Văn hóa - Giải trí

Nhớ "Thầy tuồng" Hoàng Châu Ký

08:14, 07/12/2015 (GMT+7)

Những ngày giỗ cố giáo sư (GS) Hoàng Châu Ký, một nhà viết tuồng, nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật tuồng Việt Nam hằng năm đều gần với ngày Tết. Năm nay là năm thứ 8, người con xuất sắc của Hội An vĩnh viễn về nằm lại ở nghĩa trang nhân dân quê hương ông, nhưng sự nghiệp của ông vẫn còn mãi đó.

Tuồng là một loại hình sân khấu độc đáo của Việt Nam.  TRONG ẢNH: Các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2013.  				                    Ảnh: TTXVN
Tuồng là một loại hình sân khấu độc đáo của Việt Nam. TRONG ẢNH: Các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2013. Ảnh: TTXVN

Cũng như nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, tên Hoàng Châu Ký đã được đặt cho một con đường ở Đà Nẵng, sắp tới ở Hội An để ghi nhớ những đóng góp của ông cho văn hóa, văn học nước nhà và quê hương.

GS Hoàng Châu Ký là bậc thầy trong nghệ thuật tuồng.
GS Hoàng Châu Ký là bậc thầy trong nghệ thuật tuồng.

Góc nhìn của những người đương thời

Hầu như trong tất cả các bài viết, phát biểu về cố GS Hoàng Châu Ký, các nhà văn, nhà nghiên cứu lớn đương đại đều nêu bật tên tuổi của ông gắn liền với nghệ thuật tuồng. Ông là cánh chim đầu đàn trong các hoạt động sân khấu nói chung hơn nửa thế kỷ qua.

Ông có công đặt nền móng cho sự phục hồi và phát triển nền sân khấu Việt Nam (cả dân tộc lẫn hiện đại), như một người thợ cả cần cù, dành hết thời gian và tâm huyết cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc. Ông là người mở lối khai thông trên tất cả lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, chỉnh lý kịch bản, đào tạo đội ngũ và giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An cho rằng, GS Hoàng Châu Ký có một “hoạn lộ” khá hanh thông ngay từ năm 16 tuổi, nhưng ông đã chọn một lối rẽ khác (nghệ thuật) mà cho đến cuối đời ông thường nói vui: “Nếu phải đi trở lại, tôi vẫn đi đường này!”.

Đi theo con đường nghệ thuật đó, cố GS Hoàng Châu Ký không chỉ nghiên cứu, sáng tác, ông còn có công đào tạo nhiều thế hệ học trò mà đến nay đã là những NSND, NSƯT, GS, TS nổi tiếng trong ngành nghệ thuật.

Cố nhà thơ Huy Cận từng cho rằng: “Hạnh phúc cho cả dân tộc khi chúng ta có một người bảo vệ cho nghệ thuật dân tộc như anh Ký!”. GS Vũ Khiêu từng viết nhân ngày đại tường của Hoàng Châu Ký: “Những tác phẩm và công trình nghệ thuật của Hoàng Châu Ký đã giúp tôi hiểu sâu sắc hơn cái uyên thâm của nghệ thuật dân tộc và cả lịch sử một vùng đất như Quảng Nam, là quê hương của GS...” và “GS Hoàng Châu Ký là người đã đem đến cho tôi những cảm xúc sâu sắc, những suy nghĩ tốt đẹp về quá khứ, hiện tại và tương lai của tuồng Việt Nam”.

Không chỉ hoạt động tại Hà Nội, Quảng Nam hay Đà Nẵng, từ sau ngày thống nhất đất nước, GS Hoàng Châu Ký còn sang đến Pháp nghiên cứu các tuồng cổ trong di sản Hán Nôm; tham gia giảng dạy nghệ thuật sân khấu ở các trường đại học, các nhà hát và các hội thảo ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Hà Nội.

Tại Huế, theo Giám đốc Nhà hát Cung đình Huế, đạo diễn Trương Tuấn Hải: GS Hoàng Châu Ký đã làm đề án lập Nhà hát Cung đình với đầy đủ các bộ môn nhạc, múa, tuồng cung đình từ năm 1997. Đặc biệt, với việc trùng tu Duyệt Thị Đường, ông nhất quyết bảo vệ giữ lại một di sản kiến trúc đặc thù xây dựng từ thế kỷ 19 vốn đã là sân khấu 3 mặt - một thuật ngữ của ngành  khác với sân khấu hộp hiện nay.

