.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm: Dấu ấn 100 năm tuổi

.

ĐNĐT - Sáng 25-7, Bảo tàng Điêu khắc Chăm tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm thành lập (1915-2015) gồm: tọa đàm “Khảo cổ học về Chămpa sau năm 1975 và hoạt động bảo tồn, bảo tàng”; khai mạc các trưng bày chuyên đề: “Di tích Chăm tại Đà Nẵng”, “Cổ vật văn hóa Sa Huỳnh và Chăm pa”, “Văn khắc và chữ viết Chăm”, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu văn hóa, khảo cổ và đông đảo người yêu thích nghệ thuật điêu khắc Chămpa.

Các trưng bày mới tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm nhân kỷ niệm 100 tuổi thu hút sự quan tâm của công chúng.
Các trưng bày mới tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm nhân kỷ niệm 100 tuổi thu hút sự quan tâm của công chúng.

Nhiều hiện vật quý lần đầu ra mắt công chúng

Ngoài các tác phẩm có giá trị điêu khắc cao như bức phù điêu “Siva - Phong Lệ”, trưng bày “Di tích Chăm tại Đà Nẵng” hấp dẫn người xem bởi nhiều hiện vật lần đầu tiên được giới thiệu như: gốm, thạch anh và các kim loại vàng… thu thập tại các lòng tháp Chăm ở Phong Lệ, Cấm Mít.

Bộ sưu tập đầu tượng, chóp tháp thuộc di tích Quá Giáng, hiện vật thuộc di tích Chăm ở Khuê Trung (bia chữ Chăm cuối thế kỷ 9), chùa An Sơn (bệ tượng có chạm hình cánh sen), chùa Ngũ Hành Sơn (bệ thừa Indra - phiên bản)… vừa được khai thác cũng có mặt tại trưng bày chuyên đề, gợi cho người xem cái nhìn tổng quát về sự phân bố các di tích Chăm tại Đà Nẵng, vốn là một cửa ngõ giao thương quan trọng từ thời vương quốc Chăm pa.

Hiện vật gốm khai quật tại tháp Phong Lệ.
Hiện vật gốm được khai quật tại tháp Phong Lệ.

Trưng bày “Cổ vật văn hóa Sa Huỳnh và Chăm pa” giới thiệu các mộ chum, vật liệu gốm và kim loại của nhà sưu tập tư nhân Lâm Dũ Xênh, gợi những hình dung về mối quan hệ, sự tiếp nối giữa văn hóa Sa Huỳnh (có niên đại trước thế kỷ 2) và Chăm pa qua một số đặc trưng về hoa văn, kiểu dáng và kỹ thuật chế tác.

Thạch anh, kim loại vàng, thủy tinh phát hiện tại hố thiêng Cấm Mít và Phong Lệ lần đầu tiên ra mắt công chúng.
Thạch anh, kim loại vàng, thủy tinh được phát hiện tại hố thiêng Cấm Mít và Phong Lệ lần đầu tiên ra mắt công chúng.

Trong khi đó, “Văn khắc và chữ viết Chăm” giới thiệu những loại hình văn khắc ở thời kỳ đầu như bia thế kỷ 7 của Mỹ Sơn cho đến các loại hình văn khắc muộn như bia Drang Lai thế kỷ 15.

Nội dung các văn bia đa dạng, hoặc là những bài tụng ca dâng cúng thần linh hoặc chỉ một con chữ để làm ký hiệu cho việc lắp ghép các bộ phận của các đài thờ đồ sộ như đài thờ Mỹ Sơn E1 và đài thờ Đồng Dương.

Toàn bộ các văn khắc, kể cả những mảng vỡ đã được phiên âm, dịch sang tiếng Việt và tiếng Anh trong sách “Văn khắc Chăm pa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng”. Tại trưng bày chuyên đề này, Bảo tàng giới thiệu một số văn bia cùng các văn bản chữ viết Chăm trên các chất liệu giấy, lá buông… tiêu biểu cho nền văn hóa vàng son một thuở trên mảnh đất này.

Bộ sưu tập đầu tượng, chóp tháp thuộc di tích Quá Giáng
Bộ sưu tập đầu tượng, chóp tháp thuộc di tích Quá Giáng

Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử quý giá

Tại buổi kỷ niệm 100 năm tuổi, bên cạnh các trưng bày mới, tọa đàm “Khảo cổ học về Chăm pa sau năm 1975 và hoạt động bảo tồn, bảo tàng” thu hút sự quan tâm đặc biệt của các học giả, nhà nghiên cứu tâm huyết.

