Văn hóa - Giải trí
NSƯT Thành Lộc: Gửi hồn vào vai diễn
53 tuổi đời, 45 tuổi nghề, Thành Lộc đã rót xương máu, linh hồn vào gần 600 vai diễn. Người đàn ông được mệnh danh là “phù thủy” bảo: Sân khấu với anh là cuộc đời và anh chưa bao giờ nghĩ có ngày sẽ chia tay nghệ thuật.
NSƯT Thành Lộc được gọi là “phù thủy của sân khấu”.Ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN |
Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghệ thuật, nhiều người thường kể hoàn cảnh và lấy thời gian làm cột mốc, nào là được phát hiện bất ngờ, do năng khiếu hay duyên đưa đẩy, nào là lúc 20 tuổi, 25 tuổi. Nhưng Thành Lộc thì không.
Máu nghệ thuật chảy trong người
Thành Lộc sinh ra trong một gia đình theo nghề hát lâu đời. Ông ngoại là bầu Thắng nổi tiếng ở Sài Gòn; ông nội là bầu Nở, nức tiếng đất Vĩnh Long; cha là kép chính Thành Tôn; mẹ là diễn viên Huỳnh Mai; các cậu, dì là những người nổi tiếng một thời như: Minh Tơ, Đức Phú, Khánh Hồng, Bảy Sự...
Vì vậy, Thành Lộc làm nghệ thuật từ lúc còn trong bụng mẹ. Chuyện anh theo nghệ thuật là lẽ đương nhiên. Thành Lộc nói: “Nghệ thuật là máu đã chảy trong người tôi, mấy chục năm vẫn còn chảy rần rần”.
Thành Lộc kể, từ nhỏ, anh thường ngồi trên gác xếp, nhìn xuống sân khấu trong đình Cầu Quan để xem hát. Không chỉ thích thú những trang phục biểu diễn và tiếng trống, tiếng phách mà Thành Lộc còn đặc biệt bị hấp dẫn bởi ánh đèn màu. Anh kể: “Tôi thường đến các ngã tư ngắm nhìn cây cột đèn chuyển màu từ xanh sang đỏ, rồi sang vàng”.
Thành Lộc còn thích thủy tinh, màu sắc, ánh sáng và những ảo giác tạo ra từ những thứ đó. Mỗi ngày, trước khi ngủ, những trang phục biểu diễn, ánh đèn màu ngập tràn cứ thấm đẫm vào từng tế bào, da thịt cùng tâm hồn anh.
Khi tròn 8 tuổi, tức năm 1969, Thành Lộc chính thức tham gia biểu diễn kịch và ca hát với nghệ danh Thành Tâm trong các ban kịch thiếu nhi trên sóng phát thanh và đài truyền hình. Đến năm 1975, khi 14 tuổi, anh vào Nhà thiếu nhi thành phố để học và tham gia đội múa.
53 tuổi đời, 45 tuổi nghề, Thành Lộc được gọi là “phù thủy của sân khấu”. Trong “gia tài” vai diễn của anh, không có dạng vai nào là thế mạnh vượt trội. Anh vượt trội ở tất cả các vai. Có cảm giác anh “chạm” đến vai nào thì “xơi” vai đó dễ dàng.
Ông già cũng là anh, thanh niên cũng là anh, em bé cũng là anh, thiếu nữ cũng là anh, kể cả phù thủy hay động vật như chồn, hổ, khỉ… cũng là anh. Không chỉ biên độ vai diễn rất rộng mà Thành Lộc còn có một điểm khác biệt hẳn với nhiều nghệ sĩ khác là anh hớp hồn khán giả ngay khi ra sân khấu. Dưới ánh đèn màu cùng tràng pháo tay của khán giả, anh biến hóa khôn lường trong tích tắc.
Nếu gọi sân khấu Idecaf là “thánh đường nghệ thuật” thì Thành Lộc đích thị là một “ông vua”. Chọn con đường thiên về nghệ thuật vị nghệ thuật, bác học, sang trọng nên các vở diễn, vai diễn của Thành Lộc thường tầm cỡ hơn, đa dạng hơn về thể loại: chính kịch, hài kịch, bi kịch.
