.
NÔNG THÔN HÒA VANG

Bình yên qua nét cọ

.

Đường quê rợp mát, làng nghề truyền thống, già làng Cơtu, đàn bò thong thả về nhà... qua nét cọ của các họa sĩ gợi lên một làng quê Hòa Vang yên ả, thanh bình.

Hội Mỹ thuật thành phố đi sáng tác thực tế tại xã Hòa Phú.               Ảnh: HÀ THU
Hội Mỹ thuật thành phố đi sáng tác thực tế tại xã Hòa Phú. Ảnh: HÀ THU

Yên ả một làng quê

Theo họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố, Hòa Vang là vùng đất hiếm hoi còn lưu giữ hình ảnh làng quê yên bình của Đà Nẵng, và nơi ấy trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho giới hội họa. Bản thân họa sĩ Nam Kha cũng có kha khá tác phẩm về Hòa Vang như: Chiều về Hòa Nhơn, Trưa hè Hòa Phú...

“Tôi vẫn thích một mình rong ruổi trên con đường làng. Hình ảnh những đứa trẻ lùa trâu giữa cánh đồng xanh mát vào một buổi chiều, hay một buổi trưa hè đầy nắng vàng, con đường nhỏ quanh co in hằn bóng mẹ, bóng chị đi làm đồng, đi chợ về… cứ thế bước vào trong tranh. Những gam màu, nét cọ mang màu sắc, đường nét nhẹ nhàng mà tràn đầy sức sống”, họa sĩ Nam Kha chia sẻ.

Với họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ, Hòa Vang ấn tượng trong anh là những làng nghề truyền thống, là bản sắc văn hóa của đồng bào Cơtu. Họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ cho rằng, dòng sáng tác về đề tài nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo, miền núi vẫn luôn thu hút các họa sĩ, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa, đề tài này càng được trân quý hơn. “Hình ảnh già làng Cơtu đang kể chuyện xưa cho lớp trẻ trong ngôi nhà Gươl, vũ điệu tung tung da dá trong ngày hội… không chỉ đi vào hội họa mà cả nhiếp ảnh và nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác. Tôi hy vọng những làng nghề truyền thống được giữ gìn, giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơtu được khôi phục”, họa sĩ Trung Kỳ nói.

Khai thác những nét mới

Tháng 6 vừa qua, Hội Mỹ thuật thành phố tổ chức cho hội viên đi thực tế sáng tác tại Hòa Vang với chủ đề “Nông thôn mới”. Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha cho biết, lâu nay, chủ yếu các họa sĩ tự thân sáng tạo. Những chuyến thực tế sáng tác cho cả Hội thỉnh thoảng mới diễn ra. Vì thế, chủ đề “Nông thôn mới” là dịp để nâng cao phong trào sáng tác của Hội và các họa sĩ có cơ hội thử nghiệm góc nhìn mới về Hòa Vang trên chất liệu khác nhau, góp phần xây dựng và phát triển phong trào mỹ thuật theo hướng gần gũi công chúng.

Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, thành viên tham gia đợt sáng tác này nhìn nhận, nông thôn Hòa Vang ngày nay có nhiều đổi thay, những con đường bê-tông nối dài, liên thôn, liên tỉnh; đời sống của người dân ngày càng nâng cao. Đó chính là chất xúc tác để những người làm mỹ thuật có những đề tài mới, tạo ra tác phẩm hội họa và điêu khắc bên cạnh góc nhìn truyền thống.

Với những họa sĩ mới chập chững vào nghề, trại sáng tác thực tế là cơ hội để quan sát, học hỏi. Họa sĩ Văn Thị Tường Vy, ra trường năm 2015, hiện là giáo viên mỹ thuật tự do cho biết, đây là lần đầu tiên chị đi thực tế cùng Hội Mỹ thuật thành phố. Từ thực tế, Tường Vy nhận được sự hướng dẫn của các họa sĩ tên tuổi và có thêm trải nghiệm thú vị cho con đường hội họa phía trước.

Dù chỉ một ngày sáng tác ngắn ngủi, nhưng mỗi họa sĩ đã có cho riêng mình ý tưởng, tác phẩm ký họa và từ đấy, hứa hẹn thêm nhiều tác phẩm về nông thôn mới Hòa Vang, trong đó có cả những nét bình yên của làng quê, cả đổi thay mang dáng dấp đô thị hóa...

HÀ THU

;
.
.
.
.
.