Đà Nẵng cuối tuần

Tiên Điền, gặp lại...

15:11, 05/12/2015 (GMT+7)

Những ngày cuối tháng 11-2015 tôi trở lại Tiên Điền khi nơi đây đang chuẩn bị bước vào không khí của Tuần văn hóa – du lịch kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới. Khắp các ngả đường xóm thôn thị trấn Nghi Xuân rực rỡ những băng cờ lễ hội. Ông Nguyễn Ban – Chi hội trưởng văn học-nghệ thuật Nghi Xuân, một người nhiều năm làm Trưởng phòng văn hóa của huyện, là người nghiên cứu văn nghệ dân gian vừa được phong nghệ nhân, lại là hậu duệ đời thứ 8 của đại thi hào dẫn tôi vào khu lưu niệm Nguyễn Du.

Các văn nghệ sĩ  rót rượu xuống mộ thi nhân.
Các văn nghệ sĩ rót rượu xuống mộ thi nhân.

Tiên Điền quê cha của Nguyễn Du là một làng cổ, trước mặt chỉ qua một khoảng đất có thể trông ra biển Đông mênh mông với những bãi cát phẳng lỳ và hàng dương chạy xa tít tắp. Bên cạnh là dòng sông Lam, hằng ngày thuyền bè tấp nập ngược xuôi.

Sau lưng và phía tây là dãy núi Hồng Lĩnh 99 ngọn. Dân gian ở đây còn truyền lại câu ca: “Lúa Xuân Viên, quan Tiên Điền, tiền Hội Thống”. Đã có một thời đất Tiên Điền ở đâu cũng gặp những khanh tướng, công hầu, nhiều người là danh thần, dũng tướng. Hàng chục đình miếu được xây dựng trong đó có nhiều công trình văn hóa như Văn Miếu, Đình Tiên, chùa Trường Ninh.

Một thời xa xưa, chợ Tiên nơi đây buôn bán đông vui, có phố khách trú, lụa là hàng tía đua chen. Hàng cây cổ thụ bên chợ là nơi buộc voi, buộc ngựa cho quan lại tể tướng, chức sắc trong triều.

Theo sách “Nghi Xuân Địa chí” thì: “Tiên Điền gồm bốn thôn: Bàu Kể, Lương Năng, Văn Trường và Võ Phần. Là nơi chốn đô hội, lâu đài tiếp nối quán hàng cài răng lược, người đi lại tấp nập vọng lọng rợp trời”. Sách “Lịch sử Hà Tĩnh” cho hay, nhiều làng xã nổi tiếng về sự đông đúc, giàu có theo tín ngưỡng “Thờ thần”; Tiên Điền thì theo đạo nho “Thờ thánh”, sự học ở làng được đề cao được tôn vinh đến độ thành tín ngưỡng. Đến chữ nghĩa khắc chạm trên bia mộ, đền miếu ở hoành phi, câu đối, văn bia của làng cũng lộ rõ chất Văn – Nho thể hiện cốt cách của người làng Tiên Điền.

Đây là cái nôi của lễ hội cổ truyền nổi tiếng khắp vùng: Lễ lên lão, Lễ khai hạ, Lễ xuân tế, Lễ cầu khoa… Các loại vùng văn hóa dân gian Tiên Điền rất phong phú: huyền thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện kể, ca dao tục ngữ, hát ví, hát dặm, hát ca trù, hò, vè, tuồng, chèo…

Tất cả góp phần làm nên thế đứng của làng: “Hồng Lĩnh sơn cao/ Song Ngư hải khoát/ Nhược trị, minh thời/ nhân tài, tứ phát” (Núi Hồng Lĩnh cao/ Hòn Song Ngư ngoài biển rộng/ Gặp buổi có vua giỏi, quan hiền/ Nhân tài đua nhau phát”. Làng Tiên Điền ban đầu có tên là Vô Điền sau đổi thành Hữu Điền, Tân Điền, Phú Điền rồi Xuân Tiên và nay là Tiên Điền.

Tôi đã nhiều lần đến Tiên Điền, mỗi lần có thêm nhiều cảm xúc mới lạ. Khu di tích, bảo tàng Nguyễn Du được bổ sung nhiều hiện vật quý giá.

Đặc biệt có một bộ sách Truyện Kiều độc bản viết bằng thư pháp nặng nhất (khổ giấy 1mx1,6m nặng 50kg), do nhà thi pháp Nguyệt Đình ở Huế thực hiện vào năm 2005. Tôi đứng bần thần trước bức tượng mới Nguyễn Du bằng gỗ gù hương đặt ở vị trí trang trọng trong khu bảo tàng vừa được chuyển đến cách đây vài ngày.

