Văn hóa - Giải trí

Phát huy tinh hoa văn hóa Phật giáo

08:13, 30/01/2016 (GMT+7)

Một tháng kể từ ngày khánh thành (24-12-2015), Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đà Nẵng thu hút khách tham quan không chỉ người địa phương mà nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và các đoàn khách nước ngoài. Song, để nơi đây trở thành địa chỉ văn hóa, du lịch tâm linh, cần sự hỗ trợ nhiều hơn của các cấp, ngành liên quan.

Bảo tàng ra đời giúp người dân tiếp cận văn hóa Phật giáo.
Bảo tàng ra đời giúp người dân tiếp cận văn hóa Phật giáo.

Mỗi hiện vật là một câu chuyện thú vị

Một chiều cuối tháng 1-2016, thầy Thích Huệ Hưng (chùa Quán Thế Âm) trở thành hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” của Bảo tàng bởi theo thầy, cuối năm nhiều việc, các thầy đều bận rộn, Bảo tàng lại không có hướng dẫn viên như những bảo tàng khác.

Giới thiệu với khách tham quan, thầy Huệ Hưng cho biết, trong không gian gần 100m2 này, gần 200 hiện vật được trưng bày, có niên đại từ 70-100 năm, nhiều hiện vật chưa xác định được niên đại. Có thể so với các nơi khác, hiện vật tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo không nhiều.

Song, theo đánh giá của các chuyên gia cũng như những người am hiểu về văn hóa Phật giáo, một số hiện vật ở đây có chất liệu, hoa văn điêu khắc rất đặc biệt. Đó là tượng bạch ngọc Quán Thế Âm tống tử tạc hình Phật bà đang bế một trẻ nhỏ, tương truyền là được tìm thấy trong chùa cung đình thời nhà Nguyễn do một hoàng hậu thờ để cầu thái tử.

Đó là nhóm tượng Phật Mật Tông óng ánh màu xanh ngọc, được các chuyên gia giả định làm bằng chất liệu đồng xanh, hiện không còn tìm thấy chất liệu này ngày nay; các tượng trong nhóm tượng này có hình dáng rất khác lạ, hiếm thấy.

Có nhiều khả năng bộ tượng này có nguồn cội từ Phật viện Đồng Dương được xây dựng từ thế kỷ 9 dưới vương triều Chămpa, nơi tìm thấy 2 bảo vật quốc gia đã được công nhận là tượng Phật Đồng Dương và tượng Bồ Tát Tara.

Theo lời thầy Huệ Hưng, một tượng phật quý giá khác là tượng Phật Bồ Tát cưỡi rồng một sừng (tương truyền là hình tượng của cá hóa rồng), đạp lên trên những ngọn sóng, trên tay Bồ Tát cầm một viên định hải châu có ý nghĩa chế ngự rồng dữ gây họa sóng thần, sâu sắc hơn là chế ngự những phong ba bão táp của cuộc đời, cứu khổ chúng sinh.

Nghe tin chùa có tượng Phật này, người Nhật đã mượn về tạc một bức tượng Phật theo nguyên mẫu này để cầu an sau những trận sóng thần gây động đất kinh hoàng ở xứ Phù Tang.

Đề nghị một bạn trẻ trong đoàn khách tham quan thử nhấc bức tượng Phật Di Lặc kích thước khá nhỏ 40x40cm, song không thể dịch chuyển được, thầy Huệ Hưng cho biết, giới chuyên gia xác định tượng làm bằng kim loại nhưng không biết loại gì mà rất nặng, 2-3 người mới nhấc nổi. Bên cạnh đó, hình tượng Phật ở các quốc gia Đông Á khác như Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ... đều hiện diện ở đây, mỗi tượng mang bản sắc văn hóa riêng của mỗi quốc gia.

Ngoài hình tượng Phật, Bảo tàng còn trưng bày nhiều hiện vật là các mộc bản kinh Phật, đồ thờ cúng, nhạc khí phục vụ cho các nghi lễ, thờ cúng trong Phật giáo như: đỉnh, chuông đồng, bình sứ... Mỗi hiện vật đều được chạm khắc tinh xảo, đậm chất nghệ thuật.