Ở đây, những nhận định chung về khảo cổ học Chăm pa sau năm 1975; những thành tựu và phát hiện mới tại các di tích Chăm tiêu biểu tại Đà Nẵng và miền Trung cùng những kiến giải lý thú xung quanh các hiện vật giá trị được phát hiện gợi mở nhiều hướng đi mới cho hoạt động nghiên cứu, khảo cổ, bảo tồn bảo tàng; những vấn đề “cũ và mới” đối với Bảo tàng Điêu khắc Chăm sau 100 năm thành lập cùng những đề xuất về phương thức đầu tư và quản lý mới để phát huy giá trị “viên ngọc quý” của Đà Nẵng và Việt Nam được nhìn nhận nghiêm túc, sôi nổi.

Bệ hoa sen
Bệ hoa sen

Hầu hết các ý kiến có mặt tại buổi tọa đàm đều khẳng định những thành tựu khảo cổ học về Chăm pa sau năm 1975 đã cung cấp nguồn tư liệu chân xác góp phần nâng cao nhận thức, nhận diện mới về lịch sử văn hóa Chăm pa, khẳng định đây là một trong những nền văn hóa lớn, độc đáo, giữ vai trò chủ đạo trong suốt chiều dài lịch sử văn hóa miền Trung.

Tất cả các hiện vật được biết đến cho thấy, văn hóa Chăm pa có quá trình phát triển lâu dài, liên tục. Mỗi thời đại, bên cạnh những yếu tố văn hóa truyền thống, nền văn hóa này tiếp thu những ảnh hưởng bên ngoài, tạo nên một chỉnh thể văn hóa Chăm pa thống nhất mà đa dạng trong nền văn hóa chung của dân tộc.

Với những giá trị đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được mệnh danh là “viên ngọc quý”, bởi đây là nơi lưu giữ một phần những chứng tích của nền văn hóa độc đáo này. Tuy nhiên, trải qua 100 năm hình thành và phát triển, hiện Bảo tàng Điêu khắc Chăm đang đối mặt với những vấn đề như: xuống cấp, lạc hậu, quá tải, nguy cơ giảm sút sức hấp dẫn đối với đông đảo công chúng.

Vì vậy, ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã chia sẻ chân thành rằng, mục đích lớn nhất của buổi tọa đàm là từ bối cảnh của các thành tựu khảo cổ học về Chăm pa sau năm 1975, có thể gợi mở một số phương hướng, cách thức quản lý, giới thiệu, trưng bày giúp bảo tàng ngày càng phát triển, không chỉ là nơi bảo quản, trưng bày hiện vật mà còn là một địa chỉ nghiên cứu, gắn kết với cộng đồng.

Các
Các hiện vật lần đầu được trưng bày đã thu hút sự quan tâm của học giả, du khách

Theo đó, 11 tham luận tại tọa đàm đã trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra những gợi ý, kiến giải đáp ứng một phần nguyện vọng của những người tâm huyết với sự nghiệp bảo tồn, bảo tàng, đặc biệt là những giá trị văn hóa - lịch sử Chăm pa độc đáo.

Trong đó, trực tiếp nhất có thể kể đến tham luận “Suy nghĩ về một phương thức đầu tư và quản lý mới để phát huy giá trị của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng” của nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng.

Với tham luận này, tác giả đã đưa ra những đề xuất về hướng mở rộng Bảo tàng Điêu khắc Chăm nhằm khắc phục tình trạng “quá tải” đang ngày càng trở nên cấp thiết. Theo đó, có thể mở rộng bảo tàng theo hai hướng: mở rộng ngay trên mặt bằng hiện hữu, hoặc xây dựng thêm địa chỉ mới.

Và muốn bảo tàng lớn mạnh, vững chãi, theo ông Bùi Văn Tiếng, ngoài nguồn đầu tư tất yếu từ ngân sách, cần tranh thủ xã hội hóa phương thức đầu tư, có thể từ nguồn vé tham quan; tổ chức đấu thầu sản xuất, kinh doanh hàng lưu niệm về điêu khắc Chăm pa…

Ngoài ra, nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cần chú ý khai thác những bộ sưu tập giá trị về nghệ thuật điêu khắc Chăm của một số nhà sưu tập tư nhân; không ngừng đầu tư trang thiết bị công nghệ, hiện đại hóa hoạt động trưng bày, thuyết minh, hướng dẫn du khách nhằm tăng thêm sức hút; nâng cao trình độ, tính chuyên nghiệp của người làm khảo cổ, cán bộ bảo tàng…

Bài, ảnh: Thanh Tân

;
.
.
.
.
.