Văn hóa - Giải trí

Nghĩ thêm về "Năm văn hóa, văn minh đô thị"

07:56, 14/12/2015 (GMT+7)

Thành ủy Đà Nẵng đã quyết định một lần nữa theo đuổi chủ đề “Năm văn hóa, văn minh đô thị” trong năm 2016.

Điều này cho thấy người Đà Nẵng nhận thức văn hóa, văn minh là chuyện lâu dài, là mưa dầm thấm đất chứ không phải bùng cháy lửa rơm, mặt khác cũng cho thấy người Đà Nẵng không ngộ nhận giữa đề bài và đáp số, từ đó mà chưa bằng lòng, thỏa mãn với những gì đạt được qua “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”.

Tinh thần thượng tôn pháp luật xuất phát từ nhận thức sâu sắc rằng không có quyền lực ngoài pháp luật.  Trong ảnh: Biệt phủ trái phép của ông Ngô Văn Quang ở chân núi Hải Vân (thuộc quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) bị buộc phải tháo dỡ. Ảnh: NGỌC ĐOAN
Tinh thần thượng tôn pháp luật xuất phát từ nhận thức sâu sắc rằng không có quyền lực ngoài pháp luật. Trong ảnh: Biệt phủ trái phép của ông Ngô Văn Quang ở chân núi Hải Vân (thuộc quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) bị buộc phải tháo dỡ. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Nhiều người nghĩ, sở dĩ kết quả “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” chưa được như mong đợi là do ngân sách thành phố đầu tư cho lĩnh vực này còn thấp so với yêu cầu.

Nghĩ vậy cũng đúng, nhưng phải thừa nhận rằng nhờ phát động “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” mà mức đầu tư từ ngân sách thành phố dành cho văn hóa tăng rõ so với trước. Vả lại, vấn đề không chỉ và chủ yếu không phải ở mức đầu tư, mà ở chỗ chọn ưu tiên đầu tư đúng địa chỉ - vừa qua ưu tiên đầu tư cho Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố, cho Bảo tàng Mỹ thuật, cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm, cho Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nói riêng và nghệ thuật tuồng Quảng nói chung… được xem là những lựa chọn phù hợp.

Điều đáng chú ý là trong văn hóa, văn minh đô thị, có nhiều việc không đòi hỏi tiền nong gì, chỉ cần một chút nhận thức là được.

Đương nhiên, một chút nhận thức ở đây phải cộng với một bề dày văn hóa có khi hàng trăm năm. Nhà thơ Bùi Công Minh từng nói rất hay và rất đúng rằng, để có một phút đạp phanh dừng xe nhường cho người đi bộ qua đường, người lái ô-tô ở các nước phương Tây phải có bề dày một trăm năm văn hóa, không chỉ của từng cá nhân mà là của cả cộng đồng.

Năm 2013, người viết bài này được tháp tùng Chủ tịch UBND thành phố đi công tác ở thành phố Yokohama (Nhật Bản). Điều bất ngờ và gây ấn tượng nhất đối với tôi và với cả đoàn Đà Nẵng là khi được mời đến địa điểm làm việc ở trên lầu, vừa tới chân cầu thang đã nghe tiếng vỗ tay đồng thanh nhịp nhàng và kéo dài rất lâu của nam, nữ nhân viên Văn phòng Tòa Thị chính Yokohama đang đứng dọc cầu thang đón khách.

Trong khoảnh khắc đó, tôi chợt nhớ lại ấn tượng tương tự vào năm 1998, khi tôi tham gia đoàn cán bộ cao cấp của Ban Tổ chức Trung ương Đảng sang làm việc tại Trung Quốc và có hôm được bố trí nghỉ đêm tại khách sạn Hồng Kiều, thành phố Thượng Hải.

Lúc xe chở đoàn chúng tôi vừa dừng trước sảnh khách sạn, đã thấy 3 cán bộ quản lý khách sạn ra tận cửa xe đón và tặng hoa cho trưởng đoàn, sau đó đưa cả đoàn vào phòng lễ tân. Vừa đến cửa phòng, mọi người trong đoàn đều bất ngờ và rất ấn tượng khi thấy nhân viên khách sạn đứng thành hàng dài bên nam bên nữ vỗ tay không dứt để chào mừng đoàn.

Có lẽ động thái vỗ tay như một ứng xử văn hóa đầy ấn tượng như vậy không cần phải được đầu tư một đồng ngân sách nào cả, chỉ cần một cái đầu - để nghĩ nên làm gì, và một tấm chân tình - để khách có thể nhận ra cái thực lòng trong tiếng vỗ tay giòn giã.

Liệu các khách sạn ở thành phố mình có thể học tập phong cách đón khách của khách sạn Hồng Kiều, Thượng Hải và các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Đà Nẵng có thể học tập phong cách đón khách của Văn phòng Tòa Thị chính Yokohama? Bao giờ có thể có được phong cách đón khách lịch thiệp ấy ở thành phố bên sông Hàn này? “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” sắp qua và “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2016” đang đến rất gần!

