Văn hóa - Giải trí
Đất rừng phương Nam: "Vàng ròng" của văn học thiếu nhi
Bản in đặc biệt cuốn Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi vừa ra mắt bạn đọc cả nước. Đáng chú ý, bản in này sẽ chỉ in duy nhất một lần, với 1.925 cuốn - gợi nhớ năm sinh của nhà văn Đoàn Giỏi.
Bản đặc biệt cuốn Đất rừng phương Nam. Ảnh: H.T.PHỐ |
Đồng thời với việc phát hành bản in đặc biệt, lễ kỷ niệm 90 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi (tháng 5-1925 - tháng 5-2015) cũng vừa được NXB Kim Đồng và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
“Ai yêu tuổi thơ, người đó có cả thế giới”
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, không giấu sự xúc động khi nhắc đến nhà văn Đoàn Giỏi. Là người may mắn tiếp xúc với tác giả Đất rừng phương Nam nhiều lần, ông Hữu Thỉnh cho rằng, Đoàn Giỏi coi trọng tác phẩm, quan tâm đến việc cống hiến cho bạn đọc.
Chỉ có tác phẩm chứ không phải đất đai nhà cửa. Vốn xuất thân từ gia đình giàu có, gia đình ở tỉnh Tiền Giang đất đai mênh mông, Đoàn Giỏi hồi nhỏ còn được gọi là công tử Đoàn. Dù có quyền thừa kế gia sản đó nhưng ông cũng sẵn sàng từ bỏ. Cuối đời Đoàn Giỏi chỉ sống trong căn gác hẹp ở NXB Tác Phẩm Mới; rồi khi vào thành phố Hồ Chí Minh, ông cũng chỉ ở nhà bạn bè.
Về tác phẩm Đất rừng phương Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: Người ta nói rằng, những nhà văn thực sự tài năng là những nhà văn có khả năng bước qua đề tài, thể loại và đơn đặt hàng. Đoàn Giỏi chính là nhà văn như thế. Đất rừng phương Nam làm thay đổi một nhận thức vốn là định kiến trong giới, rằng một tác phẩm viết theo đơn đặt hàng thì bị gò bó, trói buộc cả đề tài lẫn cảm xúc. Nhưng tác phẩm này vượt qua những ràng buộc đó, Đoàn Giỏi hoàn toàn tự do với đơn đặt hàng và trở thành một trong những tên tuổi viết cho thiếu nhi hay nhất Việt Nam.
Đất rừng phương Nam là một tác phẩm viết cho thiếu nhi mà lại làm say lòng cả người lớn, và Đoàn Giỏi là một trong những nhà văn để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng các thế hệ bạn đọc ở nước ta. Ông là ví dụ đẹp cho câu nói “Ai yêu tuổi thơ, người đó có cả thế giới”.
Đoàn Giỏi viết Đất rừng phương Nam bắt nguồn từ “đơn đặt hàng” của Hội Văn nghệ Việt Nam. Khoảng tháng 2-1957, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - lúc ấy phụ trách việc chuẩn bị thành lập NXB Kim Đồng - tìm đến nhà văn Đoàn Giỏi đề nghị viết một tác phẩm về thiếu nhi Nam Bộ, thời gian viết trong 4 tháng. Đoàn Giỏi nhận lời. Nhưng do bận rộn nhiều công việc, ông vẫn chưa động bút.
Đến tháng 5-1957, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng gặp lại Đoàn Giỏi và nhấn mạnh rằng, cuốn sách đó sẽ in đúng vào thời điểm ra đời của NXB Kim Đồng là tháng 6-1957. Nhờ sự khích lệ của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, với cảm hứng mãnh liệt - nỗi nhớ quê hương da diết, Đoàn Giỏi bắt đầu chấp bút. Chỉ trong một tháng, ông hoàn tất tác phẩm đúng thời gian dự kiến. Đây là tác phầm đầu tay Đoàn Giỏi viết cho thiếu nhi, được xuất bản ngay thời điểm ra đời của NXB Kim Đồng, và Đất rừng phương Nam được đông đảo bạn đọc đón nhận.
Theo nhà văn Lê Phương Liên, nguyên biên tập viên NXB Kim Đồng, Đất rừng phương Nam in lần đầu chỉ hơn 100 trang, nhưng mỗi lần tái bản là một lần được nhà văn Đoàn Giỏi sửa chữa, viết thêm. Lần cuối cùng Đoàn Giỏi sửa bản in là năm 1982. Đây cũng là bản Đất rừng phương Nam hay nhất được in đi in lại cho đến ngày nay.
