.
Thanh Chiêm: Dinh trấn của công cuộc mở cõi và mở cửa

Bài 5: Đánh thắng hai đoàn tàu chiến Hà Lan

.

Cảng Hội An không còn từ lâu. Nhưng biển Cửa Đại bên dưới Hội An vẫn ầm ào sóng vỗ đón nước Thu Bồn lồng lộng. Và người Thanh Chiêm, Hội An khi nhìn ra Biển Đông trước mặt lại bật dậy ký ức được truyền lưu từ ông cha về một trận chiến kiêu hùng của thủy quân chúa Nguyễn đánh tan tác những đoàn tàu chiến Hà Lan hùng hổ...

Phân cảnh hành dinh dinh trấn Thanh Chiêm trong bức vẽ Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ (Vượt biển buôn bán với người Giao chỉ) với nhiều phân cảnh, do Nhật kiều ở Hội An  Chaya Shinroku vẽ, được cất giữ ở chùa Jomyota tại Nagoyas. Bnar vẽ lại được Bảo tàng huyện Điện Bàn cho tô đậm màu so với bản gốc.
Phân cảnh hành dinh dinh trấn Thanh Chiêm trong bức vẽ Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ (Vượt biển buôn bán với người Giao chỉ) với nhiều phân cảnh, do Nhật kiều ở Hội An Chaya Shinroku vẽ, được cất giữ ở chùa Jomyota tại Nagoyas. Bnar vẽ lại được Bảo tàng huyện Điện Bàn cho tô đậm màu so với bản gốc.

Chiến thắng đầu tiên

Dẫu biết sức chảy cuồng mãnh của đại giang Thu Bồn vào những năm có mưa lụt lớn có thể làm đổi thay dòng chảy và cả địa hình vùng hạ nguồn, nhưng nhìn dải đất nằm bên đường Thanh Chiêm - Hội An, cách nền dinh trấn Thanh Chiêm xưa chừng 400m về hướng đông, thật khó ngờ đây từng là căn cứ thủy quân Vạn Đông của dinh trấn Thanh Chiêm. “Vạn Đông ngày trước là vạn ghe của làng Văn Đông, nằm kề dưới làng Thanh Chiêm. Ngày mới lập dinh trấn, năm 1602, Chúa Nguyễn Hoàng cho đặt tạm dinh trấn ở Văn Đông, sau đó mới xây dinh lỵ chính thức ở làng Thanh Chiêm. Lớp ông cha tui luôn nhắc lại việc thủy quân của thế tử Nguyễn Phúc Tần đánh tan mấy đoàn tàu chiến của Hà Lan. Họ đã xuất quân từ cái căn cứ Vạn Đông ni đó...”, lão làng Thanh Chiêm Đinh Trọng Tuyên nói trong niềm phấn khích.

Chiến thắng đầu tiên của thủy quân Đàng Trong ở Thanh Chiêm là đánh bật đoàn tàu chiến Hà Lan 5 chiếc với quân số trên 170 người ở cửa biển Hội An hồi tháng 6-1642. Thuyền trưởng Jacob Van Liesvelt cùng 10 binh sĩ tử trận, cả đoàn chiến thuyền cùng tháo chạy trước sức tấn công dũng mãnh của thủy quân Đàng Trong dưới sự chỉ huy của trấn thủ Quảng Nam - thế tử Nguyễn Phúc Tần (1619-1687). Một chiến thắng ghi đậm nét son trong lịch sử dân tộc, bởi đây là trận thủy chiến đầu tiên của người Việt Nam đối với các thế lực bên ngoài đến từ phương Tây mãi cho đến thế kỷ 19 - như TS. Li Tana nhấn mạnh.

Không chỉ biểu thị sức mạnh quân sự, chiến thắng này còn tỏ rõ sự kiên định của các chúa Nguyễn trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền thương mại vì lợi ích, vì danh dự dân tộc. Mở rộng cửa đón nhận giao thương với các nước Á - Âu với tinh thần cầu thị, hòa nhập vào thời đại thương mại từ trong đêm dài của nền kinh tế nông nghiệp, nhưng chúa Nguyễn Phúc Lan và thế tử Nguyễn Phúc Tần vẫn không chấp nhận việc coi thường luật pháp bản địa của các thương nhân Hà Lan.

Phản ứng việc chủ thương điếm Hà Lan Abraham Dujecker tại Hội An đánh chết một người Việt làm công vì nghi ăn cắp hàng hóa ở đây (1641), từ dinh trấn Thanh Chiêm, trấn thủ Nguyễn Phúc Tần liền cho bắt Dujecker cùng những người Hà Lan khác ở thương điếm này tống giam, đốt hết hàng hóa của họ. Sự bất hòa giữa hai bên - chính quyền Đàng Trong và các thương nhân Hà Lan từ Công ty Đông Ấn dưới sự bảo trợ của Toàn quyền Hà Lan ở Batavia (Indonesia) ngày càng lên cao. Cũng trong năm 1642, trấn thủ Nguyễn Phúc Tần đã hai lần cho tịch thu hàng hóa, lấy tàu thuyền cùng bắt giam cả người trên 4 chiếc tàu bị đắm ở bờ biển Quảng Nam vì nghi là hải tặc.

Cũng trong năm 1642, các tàu chiến Hà Lan đã bắt giữ 120 người Việt ở Touran (Đà Nẵng), lại bố ráp từ vịnh Quy Nhơn trở ra, đốt 400-500 ngôi nhà và các kho gạo, bắt đi 49 cư dân ven biển.(1)  “Phải trừng trị quân Ô Lan (Hà Lan) ngang ngược!” Trận thắng quân Hà Lan ở cửa biển Hội An chính là từ ý chí đó của trấn thủ Nguyễn Phúc Tần cùng binh sĩ.