Tượng Phật Di Lặc kích thước 40x40cm nhưng 2 người mới nhấc nổi.
Tượng Phật Di Lặc kích thước 40x40cm nhưng 2 người mới nhấc nổi.

Để giá trị văn hóa Phật giáo lan tỏa

Theo đánh giá của TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia và TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, 2 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giám định cổ vật và cũng là những người trực tiếp làm “hộ chiếu” cho các hiện vật tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo, hiện vật tại đây được xem như điển hình của văn hóa Phật giáo.

Vì thế, xem xét mỗi hiện vật tại Bảo tàng phải tính đến giá trị vật thể, giá trị phi vật thể và cả giá trị nghệ thuật. Thời gian tới, cần nghiên cứu kỹ hơn hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng bởi nó chứa đựng nhiều giá trị quý báu mà chưa được rõ hết; trong đó nhiều hiện vật cần phải dày công nghiên cứu, dùng kỹ thuật công nghệ cao mới giám định được niên đại cũng như giá trị.

Thượng tọa Thích Huệ Vinh, chủ trì chùa Quán Thế Âm chia sẻ: Các hiện vật đến với nhà chùa như một cơ duyên. Vì thế, chỉ vài hiện vật biết rõ nguồn gốc. Ví dụ, các bức tranh Thập điện Diêm Vương được làm bằng giấy dó, do người dân ở tại một làng quê Quảng Trị tặng, may mắn có bút tích của một vị quan thời Lê lưu lại mới biết được nguồn gốc. Còn đa phần hiện vật chính người hiến tặng cũng không biết có từ khi nào, chỉ vì thấy liên quan đến Phật giáo nên mang tặng cho chùa.

“Khi nhiều cơ duyên lành hội đủ, nhiều bộ linh tượng cổ Thích Ca, Di Đà, Dược Sư, Di Lặc, bộ Phật Bồ Tát Mật Tông, Chăm, Quán Thế Âm... và nhiều bộ pháp khí đặc biệt đã hiện hữu tại đây, giới thiệu đến công chúng.

Nhưng được danh xưng là Bảo tàng văn hóa Phật giáo nên rất cần có những tư liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử phát triển Phật giáo về nhiều mặt, chúng tôi rất mong được nhiều người phát tâm ủng hộ để Bảo tàng ngày càng phong phú, trở thành điểm đến với những ai muốn tìm hiểu văn hóa Phật giáo”, Thượng tọa Thích Huệ Vinh nói.

Hòa thượng Thích Chí Mãn, Phó trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng cho rằng, với lịch sử gần 2.000 năm du nhập Việt Nam, Phật giáo đã thấm sâu vào đời sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tinh thần Phật giáo hướng con người đến với những giá trị nhân bản, khuyến khích điều thiện và ngăn chặn cái ác, lòng tham. Bảo tàng Văn hóa Phật giáo ra đời giúp người dân tiếp cận văn hóa Phật giáo, góp phần phát huy di sản văn hóa Phật giáo, đồng thời để giá trị tốt đẹp của Phật giáo lan tỏa trong dân sinh.

Bảo tàng Văn hóa Phật giáo hiện không có hướng dẫn viên túc trực, chỉ mỗi chú tiểu canh cửa Bảo tàng. Nếu có việc bận đột xuất, chú tiểu tạm “đóng cửa” Bảo tàng. Các sư thầy tại đây cho biết, do mới bước đầu đi vào hoạt động, các thầy lâu nay không quen việc khai thác, vận hành; công tác quảng bá, giới thiệu khách tham quan cũng như công tác giữ gìn, bảo quản hiện vật còn hạn chế. Vì thế, các ngành chức năng liên quan cần quan tâm, hỗ trợ Bảo tàng về phương diện quản lý để nơi đây không chỉ là địa chỉ văn hóa, du lịch tâm linh mà là động lực phát triển du lịch phía Tây Ngũ Hành Sơn.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.