Đà Nẵng cuối tuần
Công ty kinh doanh hay địa chỉ văn hóa?
Sau đợt chuyển đổi mô hình hoạt động năm 2010 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hàng loạt các nhà xuất bản tại Việt Nam bỗng dưng chính thức trở thành những đơn vị kinh doanh, với cái tên gọi dài dòng có vẻ khập khểnh: từ “Nhà xuất bản X” nay được gọi (rất thời đại) là “Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản X”.
Hội sách tại Công viên 29-3 nhân Ngày sách Việt Nam lần thứ II năm 2015. |
Hoạt động xuất bản cả nước bước vào một giai đoạn mới rộn ràng nhưng đầy bất trắc.
Tại Đà Nẵng, ngoài Nhà xuất bản (NXB) Đà Nẵng được thành lập từ năm 1984, lần lượt xuất hiện thêm các gương mặt mới: NXB Giáo dục tại Đà Nẵng, chi nhánh các NXB Giao thông vận tải, Kim Đồng, Lao động, Chính trị Quốc gia, Thông tin Truyền thông, Dân Trí, Văn học, Hội Nhà văn...
Hoạt động xuất bản tại thành phố có dịp trở nên đa dạng, sinh động hơn. Các giám đốc, tổng biên tập, các biên tập viên vốn thâm trầm, điềm đạm, quanh năm chuyên ôm chân bàn nghiền ngẫm chữ nghĩa bỗng dưng trở thành những nhà doanh nghiệp, nhà giao dịch đầy năng động, đôn đáo khai thác bản thảo, tìm cộng tác viên, đối tác liên kết. Có làm được những việc này NXB mới có cơ hội tồn tại trong cơ chế thị trường đầy khốc liệt!
Từ đó, các hoạt động triển lãm, giới thiệu sách, hội nghị cộng tác viên... cũng được các “nhà” rầm rộ tiến hành, mà điển hình là các hoạt động nhân Ngày sách Việt Nam lần thứ II năm 2015 tổ chức tại Công viên 29-3 và bờ tây sông Hàn đã thu hút được đông đảo bạn đọc mọi lứa tuổi và đã giúp các NXB phát hành được một số lượng kha khá sách... tồn kho!
Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng (DRT), Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (VTV Đà Nẵng) cũng nhiệt tình hưởng ứng đăng bài, tổ chức tọa đàm, giới thiệu tác giả - tác phẩm khiến văn hóa đọc trong chốc lát bỗng được chấn hưng, rộn ràng khởi sắc, người người đều nói về sách, về giá trị và lợi ích sống còn của văn hóa đọc. Tưởng như hoạt động xuất bản đã trở lại thời hoàng kim những năm 80 của thế kỷ trước!
“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, sau những ngày tưng bừng ấy, hoạt động xuất bản lại nhanh chóng rơi vào sự trầm lặng vốn có của nó. Các “Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản” lại tiếp tục cuộc đương đầu với những khó khăn thách thức của cơ chế thị trường để tiếp tục tồn tại.
Nhiều Nhà xuất bản có bề dày hoạt động nửa thế kỷ hơn, gầy dựng nên một tên tuổi lẫy lừng với các đầu sách tầm cỡ, cũng bắt đầu xuống sắc và đôi “nhà” nổi lên như một địa chỉ bán giấy phép xuất bản “nhanh, tiện, rẻ”, không quá câu nệ chuyện chất lượng bản thảo và quy trình biên tập cẩn trọng, chặt chẽ nữa! Hậu quả là, các đầu sách xấu xí, kém chất lượng, sai sót đầy rẫy (thậm chí đến loại sách kinh điển nghiêm cẩn như từ điển cũng hóa ra nhảm nhí hài hước) thi nhau nhan nhản xuất hiện trên thị trường. Được dịp để các báo, đài và mạng dồn dập gay gắt lên tiếng phê phán chỉ trích một cách... rất xứng đáng.