Ông Nguyễn Ban làm tôi bất ngờ, khi người tặng bức tượng có trọng lượng 4 tấn này chính là con rể ông: anh Nguyễn Lê Huy. Huy là chồng của Vân Huyền con gái ông Nguyễn  Ban – cô thuyết minh xinh đẹp có mái tóc dài đến gót chân mà bao người đến đây đều cứ ngỡ bóng dáng một cô gái  xa xưa gội đầu bằng lá chanh, lá bưởi với dáng đi uyển chuyển, tóc dài như mây, giọng nói nhỏ nhẹ mà có sức lôi cuốn lạ lùng.

Huy làm ở Công ty Bò sữa TH ở Nghĩa Đàn, phía tây Nghệ An, Sau khi mua được gốc gù hương khổng lồ nhiều năm lấp vùi dưới lớp đất đá, đã thuê nghệ nhân Bắc Giang và nhà điêu khắc Trần Minh Châu sau gần nửa năm chế tác thành bức tượng Nguyễn Du cao 3,1m với chiều rộng đáy 2m, với hình ảnh đại thi hào tay cầm bút đôi mắt nhìn về cõi xa xăm, nhìn thẳm sâu “trăm năm trăm cõi”.

Cả hai gia đình nội, ngoại nhà anh Nguyễn Lê Huy đã bàn nhau tặng bức tượng quý giá độc nhất này cho khu lưu niệm như một món quà tri ân sâu sắc. Âu đó cũng là mối lương duyên với bậc tiền nhân của đời hậu duệ. Anh Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch huyện Nghi Xuân cũng là người con mang dòng họ Nguyễn Tiên Điền cho tôi biết: Ngoài việc hoạt động chung trong những ngày lễ hội chỉ vài hôm nữa dòng họ Nguyễn Tiên Điền sẽ tổ chức lễ tri ân báo công với tổ tiên tại nhà thờ Nguyễn Nghiệm.

Trong khu lưu niệm Nguyễn Du có cả một hệ thống các di tích còn lưu giữ đến hôm nay. Đó là đền thờ Nguyễn Du được xây dựng năm 1824, trước đây đặt trong khu vườn nhà Nguyễn Du thuộc thôn Thuận Mỹ, xã Tiên Điền. Năm 1940, nhà thờ bị xuống cấp, Hội khai trí Tiến Đức hỗ trợ 420 quan tiền giao cho cụ Nguyễn Mai (đậu tiến sĩ năm 1904, cháu mười đời của họ Nguyễn Tiên Điền) chỉ đạo và giám sát di dời về đặt trong khu vườn gia tộc họ Nguyễn của thôn Hồng Lam.

Đền thờ xây kiểu chữ đinh, nội thất còn lưu lại bài vị và lư hương bằng đá ghi tên tuổi, tước hiệu Nguyễn Du. Phía ngoài còn lưu giữ được nội dung bức đại tự với bốn chữ Hán “Địa linh nhân kiệt” và hai câu đối bằng chữ Hán trong đó có câu của cụ Nghè Mai đề tặng: “Nhất địa tài hoa, vi sử, vi khanh sinh bất thiểm – Bách niên sự nghiệp, tại gia, tại quốc tử do vinh”.

Nghĩa là: “Một đời tài hoa, lúc đi sứ, lúc làm quan, sống không hổ thẹn – Trăm năm sự nghiệp, việc nhà, việc nước, chết còn vinh”. Ở đây còn lưu giữ nhà tư văn là nơi tổ chức sinh hoạt văn hóa, đàm đạo văn chương của các bậc hiền tài, nho sĩ trong vùng. Qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử và thời gian, nhà tư văn đã được tu bổ, tôn tạo nhiều lần trên nền đất cũ, vẫn giữ được kết cấu của kiến trúc xưa.

Trong khu lưu niệm bạt ngàn màu xanh cỏ cây, hoa lá đặc biệt còn có hai cây cổ thụ, là cây muỗn và cây bồ lỗ trên 300 tuổi xanh tốt tỏa bóng mát một vùng. Ông Nguyễn Ban cho tôi biết thêm một chi tiết khá sinh động và lý thú: Ông Nguyễn Quỳnh là ông nội của Nguyễn Du đương thời làm nghề dạy học. Năm 1762, sau khi Nguyễn Nghiễm – bố Nguyễn Du được phong tể tướng, ông Nguyễn Quỳnh lập đàn tế, dựng bia đá, tưởng nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ.

