Văn hóa - Giải trí

Sắc màu hy vọng

07:59, 01/06/2015 (GMT+7)

54 tác phẩm với chủ đề “Thế giới lặng im” là những nét phác họa đầy sống động về cuộc sống của các “họa sĩ” thuộc CLB câm điếc thành phố Đà Nẵng. Dù những tác phẩm đa màu sắc, đa phong cách, từ tả thực đến trừu tượng, nhưng đều mang một sắc màu chung: màu hy vọng...

Cùng nhau vẽ bức tranh “Thế giới lặng im”.                      Ảnh: NGỌC HÀ
Cùng nhau vẽ bức tranh “Thế giới lặng im”. Ảnh: NGỌC HÀ

1. Làm quen với tranh từ nhỏ, cậu bé Ngô Minh Hoàng (15 tuổi), từng đoạt nhiều giải trong các cuộc thi do Trường chuyên biệt Tương Lai tổ chức. Đến với triển lãm lần này, những gam màu trong tác phẩm vẽ về chú Dê của Hoàng sống động hơn. Khá thích thú khi tranh của mình được nhiều người quan tâm, Hoàng cứ cười tươi. Nhưng khi được hỏi, Hoàng lại ngại ngùng, phải nhờ mẹ - cũng chính là người bạn đồng hành với em trong cuộc sống nói hộ. Dõi theo từng động tác ra dấu của con, mẹ Hoàng phiên dịch: “Con rất thích vẽ tranh. Những gì con không nói được bằng lời, con lại thể hiện bằng nét vẽ, bằng màu sắc. Từ ngày làm quen với hội họa, con không cảm thấy cô đơn nữa. Con hy vọng những bức tranh của con sẽ giúp mọi người hiểu rằng chúng con cũng bình thường như bao người khác, cũng có ước mơ, hoài bão về cuộc sống”.

Không may mắn như Hoàng, Nguyễn Thị Mỹ Duyên (21 tuổi, người tỉnh Quảng Nam) phải tự bươn chải kiếm sống, hiện em phụ việc tại một quán cà-phê trên địa bàn quận Hải Châu. Dù chưa từng biết đến cây cọ, giấy vẽ nhưng chỉ sau 3 buổi lên lớp, Duyên đã chạm được vào thế giới hội họa và tỏ ra vượt trội. Tranh do Duyên vẽ rất đẹp, theo trường phái trừu tượng. Một trong số những bức tranh em triển lãm vào tháng 5 vừa qua vẽ về âm nhạc. Dẫu vậy, khi chia sẻ với chúng tôi, em vẫn cho rằng thích nhất là vẽ về gia đình. Có lẽ với một cô bé sớm rời xa gia đình, mái ấm luôn là điều mà em mơ ước.

Những em còn lại trong CLB, em thì bán vé số, em bán trứng vịt lộn, em bán cà-phê… Và mỗi chiều cuối tuần, gác lại bộn bề cuộc sống, các em tìm về thế giới của riêng mình, nơi đó có màu sắc, giấy vẽ; nơi đó các em được sống với chính mình và vẫn mang niềm hy vọng rất đời thường: vẽ tranh thật đẹp để bán được, có tiền trang trải cuộc sống...

2. Điều không ai ngờ (ngoại trừ Hoàng, Hòa đã theo học vẽ từ lâu), những em còn lại tham gia triển lãm “Thế giới lặng im” chỉ làm quen với hội họa sau 3 buổi lên lớp với cô giáo - họa sĩ Nguyễn Thị Dư Dư tại căn phòng mượn tạm của Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố. Ghé lớp học vào một chiều chủ nhật cuối tháng 5, chúng tôi dường như lạc vào không gian sáng tác của một xưởng mỹ thuật nhỏ. Các em chăm chú phác họa tác phẩm, pha màu..., thỉnh thoảng dừng lại ra dấu với cô giáo điều gì đó.

Họa sĩ Dư Dư cho biết, để hiểu các em, chị phải học ngôn ngữ cử chỉ trong vòng một tháng. Nhưng theo chị, cái chính là giữa cô và trò có một sợi dây liên kết - đó là hội họa.

“Tôi đang hướng dẫn các em vẽ tranh để tham gia triển lãm dự kiến tổ chức tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm vào tháng 7 tới. Cũng không ngờ các em nhạy với hội họa như thế, nắm bắt thế giới xung quanh rất nhanh và thể hiện điều đó vào tác phẩm một cách ngộ nghĩnh. Điều vui mừng nhất là tìm được những người phù hợp với trường phái trừu tượng mà mình theo đuổi lâu nay để truyền dạy”, họa sĩ Dư Dư chia sẻ.

Lớp học ra đời cũng rất tình cờ. Họa sĩ Dư Dư kể, một hôm tham gia sinh hoạt với CLB câm điếc thành phố, chị thấy cần tạo thêm sân chơi cho các em nên hỏi rằng, có em nào thích vẽ không. Nhiều cánh tay rụt rè đưa lên và lớp học ra đời ngay trong tuần. Thế là chỉ hơn một tháng, 54 tác phẩm ra đời (bao gồm tranh và thư pháp). Thấy tranh các em vẽ đẹp, họa sĩ Dư Dư đánh liều mở cuộc triển lãm.

“Xin đừng nhìn những khiếm khuyết của các em. Hãy lặng im để lắng nghe giai điệu của trái tim đang thổn thức, lặng im để lắng nghe những ước mơ chắp cánh bay cao... Thế giới của các em lặng im, chỉ có cử chỉ, không có lời nói. Nhưng trong thế giới ấy có nội tâm phong phú, có cái nhìn về cuộc sống đa chiều, khi sâu lắng, khi ngộ nghĩnh… Đó là những gì tôi cảm nhận được khi sống trong thế giới hội họa cùng các em. Và từ đó, tôi muốn hiểu, cảm thông và tạo cơ hội cho các em “sống” được bằng nghề này”, họa sĩ Dư Dư trải lòng.

Giữa tháng 5, triển lãm “Thế giới lặng im” được tổ chức tại Laguna Lăng Cô (thành phố Huế), giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế 54 tác phẩm vẽ về cuộc sống, ước mơ của em... do các em đến từ CLB câm điếc thành phố thực hiện. Nhiều bức tranh, thư pháp đã được khách tham quan thích thú và mua với giá cao.

NGỌC HÀ

.