, gốc gác của anh.

Nghệ sĩ hài Trường Giang (ảnh do nhân vật cung cấp).
Nghệ sĩ hài Trường Giang (ảnh do nhân vật cung cấp).

Nổi tiếng từ vai ông già

Cách đây gần 5 năm, đã có nhiều diễn viên hài tạo được ấn tượng nhưng Trường Giang vẫn có nét lạ. Ưu điểm nổi bật của anh là tuổi còn trẻ nhưng có khả năng hóa thân thành ông già đến ngỡ ngàng và kinh ngạc. Lần đầu tiên xuất hiện với vai Mười Khó trong vở hài kịch Khó, Trường Giang đóng xuất sắc đến nỗi anh mang biệt danh Mười Khó từ đó.

Tròng vào người chiếc áo thun cài nút kín cổ, thêm chiếc quần tây đáy rộng kéo cao đến ngực, dính lên miệng cái nốt ruồi, xỏ vào chân đôi dép tổ ong, đội lên đầu cái nón phớt kiểu mấy ông già xưa và ngọng nghịu mấy câu “rặt ri” tiếng Quảng… thì khán giả đủ cười ngất. Tuy năm nay anh mới 27 tuổi nhưng khán giả cứ ngỡ anh 72 tuổi. Trường Giang từ vai ông già mà đến với nghề, rồi đi lên, nổi tiếng nhờ vai ông già, có thể kể đến những tiểu phẩm hài như: Khó, Ôsin là ông nội, Oan gia…

Trên sân khấu, Trường Giang duyên dáng đến từng sợi tóc, hút hồn từ ánh mắt, cử chỉ, giọng nói. Trường Giang luôn cho thấy mình duyên từ thuở mới lọt lòng. Điều đặc biệt là ngay trong hậu trường, anh cũng duyên một cách tự nhiên và hồn nhiên chứ không đợi đến khi có sự tương tác của ánh đèn, khán giả. Vì vậy, không khó hiểu nếu gặp Trường Giang trong phòng hóa trang, anh chạy chỗ này, ngồi chỗ kia, chân tay nhún nhảy múa may…

Không biết quan niệm từ đâu người ta cho rằng xấu mới đóng hài được, xấu mới đóng vai già được. Nhưng Trường Giang ngoài đời trẻ, dễ nhìn, dáng người nhỏ nhắn, mặt sáng. Anh kể: “Từ khi bước chân vào nghề, tôi đâu có chủ đích chọn cho mình vai già hay trẻ. Lúc đó, được đóng vai phụ là mừng muốn chết, mà vai phụ thường là vai ông già, đi ra thở hổn hển và nói mấy câu rồi đi vào. Khi được anh Đàm Vĩnh Hưng mời viết kịch bản vở hài Khó, tôi viết vai ông già người Quảng và đóng luôn, thế là được khán giả thương”, Trường Giang nói.

Theo anh, đóng vai già dễ mà khó. Dễ là mình có sẵn chất “hai lúa” trong người nên vào vai mấy ông già quê mùa không gượng, nhưng khó là phải học hỏi và quan sát ngoài đời, mà gần nhất là học từ nghệ sĩ Hoài Linh.

Hành trình chông gai nhưng may mắn

Bạn bè của Trường Giang không quên những ấn tượng đầu tiên về anh cách đây gần 10 năm. Điều đầu tiên là anh có dáng người nhỏ, thứ hai là anh không đẹp trai, thứ ba là giọng nói khó nghe. Bởi vậy, sự có mặt của anh ở khoa Diễn viên - Trường ĐH Sân khấu điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ là điều bất ngờ.

Trường Giang không giấu về “quá khứ dữ dội” của mình: “Nhà tôi ở Đồng Nai, nghèo rớt mồng tơi, tôi được ăn học đến năm lớp 12 là may mắn lắm rồi. Sau khi tốt nghiệp, tôi dự tính lên thành phố tìm việc làm, nhưng ba muốn tôi có cái nghề đàng hoàng, sau này không khổ như ông, nên tôi nộp đơn thi vào Trường ĐH Sư phạm cho đỡ tốn học phí. Nhưng thi rớt, tôi thi tiếp Trường ĐH Sân khấu điện ảnh, tưởng yên phận, ai ngờ một thời gian thì bị đuổi”, anh nhớ lại.

Bị đuổi vì không có tiền đóng học phí khiến anh đau 1 thì bị thầy cô phán “không có năng khiếu hài” làm anh đau tới 10. Buồn, hụt hẫng, thất vọng…, Trường Giang bảo đó là những ngày tháng đen tối nhất của cuộc đời mình.

Dù tự ái nhưng Trường Giang quyết tâm không ngã gục. Đến khi gặp nghệ sĩ Hữu Lộc, được một vai diễn quần chúng hiếm hoi, Trường Giang bảo mình như kẻ sắp chết đuối vớ được phao. Sau đó, cũng tình cờ được nghệ sĩ Hoài Linh khen “thằng này diễn được”, có show gì đều gọi đi theo diễn chung, Trường Giang mới bắt đầu dấn thân vào nghề. Nhờ chăm chỉ và có duyên với vai ông già mà anh nổi tiếng đột ngột.

