Văn hóa - Giải trí

Festival Huế 2016: "Huế mãi trọn tình"

07:41, 05/05/2016 (GMT+7)

Sau 6 ngày diễn ra với nhiều chương trình nghệ thuật và lễ hội đặc sắc, Festival Huế lần thứ IX năm 2016 chủ đề “710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế; Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” đã khép lại vào tối qua (4-5) với lễ bế mạc “Huế mãi trọn tình” tại Quảng trường Ngọ Môn.

Chương trình áo dài “Nơi huyền thoại bắt đầu” mang đậm chất Huế.
Chương trình áo dài “Nơi huyền thoại bắt đầu” mang đậm chất Huế.

Nếu như các kỳ Festival Huế trước đây, chương trình lễ hội thường kéo dài từ 9-12 ngày thì Festival Huế 2016 rút ngắn chỉ còn 6 ngày với 53 lễ hội, chương trình nghệ thuật và gần 50 hoạt động hưởng ứng được chia 2 tour với 74 suất diễn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Những nét mới

Lễ hội Quảng chiếu tại Nghinh Lương Đình (Công viên Thương Bạc) và chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn tại công viên Trịnh Công Sơn là hai chương trình nghệ thuật lớn, lần đầu tiên tham gia Festival bằng hình thức xã hội hóa.

Lễ hội Quảng Chiếu thể hiện tâm nguyện tha thiết của giới Phật giáo Thừa Thiên - Huế về đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, chúng sanh an lạc, hạnh phúc qua các hoạt động triển lãm nghệ thuật di sản văn hóa cổ Phật giáo, ẩm thực chay, nghi lễ tâm linh và biểu diễn nghệ thuật.

Đêm nhạc Trịnh Công Sơn nhạc cụ chủ yếu là guitar như cách nhạc sĩ đã hát vào những năm tháng đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của mình. Tuy một do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thừa Thiên - Huế thực hiện, một do chính gia đình nhạc sĩ tổ chức nhưng cả hai đều diễn ra đúng chất Huế: trầm mặc, sâu lắng và đẫm chất tâm linh…

Chương trình nghệ thuật “Huế dịu dàng - Về miền Hương Ngự” diễn ra tại đình làng cổ Kim Long gần 400 tuổi bên bờ sông Hương đêm 2-5. Lần đầu tiên xuất hiện ở Festival Huế, bằng nhã nhạc và áo dài truyền thống Huế, chương trình tôn vinh nghệ thuật truyền thống - đặc biệt là nghệ thuật ca Huế mới được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia - đã khẳng định chất lượng nghệ thuật để có thể “đi tiếp” vào các kỳ Festival sau.

Ngày hội Khinh khí cầu cũng là một nét mới của Festival Huế 2016, diễn ra vào sáng qua tại sân Hàm Nghi với sự tham gia của 9 nước, gồm: Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hà Lan, Malaysia, Philippines, Nhật Bản, Anh và đại diện duy nhất của Việt Nam là Hãng hàng không Vietjet. Chương trình được xã hội hóa với kinh phí 3,5 tỷ đồng, do Công ty TNHH Ballooning Media thực hiện. Đây là lần thứ hai ngày hội dành cho những người đam mê nhìn ngắm toàn cảnh mặt đất từ trên cao này được tổ chức tại Việt Nam, sau thành phố Phan Thiết.

Bà Võ Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH Ballooning Media cho hay: “Huế là nơi đầu tiên công ty tôi mang khinh khí cầu về Việt Nam. Festival Huế năm nay, chủ đề là di sản văn hóa với hội nhập và phát triển nên rất phù hợp việc mang khinh khí cầu về làm điểm nhấn cho lễ hội”.

Giới trẻ khắp nơi đến với Festival đã thỏa sức đắm mình trong những giai điệu sôi động, tươi trẻ qua Festival Hip-Hop lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ Festival Huế. Đây được coi là cuộc hội ngộ của những người “nghiện” hip-hop sau 24 năm bộ môn nghệ thuật dành cho giới trẻ này hình thành và phát triển tại Việt Nam.

Tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống

Tại buổi họp báo hôm 28-4, một ngày trước khi Festival Huế 2016 chính thức khai mạc, Ban tổ chức đã thông báo kỳ Festival này chú trọng khai thác sâu đến nghệ thuật truyền thống, bao gồm nghệ thuật cung đình, nghệ thuật dân gian. 6 ngày qua, các lễ hội, chương trình nghệ thuật và hoạt động hưởng ứng đều theo hướng này.

Khán giả reo lên thán phục khi điệu dân vũ của đất nước Nga nổi bật trong đêm khai mạc hay kinh ngạc khi chú rối khổng lồ Liédo cao 7,5m của Đoàn nghệ thuật đường phố L’Homme Debout đến từ nước Pháp rảo bước” từ khu vực công viên Trịnh Công Sơn qua cầu Gia Hội và đường Trần Hưng Đạo chiều 30-4.

Nếu đêm trình diễn diễn áo dài “Nơi huyền thoại bắt đầu” đậm chất Huế thì lễ hội đường phố “Di sản và Sắc màu văn hóa” đã khắc họa bức tranh Festival Huế đậm chất liệu truyền thống pha lẫn sắc màu hiện đại với giai điệu Mexico, âm sắc Colombia, sắc màu vũ khúc truyền thống Hàn Quốc, nụ cười lúng liếng thảo nguyên đất nước Mông Cổ, lả lướt áo mớ ba mớ bảy cùng nón quai thao của các thiếu nữ chủ nhà trong khúc hát “Việt Nam quê hương tôi”….

Cách thành phố Huế khoảng 8km về phía Nam có “Chợ quê ngày hội” ở cầu ngói Thanh Toàn tiếng tăm lừng lẫy. Xa tít tắp 40km giáp ranh với tỉnh Quảng Trị có lễ hội “Hương xưa nhà cổ” diễn ra ở làng cổ Phước Tích, làng cổ thứ hai được xếp hạng Di tích quốc gia sau làng cổ Đường Lâm, Hà Nội. Một chợ quê, một hội làng, cả hai đều nhấn nhá nét an bình của những quê xưa truyền thống.

Đêm bế mạc, sân khấu lại rực rỡ sắc màu và ngập tràn âm thanh của nghệ thuật truyền thống. Hát múa “Yếm thắm đưa nàng về dinh”, “Trúc xinh sân đình”… đậm đà chất liệu Việt. Đoàn nghệ thuật Yangpyeong Hàn Quốc mang đến điệu múa quạt “Bu Chê Chum”. Đất nước Sri Lanka làm nghiêng ngả lòng người với điệu múa “Soorya Vandana”. Xứ sở thảo nguyên bao la vang vọng “Niềm tự hào của người Mông Cổ”. Nhà hát cung đình Huế gửi lời chào tạm biệt qua hát múa “Huế Festival - Hẹn gặp lại”…

Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng ban Tổ chức Festival Huế 2016 phát biểu tại lễ bế mạc: “Sự trình diễn mang tính chuyên nghiệp của các đoàn, nhóm nghệ thuật hay sự ngẫu hứng của những diễn viên quần chúng tuy có khác biệt nhưng tựu trung đều hướng về mục đích tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện tinh thần giao lưu, đoàn kết, hội nhập và phát triển”.

Festival Huế 2016 khép lại với bao lưu luyến, nhớ mong nhưng mở ra cơ hội cho Thừa Thiên - Huế một diện mạo mới, sức sống mới, là thành phố Festival đặc trưng, thành phố du lịch, thành phố di sản. Festival Huế thực sự là cơ hội để tăng cường tình đoàn kết hữu nghị của các quốc gia, dân tộc qua giao lưu văn hóa - nghệ thuật.

Bài và ảnh: VĂN THÀNH LÊ

.