Văn hóa - Giải trí

Hàng vạn người trẩy hội Quán Thế Âm

07:48, 28/03/2016 (GMT+7)

Diễn ra trong 3 ngày 25, 26 và 27-3 (nhằm ngày 17, 18 và 19-2 âm lịch), Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn 2016 thu hút hàng vạn người đến chiêm bái và thưởng thức phần hội mang giá trị văn hóa Phật giáo, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Phần tái hiện hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm được người dân mong chờ nhất.              ảnh: ĐẮC MẠNH
Phần tái hiện hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm được người dân mong chờ nhất. ảnh: ĐẮC MẠNH

Giá trị nhân văn lan tỏa

Tờ mờ sáng, bà Dương Thị Thơ (nhà ở Miếu Bông, quận Cẩm Lệ) khăn áo chỉnh tề, giục đứa cháu chở về Ngũ Hành Sơn trẩy hội. Năm nay ngoài 75 tuổi, bà Thơ gắn với lễ hội đã mấy chục năm. “Từ những ngày đầu của Lễ hội Quán Thế Âm tôi đã tham gia.

Mấy năm gần đây, lễ hội ngày một quy mô nên không còn gói gọn trong giới phật tử mà nhiều người dân cùng tham gia. Đến với không gian lễ hội, trước hết là tìm thấy sự thanh tịnh trong lòng, gạt bỏ những sân si của cuộc đời, sau đó tìm hiểu giá trị văn hóa Phật giáo thông qua thiền trà, thư pháp...”, bà Thơ chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều phật tử, người dân ở các địa phương khác tụ về lễ hội trước một đến hai ngày, trú tại chùa để tham gia lễ chính vào sáng 27-3. Chị Nguyễn Thị Thắn (quê Ái Nghĩa, Đại Lộc) cho biết đoàn hơn 50 người, cùng ở Ái Nghĩa, thuê xe về đây từ chiều 26-3.

Với họ, vùng đất Ngũ Hành Sơn là vùng đất Phật của Quảng Nam-Đà Nẵng và hình ảnh Phật bà Quán Thế Âm là đức Phật đặc biệt gần gũi với người dân; vì vậy Lễ hội Quán Thế Âm là dịp để chiêm bái, cầu nguyện cũng như trải nghiệm, tham quan khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Bên cạnh yếu tố văn hóa tâm linh, Lễ hội Quán Thế Âm mang đậm dấu ấn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung và vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng nói riêng. Những phần hội như: đua thuyền truyền thống, hội cờ làng, hô hát bài chòi, biểu diễn võ thuật… mang đến không khí sôi nổi, qua đó mỗi người chiêm nghiệm, soi mình vào bản sắc văn hóa dân tộc để biết nâng niu, yêu quý, ý thức hơn trong việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của cha ông.

Lễ chính ngày 27-3 thu hút đông đảo chư tôn, tăng ni, phật tử, đạo hữu cùng người dân, du khách tham gia.
Lễ chính ngày 27-3 thu hút đông đảo chư tôn, tăng ni, phật tử, đạo hữu cùng người dân, du khách tham gia.

Chú trọng công tác tổ chức, quản lý lễ hội

Là một trong 15 lễ hội được Tổng cục Du lịch Việt Nam xếp vào loại lễ hội có quy mô toàn quốc, nên Lễ hội Quán Thế Âm đặc biệt được các cấp chính quyền quan tâm. UBND thành phố lập Ban Tổ chức (BTC) Lễ hội gồm Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn làm Trưởng BTC, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn làm Phó Trưởng ban thường trực, các Phó trưởng ban khác gồm lãnh đạo các sở, ngành liên quan… BTC chú trọng đến công tác bảo đảm an ninh-trật tự, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, văn minh thương mại…

Suốt 3 ngày diễn ra lễ hội, BTC bố trí lực lượng ở các điểm chốt chặn (trong và ngoài khu vực lễ chính), hướng dẫn các loại xe lưu thông trên đường, không để ùn tắc giao thông; sắp xếp bố trí cho các hộ buôn bán sau vệt vỉa hè 9m; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở buôn bán, hàng quán ăn uống, giải khát xung quanh khu vực diễn ra lễ hội; tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi buôn bán hàng rong, chim cá để phóng sinh; bảo đảm an ninh tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo…

Nhờ vậy, Lễ hội Quán Thế Âm không có hiện tượng chen lấn, bát nháo; không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, cướp giật, móc túi, ngộ độc thực phẩm... Ông Lê Á, Phó phòng Thương binh, Lao động và Xã hội quận Ngũ Hành Sơn, cho biết vẫn chưa phát hiện và xử lý trường hợp nào liên quan đến lang thang xin ăn và xin ăn biến tướng.

Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi trường hợp nhiều đối tượng lợi dụng sự đông đúc của lễ hội để thực hiện hành vi trái quy định. Cơ quan chức năng phát hiện 3 trường hợp bán vé số, bán hương có biểu hiện xin ăn nên kịp thời đẩy đuổi. “Về bán hàng rong, lực lượng quy tắc đô thị cũng phát hiện vài trường hợp mang cá cảnh và chim đi từ hướng sông Cổ Cò lên nhưng ngăn chặn kịp thời”, anh Ngô Huy Túc, thành viên Tổ quy tắc đô thị nói.

Riêng về trường hợp lợi dụng lễ hội để nâng giá giữ xe vẫn xảy ra khá phổ biến. Mặc dù 27 hộ dân đăng ký giữ xe tại lễ hội với UBND phường Hòa Hải có biên bản cam kết, với mức theo quy định là 5.000 đồng/chiếc (xe máy), nhưng ngoài bãi giữ xe do Công đoàn phường Hòa Hải thực hiện, thì hầu hết các hộ dân giữ xe đều thu với mức giá 10.000 đồng/chiếc, thậm chí tràn xuống đường vẫy mời khách vào giai đoạn cao điểm của lễ hội (sáng 27-3).

Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hải Huỳnh Quang Trung cho biết, để cảnh báo với người dân, UBND phường đã treo các băng-rôn thông báo về mức giá giữ xe theo quy định, lực lượng cũng đi kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên nhưng không thể quán xuyến nổi do lượng khách quá đông.

“Chúng tôi có nghe về việc tăng giá giữ xe, khổ nỗi khi thấy lực lượng tới họ chỉ thu 5.000 đồng/chiếc. Chiều 26-3, chúng tôi bất ngờ cho người giả dạng vào giữ xe và phối hợp Đội quản lý thị trường bắt tại chỗ mới lập được biên bản đối với hộ bà Huỳnh Thị Nhi”, ông Trung nói.

Để Lễ hội Quán Thế Âm xứng tầm là lễ hội quy mô toàn quốc, là địa chỉ du lịch tâm linh đặc sắc của vùng đất Ngũ Hành Sơn, các cơ quan chức năng cần chú trọng đầu tư chiều sâu phần hội cũng như công tác tổ chức, quản lý hội thêm chặt chẽ.

Lễ chính của Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra vào sáng 27-3 (tức ngày 19-2 âm lịch) là thời điểm lượng khách đông nhất của lễ hội. Tham dự lễ hội có Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Nguyện, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố. Về phía lãnh đạo thành phố có các Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng và Hồ Kỳ Minh, Chủ tịch MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Mạnh Hùng, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể thành phố Đà Nẵng; hàng vạn chư tôn, tăng ni, phật tử, đạo hữu cùng người dân, du khách. Phần lễ diễn ra trang nghiêm với lễ nghe giảng về nguồn gốc và ý nghĩa ngày Lễ vía đức Phật Quán Thế Âm.

Kế tiếp là những nghi lễ Phật giáo truyền thống và phần cầu nguyện của đạo hữu cho Quốc thái dân an, thả bong bóng cầu nguyện hòa bình cho nhân loại, đất nước; chiêm ngưỡng sự tái hiện hình tượng Phật bà Quán Thế Âm. Sau phần lễ chính, người dân tham gia phần hội, đặc biệt hội đua thuyền trên sông Cổ Cò với sự tham gia của 8 đội đến từ các quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Thanh Khê và huyện Hòa Vang.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ - ĐẮC MẠNH

.