Anh tự nhận mình làm nghệ thuật đầy chải chuốt, nghiêm ngắn, chỉn chu chứ không thô ráp, tự nhiên. Thành ra, anh rất kỹ lưỡng, cân nhắc, chọn lọc. Cơ đồ của Thành Lộc lắm vinh quang nhưng cũng nhiều cay đắng, có vị ngọt được ban tặng nhưng có cả đắng cay của sự phản bội, lật trở, thị phi.
Đánh đổi sức khỏe cho vai diễn
Trong cuốn hồi ký Tâm thành và Lộc đời, Thành Lộc dành nguyên một chương có tên “Là bóng hay hình” để nói về các vai diễn của mình. Trong buổi giới thiệu cuốn sách, Thành Lộc hào hứng kể những kỷ niệm về phản ứng của khán giả hằng đêm tại sân khấu.
Có những vai bi như ông Tư trong vở Dạ cổ hoài lang khiến khán giả khóc hay vai cô gái trong Hợp đồng mãnh thú khiến khán giả kinh ngạc và thắc mắc về… giới tính của anh. Còn khi anh đóng vai phù thủy trong vở Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn đã bị khán giả nhí rượt đánh ngay trên sân khấu, trong lúc đang diễn.
“Riêng vai người chồng trong vở Hãy khóc đi em, khi vừa diễn xong bước ra thì một khán giả nữ chặn tôi ở cửa, mặt hầm hầm nói: Ở đâu mà có cái loại đàn ông khốn nạn như anh. Rất may trong lúc xem, chị ấy biết kiềm chế, chứ không là bay thẳng lên sân khấu tát vào mặt tôi”, anh kể.
Đã gần 600 lần gửi xương máu và linh hồn cho gần 600 vai diễn - cái bóng kia, chuyện ám ảnh là đương nhiên. Thành Lộc kể, với những vai bi, kinh điển nhất là vai ông Tư trong vở Dạ cổ hoài lang. “Hơn 300 suất diễn, suất nào tôi cũng khóc đến cạn kiệt nước mắt, đến nỗi mắt mờ đi, không nhìn thấy rõ mặt bạn diễn.
Mỗi đêm, tôi lảo đảo bước vào hậu trường, ngồi thật lâu ở phòng hóa trang cho đỡ mệt trước khi về nhà”, Thành Lộc nhớ lại. Nhưng dường như đằng đẵng gần 10 năm ấy, Thành Lộc có thói quen tìm một quán rượu nhỏ, ngồi nghỉ cho đôi mắt khỏe lại mới đủ sức chạy xe về nhà.
“Sau những đêm diễn như vậy, về đến nhà tôi không tài nào chợp mắt được. Tôi thấy hình ảnh cha mình trong nhân vật. Có đêm tôi khóc trong giấc ngủ”, Thành Lộc chia sẻ.
Kinh khủng nhất là có năm vở diễn đúng dịp Tết, từ mồng 1 đến rằm tháng giêng, vở kéo dài 3 giờ, mỗi ngày diễn 3 suất. “Tôi diễn đến suất thứ 2 của ngày mùng 5 thì bị tắt tiếng, phải nhờ đồng nghiệp đưa đi gõ cửa phòng mạch để lấy thuốc. Tôi được tiêm 2 mũi thuốc vào cổ họng và uống nhiều thuốc để diễn tiếp suất tối”, anh nhớ lại.
10 năm liền đứng trên sân khấu với vai ông Tư không chỉ khiến thị lực của Thành Lộc giảm hẳn mà giọng nói cũng khản đi. Bởi thời ấy, sân khấu không dùng micro, anh phải ráng nói thật to nên bị khản giọng, viêm họng.
Thành Lộc bảo, suốt mấy chục năm vắt kiệt sức trên sân khấu, anh phải đánh đổi sức khỏe của mình. Không phải chỉ đơn giản là việc khóc - cười với nhân vật mà anh còn chấp nhận dùng rượu, bia, thuốc lá để sống cho vai diễn thêm chân thật. “Đó cũng là cái giá mà tôi phải trả cho nghề nghiệp của mình”, anh trầm ngâm.