TS Cát Linh lại đề cập đến tài năng trong các sáng tác của nhà viết kịch Hoàng Châu Ký. Đó là những cách tân về tâm lý và hành động kịch của nhân vật, giảm các nghi thức rườm rà trong tuồng cổ. Ông lại là người tập trung trau chuốt ngôn ngữ sân khấu dung dị và sôi động về hình ảnh, kết cấu câu thoại ngắn gọn để tiếp cận dễ dàng hơn với khán giả đương đại...

Một Hoàng Châu Ký là “nhà sân khấu học có phông văn hóa rộng” đã được GS Hồ Sĩ Vịnh nhấn mạnh khi nhớ về ông: “GS Hoàng Châu Ký đã về cõi tiên nhưng nói đến sự nghiệp của ông với hơn 60 năm sáng tạo không ngừng, tôi ví ông như một cánh chim không mỏi trên nền trời bao la của nghệ thuật dân tộc”.

Làm văn cho tuồng nhờ am hiểu tiếng mẹ đẻ

Cả hai người con trưởng của cố GS Hoàng Châu Ký là nhà thơ Ý Nhi và nhà văn Hoàng Trọng Dũng sau ngày ông mất đã thống nhất giữ lại bức liễng “Thương tiếc Thầy tuồng” do Hội Bảo trợ nghệ thuật tuồng Đà Nẵng viếng làm phông trên bàn thờ của ông, bởi “lúc sinh thời, ông cụ chúng tôi không màng mọi danh hiệu, chức tước và ông vẫn thích được gọi là một Thầy tuồng!”.

“Thầy tuồng” Ký là người mà giới nghệ thuật đều có ghi nhận chung rằng ông rất coi trọng chất văn trong lời thoại của mỗi kịch bản, dù là sáng tác đề tài lịch sử, đương đại hay chỉnh lý tuồng cổ. Trong hồi ký của mình cũng như trong những lúc ngồi nói chuyện với các bạn trẻ, ông đều nhấn mạnh yếu tố văn học trong các kịch bản, cho dù là của ông hay của các đồng sự.

Tôi may mắn cận kề ông nhiều năm và biết rằng trong cách diễn đạt hằng ngày, văn ông cũng gãy gọn, hình tượng. Ông lại có trí nhớ tuyệt vời cùng với lối kể chuyện dí dỏm nên rất hấp dẫn người nghe. Nhiều bạn từng nghe ông giảng bài đều công nhận ông luôn lấy những ví dụ sinh động, gây cười để minh họa cho những bài lý thuyết nặng nề...

Khi ông kể về từ “Chết” trong tiếng Việt: “Tiếng Anh, tiếng Pháp có ai chết thì cứ “death”, cứ “mort”. Tiếng Việt ta phong phú hơn nhiều: Người lớn tuổi chết thì gọi là quy tiên, quá vãng; người vì việc nước chết gọi là hy sinh, người trẻ là vắn số; thằng đê tiện, du đãng là ngủm! Không ai có thể viết về một cụ lão bách niên qua đời mà nói rằng cụ ấy đã… ngủm rồi được! Cũng như viết một đứa trẻ chết sớm mà bảo là… quy tiên được!”.

Có lần ông kể chuyện hai vợ chồng nọ đã có mỗi người một đứa con riêng, khi lấy nhau có thêm đứa con chung. Có lần hai đứa con riêng đánh đứa con chung, chị vợ nói với chồng: “Con anh với con em đã đánh con chúng ta…”. Và ông nói với tôi: “Tiếng Việt mình nó phong phú và chính xác rứa đó, nên chúng ta phải viết sao cho hay, phải lắng nghe ngôn ngữ của người ta nói với nhau để chắt lọc ra mà viết...”.

Không những giỏi tiếng Việt, mà cố GS Hoàng Châu Ký còn am hiểu rất nhiều về Hán văn, về lịch sử nên trong sáng tác của ông, đặc biệt là các vở tuồng như vở Trần Quý Cáp, chỉ cần đọc lại kịch bản văn học đoạn cụ Trần đối chấp với tri phủ Thống về Khổng tử, về Tân thư tuy với lời văn bình dị nhưng vẫn thấy hay và hấp dẫn...

Chính vốn văn hóa, vốn tiếng Việt sâu rộng đó, cố GS Hoàng Châu Ký được xem như người “đứng mũi chịu sào” trong việc khôi phục và phát triển nghệ thuật tuồng. Xin kết thúc bài viết này bằng nhận xét của cố nhà thơ Huy Cận về ông: “Hoàng Châu Ký có hai tác phẩm lớn. Một là toàn bộ những công trình của anh đối với tuồng. Hai là sản sinh ra nhà thơ Ý Nhi” (nhà thơ vừa được giải thưởng thơ Cikada, Thụy Điển).

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

.