Giống như bao làng quê Quảng Nam và Đà Nẵng, dân làng Bồ Bản (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) chắt chiu giữ gìn lối hát hò khoan đối đáp. Vào những dịp hội hè, tiếng hò khoan lại được cất lên ngọt ngào, thắm đượm nghĩa tình...
Hát hò khoan đối đáp tại lễ hội đình làng Bồ Bản được người dân đặc biệt yêu thích. |
Năm nay đã ngoài 80 tuổi, dù có lúc quên lúc nhớ, nhưng bà Tán Thị Cảnh vẫn không sao quên được tiếng hò khoan đối đáp của thuở mười tám đôi mươi. Thời đó, như bao trai gái trong làng, vào những đêm trăng sáng, cô gái Tán Thị Cảnh cũng tham gia hát hò khoan đối đáp ở sân đình.
“Ngày đó tui và ông xã (chồng bà Cảnh - PV) thích nhau đâu có dám thổ lộ, chỉ có thể gửi qua những câu hò để trao tình gửi ý”, bà Cảnh nhớ lại chuyện ngày xưa. Theo bà Cảnh, hát hò khoan đối đáp ở sân đình thường được tổ chức theo hình thức diễn xướng dân gian, có bài có lớp.
Hai bên nam nữ trước hết hát chào, sau đó mới đối đáp với nhau để tìm hiểu gia cảnh, bày tỏ tâm tình của mình. Nhưng phổ biến hơn cả là khi vào mùa gặt hoặc những khi tát nước ngoài đồng, người ta hát đối đáp với nhau, trêu đùa nhau bằng lối hát tự do.
Nhạc sĩ Trần Hồng, người nhiều năm nghiên cứu về hò khoan xứ Quảng lý giải thêm, sự độc đáo và hấp dẫn của hò khoan đối đáp trước hết nằm ở người sáng tạo ra nó. Đó chính là khả năng ứng tác và ứng biến một cách khéo léo đến tài tình của người hát. Đệm vào mỗi câu hò là những tiếng “à ơi”, “hố hò”, “hố hụi”, “khoan hố hợi hò khoan” gần gũi, tha thiết, chân chất, mộc mạc giống như con người xứ Quảng. Ngày xưa, chính những câu hò khoan đối đáp đã giúp con người giải khuây sau những giờ lao động vất vả, động viên nhau cùng sản xuất, yêu đời, yêu cuộc sống...
Bên cạnh cuộc sống hiện đại với nhiều loại hình giải trí nhưng hò khoan đối đáp vẫn không bị rơi vào quên lãng. Trong ngày hội làng, tiếng hò khoan trữ tình năm nao lại cất lên, được gìn giữ bởi người dân làng Bồ Bản như một sự trân trọng với nghệ thuật dân gian.
Chị Trần Thị Duẩn, Bí thư Chi bộ thôn Bồ Bản 2, chia sẻ: “Người già trong làng chừ chỉ nhớ áng chừng vài câu nằm lòng, nhưng làn điệu thì họ nắm rõ lắm. Cũng học từ người già, tìm hiểu thêm qua sách vở, nhiều người bắt đầu yêu thích hò khoan đối đáp, nhưng biết hát “chuyên nghiệp” thì khoảng 20 người, độ tuổi từ 30-50, làm nhiều nghề nghiệp khác nhau, từ cán bộ, công chức đến làm ruộng, buôn bán...”. Bây giờ, hò khoan đối đáp chủ yếu hát vào dịp lễ hội, văn nghệ, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố.
“Những quy định khô khan, khó nhớ nhưng được chuyển thể sang lối hát hò khoan đối đáp thì gần gũi, dễ đi vào lòng người. Cũng qua hò khoan đối đáp, trong dịp lễ hội, văn nghệ chúng tôi lồng vào đó những nội dung về lịch sử, về địa danh ngày xưa của làng, về đổi mới của quê hương để nhắc nhau giữ gìn giá trị truyền thống cha ông trong quá trình đô thị hóa. Có thể nói, hò khoan đối đáp không chỉ là món ăn tinh thần của dân làng Bồ Bản mà còn là công cụ tuyên truyền hiệu quả”, chị Duẩn nói thêm.
Để phát huy nét đẹp của loại hình nghệ thuật dân gian này, bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện cho dân làng Bồ Bản phát triển Câu lạc bộ Hò khoan đối đáp vừa mới hình thành. Đồng thời, có kế hoạch đưa hò khoan đối đáp vào học đường để truyền những cái hay của hát hò khoan cho thế hệ trẻ, giúp các em nhớ lịch sử của làng thông qua những câu hát hò khoan...
Bài và ảnh: NGỌC HÀ