Đa tính cách
Chính những vai diễn đa dạng trên sân khấu đã giúp Thành Lộc trở thành người đa tính cách ngoài đời. Anh có thể chơi được với nhiều người thuộc nhiều đẳng cấp khác nhau, từ trí thức, người lao động, giàu, nghèo, tốt, xấu.
“Đối diện với người kiêu hãnh, tôi có thể kiêu hãnh hơn; với người giản dị, tôi có thể giản dị hơn; với người hiền lành, tôi có thể hiền lành hơn; thậm chí với người ác, tôi cũng có thể... ác hơn”, Thành Lộc khẳng định.
Song, đó là “chơi”, còn để nói là “thân” với anh thì không dễ. Anh “ngôi sao” hay “bình dân” thì còn tùy thuộc vào người đối diện. Và chắc chắn với sự trải đời của mình, Thành Lộc chỉ cần nhìn 1/4 con mắt là thấu ruột gan người khác.
Thành Lộc tự nhận mình là người ngẫu hứng và ngang bướng, lúc lương thiện, lúc ranh ma và có chút vị ươn ươn chạy rần rần trong người nghệ sĩ. Song trong nghề, anh nổi tiếng khắt khe, khó chịu.
Trên sàn tập, anh là một “hung thần”. Thành Lộc lý giải: “Nghề này với tôi khó khăn, đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu nên tôi ghét những người coi nghề như thú vui, làm chơi chơi, coi thường lao động của người khác.
Khi tôi đã ghét thì ghét cay ghét đắng, không hợp tác nữa. Dù đó là một thái độ không được tử tế cho lắm nhưng tính tôi là vậy”.
Ở tuổi này, Thành Lộc vẫn đầy sung mãn, nhiệt huyết trên sân khấu dù anh tự nhận mình đã già, sức khỏe không tốt, tóc rụng đi nhiều. Nhưng dẫu có vậy thì anh chưa một lần nghĩ mình sẽ rời xa sân khấu.
“Có lần, tôi từng nói vui với bạn bè rằng, nếu tôi ở ẩn, tôi sẽ xây một cái chùa nào đó trên nóc của… một khách sạn để sau khi tụng kinh, tôi sẽ đứng nhìn cảnh thành phố náo nhiệt hoặc đi nhảy đầm (cười). Nói như vậy để thấy rằng, tôi không thể xa thế giới giải trí được”, anh cười.
Nhưng giả sử nếu không còn đứng được trên sân khấu nữa thì anh sẽ làm đạo diễn, nếu không được làm nữa thì sẽ làm nghề đơn giản, lương thiện như bưng cà-phê cũng được. Còn khi ngưng thở, Thành Lộc mong xác mình làm được một chuyện có ích nào đó như làm phân bón để giúp thêm chút màu mỡ cho đất mà thôi!
Trong cuốn hồi ký của mình, Thành Lộc cũng dành hẳn một chương để nói về tình yêu. Nhưng cuối cùng, anh chọn cuộc sống không lập gia đình. Anh từng bảo, thất bại lớn nhất trong cuộc đời mình là đến nay vẫn chưa có người yêu.
“Nhưng giờ tôi tròn 53 tuổi, đã quá quen với việc được tự chủ, tự quyết đời mình rồi nên giờ ai biểu tôi cô đơn hay đòi về sống cùng nhà với tôi là tôi khó chịu lắm! Chỉ tiếc là không có một Thành Tâm con để đồng cảm với một Thành Lộc cha đã đứng trên đỉnh của con dốc cuộc đời, đã thấy mọi lợi danh như bụi bay trong gió nhưng ngó bộ vẫn còn sân si, chưa tìm ra lối xuống”, anh chia sẻ.
Và Thành Lộc khẳng định mình không phải “ngày lắm mối, tối nằm không”, bởi: “Mỗi khuya, trước khi trôi vào giấc ngủ, quanh tôi là lúc nhúc những nhân vật thú vị trong những cuốn sách, bộ phim tôi nhờ chúng ru mình ngủ”, Thành Lộc viết.
PHƯƠNG NGUYÊN