Một trong những ứng xử văn hóa quan trọng là thượng tôn pháp luật -  pháp luật trên hết. Năm 2015, Đà Nẵng được đánh giá là có tinh thần thượng tôn pháp luật qua cách ứng xử đúng đắn với không ít trường hợp, mà tiêu biểu là việc chính quyền thành phố buộc tháo dỡ những biệt phủ xây dựng trái phép trên đất rừng Hải Vân…

Tinh thần thượng tôn pháp luật xuất phát từ nhận thức sâu sắc rằng không có quyền lực ngoài pháp luật. Thực ra, quyền lực ngoài pháp luật có hai loại: quyền lực ngoài pháp luật tích cực và quyền lực ngoài pháp luật tiêu cực.

Quyền lực ngoài pháp luật tích cực là quyền lực của đạo đức xã hội, của lương tâm con người. Vô cảm với sự thống khổ và bất hạnh của người khác có thể không phạm luật nhưng có khi lại là trái lương tâm. Đồng lõa với cái ác/cái xấu có thể không phạm luật nhưng có khi lại là vô đạo đức. Và nỗi khổ dằn vặt của ăn năn/hối hận có khi làm cho con người đau đớn hơn là sự trừng phạt của pháp luật.

Người Đà Nẵng nói không có quyền lực ngoài pháp luật nghĩa là nói không với quyền lực ngoài pháp luật tiêu cực như quyền lực của đồng tiền hay của thế giới ngầm/xã hội đen, hay của cường quyền chính trị nước lớn coi thường thậm chí bất chấp luật pháp quốc tế; đồng thời cũng có nghĩa là Đà Nẵng vẫn luôn tận dụng sức mạnh và sự đồng hành của đạo đức xã hội, của lương tâm con người - những quyền lực ngoài pháp luật tích cực.

Ông cha xưa từng gửi một thông điệp để đời về tinh thần thượng tôn pháp luật qua cổ tích trứ danh Từ Thức lên tiên: người đẹp như Giáng Hương sơ ý làm gãy một cành mẫu đơn không có tiền bồi thường, phải đành chịu cho nhà chùa trói vào gốc cây, quyền lực một tri huyện như Từ Thức cũng chỉ có thể cởi áo mình trao cho nhà chùa mới mong giải cứu được mỹ nhân - chứng tỏ bất cứ ai, ở bất kỳ cương vị nào cũng đều phải thượng tôn pháp luật - cho dù đó chỉ là lệ chùa làng…

Và đương nhiên trong thế giới nghệ thuật của Từ Thức lên tiên, người có tinh thần thượng tôn pháp luật đáng ngưỡng mộ nhất chính là vị sư trụ trì ngôi chùa làng có trồng hoa mẫu đơn kia. Nhà cầm quyền - nhất là người đứng đầu - mà cứ chỗ triệt chỗ để thì làm sao gọi là thượng tôn pháp luật được.

Tiếc rằng ý này tôi chỉ kịp nghĩ ra khi bay từ Tokyo sang Seoul, sau buổi tối đàm đạo rất thú vị với cựu Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hiroyuki Yushita về văn chương Việt - Nhật, trong đó có câu chuyện liên quan đến nàng Giáng Hương đời đời xuân sắc…

Hoa sữa thơm nhưng nếu trồng quá dày trên một đường phố, có thể sẽ từ nồng nàn hương gây mùi nhớ trở thành nồng nặc không ai chịu nổi. Chính vì thế, ý thức về mức độ bao giờ cũng rất cần thiết trong ứng xử văn hóa.

Trong bài Phật giáo và tính chừng mực trong lối sống của người Huế đăng trên trang web www.daophatngaynay.com, tác giả Lê Thị Lâm cho rằng “trong giao tiếp, nếu như người Nam Bộ cởi mở, không cần các nghi thức cầu kỳ, thoải mái, người Bắc Bộ thường chú ý đến nghi thức trong giao tiếp, thì người Huế trong ứng xử lại không quá ồn ào, không lạnh lùng mà vừa phải, đằm thắm, sâu lắng.

Người Huế tình cảm chân thành, sâu sắc, hiếu khách, nhưng tất cả những sắc thái tình cảm đó được thể hiện một cách chừng mực đến mức độ vừa đủ, không quá vồn vã nhưng cũng không thờ ơ, lạnh nhạt. Thậm chí khi có mâu thuẫn họ cũng không to tiếng la mắng, quát tháo, xung đột gay gắt như người miền Bắc hay người miền Nam mà nhẹ nhàng hơn, hòa nghị hơn, họ hay sợ làm mếch lòng người khác.

Chẳng hạn nếu đi trên đường nhỡ quẹt xe vào nhau người miền khác có thể trợn mắt la lối, thậm chí đòi đánh nhau thì người Huế chỉ hỏi thăm nhau, nhắc nhở nhau…”. Nên chăng người Đà Nẵng cũng cần tỏ ra chừng mực/vừa phải và hướng tới ý thức về mức độ trong giao tiếp ứng xử như những người láng giềng phía bắc Hải Vân quan…

Nhà thơ Bùi Công Minh từng nói rất hay và rất đúng rằng, để có một phút đạp phanh dừng xe nhường cho người đi bộ qua đường, người lái ô-tô ở các nước phương Tây phải có bề dày một trăm năm văn hóa, không chỉ của từng cá nhân mà là của cả cộng đồng.

BÙI VĂN TIẾNG

.