Lúc Trường Giang nổi tiếng, mọi thứ xung quanh cũng thay đổi đến chóng mặt. Anh có nhiều công việc làm ra tiền, chạy show không có thời gian nghỉ. Anh nhớ khi được trao giải thưởng của HTV (HTV Awards) mới đây, anh sung sướng bảo rằng, có lẽ cả cuộc đời này không có hạnh phúc nào hơn đến thế. Nhưng anh vẫn không thể nào quên những ngày tháng đầy ám ảnh với căn phòng trọ chật hẹp, vài món đồ dùng rẻ tiền, trên kệ là vài ba gói mì tôm.

Đến bây giờ, khi đã đi qua chặng đường rất dài, gói ghém tất cả mùi vị cay đắng, mặn, nồng với những thăng trầm, Trường Giang trầm ngâm: “Dòng họ 10 đời không ai theo nghệ thuật, nghề cũng từ chối mình không biết bao nhiêu lần, cứ tưởng vô duyên nhưng ai ngờ cuối cùng vẫn chọn mình. Đến thời điểm này, tôi vẫn thấy mình may mắn. Nhiều đêm ngủ giật mình tỉnh dậy còn không biết có phải là sự thật không”. Ra khỏi nhà từ sáng sớm đến nửa đêm mới về, Trường Giang đang cuốn vào guồng máy làm việc không ngơi nghỉ: diễn hài, đóng phim, làm MC, viết kịch bản…

Anh bảo, nổi tiếng đã khó, giữ được sự nổi tiếng còn khó hơn. “Trước khi bước ra sân khấu, tôi là số O. Khán giả cho tôi vị trí bằng chính tình yêu thương của họ, thành ra tôi phải cố gắng từng giây, từng phút. Dù sao sự nghiệp của tôi cũng chỉ mới bắt đầu, con đường phía trước còn rất dài, nếu lơ là, chủ quan là không ổn. Làm nghề này mà khán giả không thương thì có nước ăn mì gói cả tháng”, Trường Giang cười.

Sống ở phố vẫn nói giọng quê

Trường Giang được sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai nhưng quê gốc ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Từ nhỏ, trong tâm trí của anh bao giờ cũng băn khoăn việc nói tiếng Quảng hay nói tiếng Nam. “Bạn bè cùng lớp nghe tôi nói giọng Quảng là trêu chọc, cười cợt. Nhiều lúc tôi buồn, khóc, không hiểu tại sao mình không có được giọng nói như các bạn. Nhưng gốc gác của tôi là Quảng Nam, giọng nói đã ăn sâu vào máu thịt, tôi không muốn thay đổi nó”, anh chia sẻ.

Vì lẽ đó mà trong tiểu phẩm hài Khó, Trường Giang không mấy khó khăn khi kết nối các tình huống, nhân vật. Một câu chuyện gần gũi với anh về gia đình, về sự phân biệt giọng nói, xuất xứ ngay trên đất Quảng.

Sống ở thành phố, Trường Giang vẫn nói giọng quê, thi thoảng mới nghe vài từ ngữ Nam Bộ chen vào. Có người hỏi anh sao không nói giọng Nam sẽ dễ dàng và tiện lợi khi giao tiếp và công việc, anh bảo: “Nói tiếng Quảng đưa tôi về với đúng gốc gác của mình. Dù cuộc sống có đưa đẩy tới đâu đi chăng nữa nhưng tôi cũng luôn giữ “chất Quảng” từ giọng nói đến tính cách. Tôi không bao giờ thấy lạc lỏng, trái lại cảm giác rất gần gũi với quê hương”.

Trường Giang ngoài đời cũng “màu sắc” y những vai diễn của anh. Ở đâu có anh là ở đó có tiếng cười, có đủ trò vui. “Ở đời, không ai biết trước được điều gì nên cứ cởi mở, thân thiện với mọi người. Hơn nữa, là diễn viên hài, tôi không muốn mọi người nghĩ mình khó gần”, anh quan niệm. Vì hầu hết đóng những vai ông già nên Trường Giang đi làm nghề chẳng tốn tiền đầu tư cho trang phục là mấy, chỉ tốn mấy trăm ngàn mua áo sơmi hoa hòe cũ kỹ hay vài bộ áo bà ba, đôi dép tổ ong hay cái mũ xài hết năm này qua năm khác. Còn ngoài đời, anh thích giữ cho mình một “chất quê” bởi: “Quê là bản chất của mình, dù có ăn nói bóng bẩy hay mặc đồ sang trọng thì vẫn quê mà thôi. Sống mà phải cố tỏ ra thế này, thế kia là rất mệt, rất khổ. Sống đúng với bản chất của mình là sướng nhất”.

MINH NGA

.