Văn hóa - Giải trí

Kinh phí cho thiết chế văn hóa phường, xã: Khó bảo đảm hoạt động

08:12, 31/07/2015 (GMT+7)

Kinh phí bảo đảm hoạt động thiết chế văn hóa (TCVH) phường, xã là vấn đề “nóng” được đặt ra tại Hội nghị triển khai công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng và tổ chức hoạt động TCVH - thể thao cơ sở, do Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng tổ chức vào sáng 30-7.

Việc vận dụng kinh phí từ nguồn xã hội hóa cần được thực hiện cẩn trọng nhằm bảo đảm quyền được thụ hưởng các nhu cầu văn hóa tinh thần chính đáng của nhân dân.
Việc vận dụng kinh phí từ nguồn xã hội hóa cần được thực hiện cẩn trọng nhằm bảo đảm quyền được thụ hưởng các nhu cầu văn hóa tinh thần chính đáng của nhân dân.

Đầu tư không đủ

Theo Văn bản số 10147 ngày 10-11-2014, UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý bố trí kinh phí bảo đảm hoạt động cho mỗi TCVH cơ sở, cụ thể là trung tâm văn hóa-thể thao (VH-TT) phường, xã với mức 25 triệu đồng/phường, xã/năm.

Với kinh phí này, các nhà quản lý văn hóa cơ sở tham dự hội nghị cho rằng, khó để tổ chức hoạt động, duy tu, bảo dưỡng hiệu quả các TCVH. Các đại biểu dẫn chứng riêng hợp đồng 1 định biên bảo vệ cơ sở vật chất cho một khu vui chơi giải trí nhỏ mỗi tháng từ 800.000 - 1 triệu đồng; hay tổ chức một trận bóng đá mini có thể tốn kinh phí từ 15-20 triệu đồng… Vì vậy, 25 triệu đồng để bảo đảm hoạt động của một trung tâm VH-TT trong một năm dường như là chuyện “không tưởng”.

Ông Nguyễn Phước Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước (quận Hải Châu), cho rằng kinh phí 25 triệu đồng/năm chỉ đủ giải quyết phần chế độ cho người quản lý, bảo vệ thiết chế, rất khó để bàn đến những vấn đề còn lại. Ông Trần Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, quả quyết nên tăng cường kinh phí đầu tư cho hoạt động các TCVH để bảo đảm phục vụ miễn phí 100% cho nhân dân, như mục đích ban đầu đặt ra đối với các TCVH.

Trong khi đó, hầu hết đại biểu cho rằng, xã hội hóa là giải pháp căn cơ lúc này, khi nguồn đầu tư từ ngân sách của Nhà nước không thể bảo đảm hoạt động, vận hành các TCVH.

Xã hội hóa là giải pháp căn cơ

Một lần nữa câu chuyện xã hội hóa hoạt động tại các TCVH phường, xã được đặt ra. Tuy nhiên, cần linh động, tính toán như thế nào vừa bảo đảm đúng mục đích phục vụ miễn phí cho nhân dân, vừa tăng nguồn thu để thêm vào bảo dưỡng cơ sở vật chất. Theo ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, vấn đề xã hội hóa, liên kết với các đơn vị tư nhân để tổ chức các hoạt động VH-TT, vui chơi giải trí không mới; nhưng trong trường hợp này cần được thực hiện cẩn trọng, vừa phát huy tối đa công năng hoạt động các thiết chế, vừa bảo đảm tính chất phục vụ đại đa số người dân, thay vì để lợi nhuận lấn lướt.

Theo thống kê, từ đầu năm 2015 đến nay, Sở VH-TT&DL đã thực hiện nâng cấp, cải tạo 17 khu vui chơi giải trí hoạt động hiệu quả và tiếp tục đầu tư hoặc chuyển đổi công năng thành trung tâm văn hóa - thông tin, với mức đầu tư khoảng 15 tỷ đồng. Đến nay, đã bàn giao, đưa vào sử dụng 12 khu, còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2015. Song, một cơ chế quản lý, vận hành phù hợp được coi là vấn đề “sống còn” đối với các TCVH cơ sở. Theo các nhà quản lý văn hóa cơ sở, lúc này, vấn đề đầu tư cho con người được xem là cần kíp hơn bao giờ hết.

Ngoài ra, thành phố vừa có chủ trương, đầu năm 2016 sẽ thực hiện thí điểm mỗi quận, huyện chọn một phường, xã sáp nhập trung tâm học tập cộng đồng với trung tâm VH-TT phường, xã, với tên gọi chung là trung tâm VH-TT học tập cộng đồng. Đến thời điểm này, chỉ huyện Hòa Vang và quận Hải Châu thành lập được các trung tâm văn hóa phường, xã có bộ máy, nhưng chưa có tư cách pháp nhân, tài khoản và con dấu riêng. Liên quan đến vấn đề này, các nhà quản lý văn hóa cơ sở cho rằng, trước mắt, thành phố nên thành lập vận hành bộ máy hoạt động trung tâm VH-TT xã hội cho ổn định, rồi hãy tính đến lộ trình tiếp theo.

Bài và ảnh: THANH TÂN

.