Nguyễn Quỳnh vốn là nhà nho, luôn gần gũi với thiên nhiên, yêu thú điền viên, chăm lo cải tạo trồng cây trong vườn nhà. Vào đầu thế kỷ 18 cùng với sự hưng thịnh của dòng tộc, sự thành đạt của con cái, Nguyễn Quỳnh đã cho trồng 3 cây lớn ở trong vườn để hằng năm các con về quê làm nơi buộc ngựa. Một cây đã chết còn lại hai cây cổ thụ trên.

Ở đây, trước đền thờ Nguyễn Nghiễm, dù năm 1954 bom Pháp đánh trúng nhà thượng điện và đồ thờ bị hỏng nhưng hai tượng khanh hầu và hai voi đá vẫn còn sừng sững như dấu ấn của thời gian vang vọng lại một thời xa xưa không thể mất, lưu danh của một dòng họ để cho văn học nước nhà có một tác phẩm bất hủ của một thi nhân kiệt xuất.

Chúng tôi bồi hồi ra khu mộ đại thi hào để thắp hương, cắm hoa và rót rượu. Khu mộ mới được nâng cấp khang trang đẹp hơn nhiều. Qua tìm hiểu ông Nguyễn Ban, chúng tôi biết được những thăng trầm. Nguyễn Du mất vào năm 1820, mộ được an táng tại cánh đồng Bàu Đá, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Năm 1824 con trai thi hào là Nguyễn Ngụ vào kinh đô xin di dời về an táng trong khu vườn nhà tại thôn Thuận Mỹ. Năm 1826, do những sự cố bất thường trong gia đình, Nguyễn Ngụ xin dòng họ dịch chuyển ra cạnh đó 500m.

Hai năm sau trong dòng họ lại có điều bất ổn, mộ lại được con cháu di chuyển ra khu nghĩa trang của xã tại xứ Đồng Cùng thuộc thôn Tiền Giáp xã Tiên Điền. Ban đầu mộ xây bằng gạch chỉ. Năm 1965 giáo sư Đặng Thai Mai và lớp học trò từ Hà Nội vào đặt mộ chí bằng đá. Năm 1979 mộ được xây dựng bia lớn, xây khuôn viên và từ năm 2000-2003 phần mộ của Đại thi hào được trùng tu và tôn tạo.

Tôi chợt nhớ đến bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du của Vương Trọng: “Tưởng là phận bạc Đạm Tiên/ Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây…/ Một vùng cồn bãi chông chênh/ Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề”. Nay thì trên mộ thi hào ngày nào cũng có hoa tươi, khuôn viên ríu rít tiếng chim và nắng vàng.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đăng Việt, người đã có bộ ảnh về mộ Nguyễn Du chụp cách đây mấy chục năm tặng tôi một tấm ảnh ngày đó. Và chúng tôi, cùng rót rượu xuống mộ Người, giọt rượu ấm nóng hương nếp, hương quê chắt lọc bao nắng mưa sương gió như muốn được giao cảm với “Trái tim lớn giữa thiên nhiên /Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa” (Vương Trọng).

Tôi lại nhớ cách đây không lâu anh Nguyễn Tùng Phong hồi đó còn làm chủ tịch huyện Nghi Xuân có ý định rất lãng mạn sẽ quy hoạch khu vườn Nguyễn Du, trồng đủ các loài cây có trong Truyện Kiều như: Tùng, Cúc, Mai, Lựu, Liễu, Quỳnh, Giao, Huệ, Lan, Hải Đường, Trà My, Lê, Phù Dung, Đào Tiên...

Và tôi được biết mới đây đã có quy hoạch xây dựng khu văn hóa – du lịch Nguyễn Du với ý tưởng vật thể hóa và tạo hình hóa văn chương. Cụ thể bằng phương pháp sử dụng các yếu tố kiến trúc và cảnh quan, tượng và nhóm tượng, phù điêu tranh tường cùng nghệ thuật thư pháp và nghệ thuật xếp đặt trong không gian lớn để cụ thể hóa các hình ảnh được đặc tả trong văn chương Nguyễn Du, làm cho di sản thơ văn Nguyễn Du vốn được biểu hiện bằng ngôn ngữ sẽ trở thành vật thể tạo hình có thể nhìn thấy, cảm thấy và nghe thấy được. Vâng, tôi mong muốn được gặp lại một Tiên Điền xưa trong Tiên Điền nay.

NGUYỄN NGỌC PHÚ

.