Trong một cuộc giao ban xuất bản tại Hà Nội năm 2009, Giám đốc NXB Văn hóa – Thông tin đã đăng đàn kêu lên một câu xanh rờn khiến cả nghị trường cười ra nước mắt: “Thà... ăn bẩn còn hơn chết đói! Chúng tôi còn biết làm gì hơn bây giờ!”.
Năm sau, tại hội nghị giao ban ở TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc NXB Lao động ví von: “Bây giờ mà ra đường, thấy một ông sồn sồn, râu róc bờm xờm, mặt mày hớt hải, mắt mũi đăm chiêu cau có, thì đích thị ông ấy không phải giám đốc thì cũng là... tổng biên tập một NXB!”.
Hầu như ở hội nghị giao ban quý, 6 tháng, cuối năm do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức những năm gần đây, ngoài những tin vui như năm 2014 các NXB tại Việt Nam đã in ấn ít nhất 28.322 đầu sách với 368.923 triệu bản, “hoạt động xuất bản đang có những chuyển biến tích cực” (Báo cáo Cục XB)..., hội nghị nào cũng đều đặn vang lên điệp khúc ngoài một số “đại gia” bề thế như Giáo dục, Trẻ, Kim Đồng, Chính trị Quốc gia – Sự thật, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân... thì hầu như các Nhà còn lại đều gặp vô vàn khó khăn...
Và rất nhiều những sai phạm trong công tác xuất bản khi được cục trưởng nêu lên trên diễn đàn thì bên dưới, các giám đốc/tổng biên tập cứ thi nhau giật mình thon thót, thấy sai phạm nào “nhà” mình cũng có dự phần! Không phải ngẫu nhiên mà mỗi lần hội họp, Giám đốc NXB Trẻ Nguyễn Minh Nhựt luôn thốt ra một câu truyền đời không rõ nguồn gốc tặng anh em: “Tóc anh bạc không vì sương gió/ Mà vì lo... đối phó với cấp trên”!
Trước tình hình đó, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục XB trong thời gian qua đã quyết liệt triển khai một số biện pháp chấn chỉnh hoạt động xuất bản mà điển hình là việc cấp, đổi giấy phép hoạt động lại cho các NXB (tổng kết hồ sơ vào tháng 8 năm 2015, Cục XB cho biết, có đến 39/64 NXB trên toàn quốc, chiếm tỷ lệ 61,9%... không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Xuất bản, may mắn NXB Đà Nẵng không lọt vào danh sách đau thương này!). Việc cấp thẻ hành nghề biên tập cho biên tập viên cũng đang được khẩn trương tiến hành...
Liệu những giải pháp trên có tạo được một bước đột phá trong hoạt động xuất bản hiện nay? Thời gian sẽ trả lời câu hỏi này. Nhưng thiết nghĩ, trước hết cần đề cập và suy nghĩ nghiêm túc đến một câu hỏi có thể là “gốc” của mọi vấn đề trong công tác xuất bản hiện nay: Hoạt động xuất bản nên là hoạt động kinh doanh trên thương trường hay là một hoạt động văn hóa cần sự bảo trợ? Sách là hàng hóa đơn thuần như mọi loại hàng hóa hay là một sản phẩm văn hóa?
Câu hỏi ấy, lại cũng cần đến thời gian để trả lời!
Trong thời đại Internet, sách điện tử lên ngôi, ngành xuất bản sách giấy truyền thống lâm vào một hoàn cảnh lép vế mang tính toàn cầu, ở cả các nước phát triển Âu Mỹ chứ không riêng gì Việt Nam. Và, không chỉ đối đầu với mạng, sách điện tử, sách in lậu đang hoành hành, các “Công ty xuất bản” lại còn rơi vào tình trạng “đối đầu lẫn nhau” trong một cuộc cạnh tranh triền miên không phải lúc nào cũng lành mạnh, tranh nhau chiều tác giả, cộng tác viên, đối tác liên kết... để có được bản thảo, thu được quản lý phí, có được thị trường phát hành... |
NGUYỄN KIM HUY