Văn hóa - Giải trí

Đưa món ăn Việt ra thế giới

08:23, 07/12/2015 (GMT+7)

Trở về sau chuyến đi Luxembourg tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo trẻ Á - Âu, cô gái Đà Nẵng Lê Hạ Uyên (27 tuổi, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) một lần nữa khiến mọi người khâm phục về câu chuyện quảng bá ẩm thực Đà thành ra thế giới và giải pháp giải quyết việc làm cho thanh niên mà cô gái trẻ này đã và đang thực hiện.

Hạ Uyên cùng những nhà lãnh đạo trẻ tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo trẻ Á - Âu.  (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Hạ Uyên cùng những nhà lãnh đạo trẻ tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo trẻ Á - Âu. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Tự tin giao việc cho người trẻ

Vượt qua vòng tuyển chọn gắt gao với hơn 5.500 thanh niên đến từ 51 quốc gia, Hạ Uyên tự hào là một trong hai đại diện của Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo trẻ Á - Âu với chủ đề khởi nghiệp và việc làm, đưa ra giải pháp giải quyết việc làm cho thanh niên. Hội nghị có sự tham dự của 120 nhà lãnh đạo trẻ tiêu biểu trên toàn cầu.

Theo Uyên, dù giáo dục Việt Nam chú trọng rèn luyện các kỹ năng mềm cho sinh viên hơn trước nhưng hầu hết sinh viên hiện nay chưa được cọ xát với thực tế công việc, không có cơ hội thực hành kiến thức bởi hầu hết thời gian thực tập đều làm “chân sai vặt” hoặc lơ ngơ vì không có người hướng dẫn. Điều này khác với ở nước ngoài sinh viên đi thực tập thường được trả lương.  

Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo trẻ Á - Âu lần này, Uyên đã nêu một số khó khăn mà sinh viên Việt Nam mới ra trường gặp phải như: nhà tuyển dụng yêu cầu có 2 năm kinh nghiệm trở lên, không được thực tập đúng nghĩa và cũng không được trả thù lao như ở nước bạn. Với suy nghĩ đó, tại hai khách sạn do mình quản lý, cô gái trẻ Hạ Uyên luôn hào hứng khi tuyển chọn được những sinh viên mới ra trường năng động, tự tin, giao tiếp tiếng Anh tốt.

“Khi còn đi học, mình cứ nghĩ sau này mình sẽ là một cô gái văn phòng chứ chưa bao giờ dám nghĩ sẽ dấn thân vào con đường kinh doanh. Viết blog ẩm thực thì càng không”, Hạ Uyên bộc bạch. Từ kinh nghiệm bản thân, Hạ Uyên cho rằng, các bạn trẻ muốn khởi nghiệp cần lường trước và có phương án giải quyết những khó khăn sẽ gặp phải, chấp nhận lùi trong những trường hợp cần thiết thay vì chạy theo kiểu làm ăn “ăn xổi ở thì”.

Kết thúc hội nghị, từ những ý kiến đóng góp của 150 lãnh đạo trẻ, có 3 đề xuất được hội nghị thông qua: xây dựng văn hóa khởi nghiệp, tạo diễn đàn kết nối giữa sinh viên với doanh nghiệp và nâng cao năng lực về khởi nghiệp cho giới trẻ hiện nay.

Yêu ẩm thực quê nhà

Một lần, một người bạn nước ngoài hỏi Uyên nếu đến Đà Nẵng sẽ ăn gì, chơi gì vì người bạn ấy không thể tìm bất cứ trang thông tin tiếng Anh nào về ẩm thực Đà Nẵng trên mạng Internet. Chính điều này là căn nguyên đưa Uyên đến với việc viết website ẩm thực Đà thành bằng tiếng Anh (trước đây là song ngữ Việt - Anh) vào cuối năm 2009.

Đến nay, website danangcuisine.com của cô gái Lê Hạ Uyên đã có hơn 100 món ăn bình dân đặc sản của Đà Nẵng như mỳ Quảng, bún mắm, bánh xèo, mít trộn… được viết, cảm nhận rất tỉ mỉ, dạt dào tình yêu đối với ẩm thực quê nhà, với mảnh đất Uyên được sinh ra và lớn lên. Website thu hút hơn 120.000 lượt truy cập mỗi tháng và có hơn 90% người xem bình luận cực kỳ thích.

Không dừng lại ở việc ngồi trước màn hình máy tính, Uyên còn mở tour ẩm thực đưa khách du lịch nước ngoài đến những quán ăn uy tín mang đậm bản sắc Đà Nẵng. Ở mỗi món ăn, Uyên đều giới thiệu cặn kẽ về nguồn gốc, xuất xứ, giá trị của từng món, hướng dẫn cách ăn sao cho “đúng bài” nên khách du lịch cực kỳ thích thú.

Uyên chia sẻ: “Uyên làm điều này đơn giản chỉ vì thích nên không dẫn đoàn đại trà mà chỉ tập trung dưới 100 khách/tháng để tour đạt chất lượng”.

Ngày bắt đầu tập tành viết web với rất nhiều khó khăn, bản thân Uyên chỉ mong website là một cuốn sổ tay nho nhỏ cho những ai muốn khám phá ẩm thực Đà Nẵng. Chính Uyên cũng không ngờ website có thể phát triển đến vậy và các món ăn bình dân của Đà Nẵng lại được đông đảo bạn bè quốc tế hào hứng muốn thưởng thức.

Từ câu chuyện của cô gái Đà thành, tờ New York Times (Mỹ) đã chọn Uyên làm nhân vật xuyên suốt trong câu chuyện ẩm thực Đà Nẵng ở bài viết “In Da Nang, Vietnam, Looking to the Future”. Hay như tờ Weekend Weekly (Hong Kong) dành hẳn 20 trang sinh động, đầy đủ, hấp dẫn về du lịch và ẩm thực Đà Nẵng, trong đó dành riêng 2 trang phỏng vấn Uyên.

BÌNH AN

.