Năm 1997, tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Gỏi được chuyển thể thành bộ phim truyền hình dài 11 tập có tựa đề Đất phương Nam, do NSND Phạm Khắc làm Giám đốc sản xuất và chỉ đạo nghệ thuật, NSƯT Nguyễn Vinh Sơn là đạo diễn và viết kịch bản. Phần âm nhạc của bộ phim do nhạc sĩ - nhà nghiên cứu âm nhạc Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang sáng tạo. Cảm hứng từ tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi, âm nhạc của bộ phim đã ra đời Bài ca đất phương Nam, một ca khúc nổi tiếng rung động biết bao trái tim người nghe, không chỉ riêng với người Nam bộ. |
Mở ra thế giới kỳ diệu
“Tôi may mắn là một học trò của Đoàn Giỏi, được đọc Đất rừng phương Nam từ bản in đầu tiên 1957, từ những ngày mới biết chữ. Văn của ông hoàn toàn mới lạ với người Hà Nội ngày ấy. Nhờ Đoàn Giỏi mà người đọc được thả hồn vào tận nơi xa xôi mờ mịt đằng sau vĩ tuyến 17... để biết cây đước Cà Mau, những dòng kênh rạch dọc ngang xôn xao tiếng chèo động nước rổn rảng, con sông Tiền, sông Hậu mêng mang... Thấp thoáng xanh biếc lá dừa nước bay trong gió, văng vẳng tiếng đàn kìm và giọng ca vọng cổ đâu đây... Ngày ấy chưa có ti-vi, chưa có phim ảnh gì nhiều... Cuốn Đất rừng phương Nam với cuộc phiêu lưu hấp dẫn hồi hộp của chú bé An đã đến với bạn đọc học trò miền Bắc thập niên 60, 70... như một món quà kỳ diệu thỏa lòng mơ ước bay cao, bay xa của những tâm hồn như cánh chim non”, nhà văn Lê Phương Liên nhớ lại.
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều tâm sự, ông 2 lần là bạn đọc của Ðất rừng phương Nam. Lần đầu, lúc còn là cậu bé, Ðất rừng phương Nam đã gieo vào tâm hồn trẻ thơ của ông một hạt tinh thần quan trọng và kỳ diệu, mở ra thế giới kỳ lạ, kỳ bí, bí ẩn của thiên nhiên luôn gắn với số phận con người... “Tất cả tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi lớn trên thế giới đều viết về thiên nhiên kỳ vĩ.
Trong thiên nhiên rộng lớn ấy, có một điều bền vững và lan tỏa như ngọn lửa, đó là con người. Cá nhân tôi mang ơn ông đã gieo vào tâm hồn tôi một hạt giống quan trọng, để sau này nếu còn điều gì đó tốt đẹp còn rung động trong đời sống này thì ở đó có những tác phẩm như của Đoàn Giỏi và những nhà văn khác”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Cuốn sách từ đó theo suốt tuổi thơ của biết bao thế hệ thiếu nhi không chỉ ở Việt Nam mà còn quen thuộc với độc giả tại Liên Xô (cũ), Ðức, Trung Quốc, Hungary, Cuba... Cũng từ đây, Ðoàn Giỏi tiếp tục để lại dấu ấn với: Ngọn tầm vông, Rừng đêm xào xạc, Cuộc truy tầm vũ khí, Cây đước Cà Mau, Cá bống mú, Tiếng gọi ngàn... - những tác phẩm “được viết trong nỗi nhớ da diết vời vợi của người Nam Bộ xa quê...; các trang văn thấm đượm hơi thở sông nước, rừng cây, những câu chuyện cả thực cả kỳ bí của thiên nhiên Nam Bộ hoang sơ...” - như nhà văn Lê Phương Liên nhận xét.
Nhà văn Đoàn Giỏi (17-5-1925 – 2-4-1989) quê ở xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ông từng theo học Trường Mỹ thuật Gia Định trong những năm 1939-1940. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công và toàn quốc kháng chiến bùng nổ, gia đình ông đã tự nguyện đi theo kháng chiến. Trong những năm tháng chống Pháp, Đoàn Giỏi công tác trong ngành an ninh, rồi làm công tác thông tin, văn nghệ. Vốn có tài năng thiên phú nhiều mặt, ông đã vẽ tranh, viết kịch, làm thơ, viết văn để phục vụ kháng chiến chống Pháp với những tác phẩm: Người Nam thà chết không hàng (kịch thơ, 1947); Khí hùng đất nước (ký sự lịch sử, 1948); Đường về gia hương (truyện, 1948); Chiến sĩ Tháp Mười (kịch thơ, 1949). Sau 1954, ông tập kết ra Bắc, chuyển hẳn sang sáng tác và biên tập sách báo với những tác phẩm nổi bật như: Trần Văn Ơn (truyện ký, 1955), Cá bống mú (tập truyện, 1956), Ngọn tầm vông (tập truyện ký, 1956). |
HOÀNG THU PHỐ