Thảm họa của thủy quân Hà Lan

“Trận chiến hoàn toàn là một thảm họa. Tàu De Wijdenes (đô đốc) bị phá hủy, Baeck bị giết, hai chiếc tàu khác phải vất vả lắm mới thoát được”, GS. Lê Thành Khôi(2) vắn tắt về thắng lợi của quân chúa Nguyễn trong trận đánh với quân Hà Lan ngày 7-7-1643 tại vùng biển Cửa Eo (gần cửa Thuận An ngày nay).

Ấy là, để phục hận, tháng Giêng năm 1643, người Hà Lan cho một đoàn tàu mới gồm 5 chiếc tới Đàng Ngoài, do Johannes Lamotius chỉ huy để phối hợp với quân chúa Trịnh tấn công Đàng Trong. Tháng 6-1643, họ lại gởi thêm một đoàn tàu gồm 3 chiếc, dưới quyền chỉ huy của Pieter Baeck. Nhưng khi đến cách sông Gianh khoảng 5 dặm về phía nam, quân Hà Lan đã sững sờ khi thấy 50 chiến thuyền của quân Nguyễn đang tiến về phía họ. Quả là họ không ngờ đây là đoàn chiến thuyền đến từ dinh trấn Thanh Chiêm do trấn thủ Nguyễn Phúc Tần đã ra tận đây để “nghênh đón” họ.

Chiến thuyền quân Nguyễn lao vùn vụt rượt đuổi thuyền giặc, xông vào thuyền chỉ huy Wijdenes vốn cũng đang hốt hoảng cùng hai tàu chiến khác tháo chạy. Nhưng dễ đâu thoát được. GS. Lê Thành Khôi đã mô tả trận chiến một cách ấn tượng: “Cả đám thủy quân gan dạ nhảy lên tàu Wijdenes đẵn cột buồm, chặt bánh lái, khiến cho thuyền trưởng và thủy thủ bên địch phải kinh hoàng, thất tán như đứng trước một đoàn âm binh từ đâu dưới thủy cung đột hiện. Túng thế, quân địch phải phá tàu bằng thuốc súng. Đô đốc Pieter Baeck cùng 200 thủy thủ phải thịt nát xương tan. Âm mưu cấu kết giữa quân Trịnh và quân Hà Lan tan vỡ...”(2).

Trận hải chiến đem đến thất bại ê chề cho một quốc gia có lực lượng hải quân vốn là chỗ dựa cho nền ngoại thương đã tiên phong vươn xa tới các đại lục thời bấy giờ này đã gây ấn tượng với giới sử học. TS. Li Tana viết: “Những người Hà Lan sống sót đã chỉ trích nặng nề viên chỉ huy của họ là đã không lường trước được cuộc tấn công của kẻ địch. Trong cả hai trận chiến (1642 và 1643 - PV), các cuộc tấn công bất ngờ của họ Nguyễn đã đặt người Hà Lan vào thế thủ ngay từ giây phút đầu. Theo Tiền biên, họ Nguyễn đã chuẩn bị kỹ lưỡng vì đã nhận được báo cáo từ một đội đặc biệt gọi là tuần hải, thêm vào là các trạm gác dọc bờ biển...”.

Điều lý thú, chiến thắng này đã được người phương Tây sớm biết đến. Giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) đã viết về trận chiến này khá chi tiết trong tác phẩm Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài từ 1627-1646 được in và xuất bản ở Lyon năm 1651.  

Kẻ phản bội dân tộc sẽ thất bại

Sự câu kết của chúa Trịnh Tráng với người Hà Lan nhằm mưu lợi cho mình bất chấp đất nước, dân tộc đã được chúa Nguyễn Phúc Lan cùng thế tử Nguyễn Phúc Tần sớm nhận ra. Bởi vậy, trấn thủ Nugyễn Phúc Tần cùng binh sĩ dưới quyền đã tôi luyện, nung nấu tinh thần chiến đấu để chiến thắng.

Đáng nói là mới đây, TS. Li Tana đã truy tìm được bức thư của chúa Trịnh Tráng gửi cho Toàn quyền Công ty Đông Ấn Hà Lan vào năm 1637(1). Đây là đoạn chính bức thư của chúa Trịnh Tráng:  “... Các ông có thể cho chúng tôi 2 hoặc 3 chiếc tàu, hoặc 200 lính thiện xạ... Thêm vào đó, xin gởi cho chúng tôi 50 chiến thuyền cùng với số lính tuyển chọn và những khẩu súng mạnh, và chúng tôi sẽ gửi một số lính tin cậy đến hướng dẫn các chiến thuyền của các ông tới Quảng Nam. Đồng thời đạo quân của chúng tôi sẽ tấn công Thuận Hóa... Sau khi chiến thắng chúng tôi sẽ ban tặng cho binh lính các ông 20.000 tới 30.000 lạng bạc. Về phần các ông, chúng tôi sẽ trao xứ Quảng Nam cho các ông cai trị. Các ông có thể chọn một số lính để xây dựng và canh gác thành, chúng tôi sẽ truyền lệnh cho người dân ở đó làm lao dịch cho các ông. Các ông có thể thu hoạch các sản phẩm trong vùng và gởi một phần cho triều đình chúng tôi, như thế cả hai đều được hưởng lợi...”.

HUỲNH VĂN MỸ


(1) Xứ Đàng Trong - lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17-18, Li Tana, Nguyễn Nghị dịch, NXB Trẻ, 1999.

(2)  Lịch sử Việt Nam - từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20 - bản tiếng Pháp của Lê Thành Khôi, Nguyễn Nghị dịch, NXB Nhã Nam + NXB Thế Giới, 2014.

;
.
.
.
.
.