Văn hóa - Giải trí

Thiếu tượng nghệ thuật ngoài trời

08:02, 06/08/2016 (GMT+7)

Cùng với việc mở rộng đô thị, Đà Nẵng ngày càng có nhiều không gian lý tưởng để đặt tượng ngoài trời, tạo điểm nhấn kiến trúc. Tuy nhiên, số lượng tượng nghệ thuật tại các địa điểm công cộng hiện khá ít, trong khi nhiều phác thảo của các nhà điêu khắc tên tuổi tại Trại Điêu khắc Đà Nẵng 2010 “đắp chiếu” gần 6 năm nay.

Tượng Mẹ Âu Cơ tại Công viên Biển Đông tạo điểm nhấn cảnh quan cho khu vực này.              Ảnh: HÀ THU
Tượng Mẹ Âu Cơ tại Công viên Biển Đông tạo điểm nhấn cảnh quan cho khu vực này. Ảnh: HÀ THU

Vắng bóng tượng nghệ thuật

Dẫn lại câu chuyện nhà điêu khắc Na Uy Oyvin Storbaekken chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai để sáng tạo nghệ thuật, nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Hải Học muốn khẳng định tiềm năng nghệ thuật điêu khắc Đà Nẵng. Ông Hồ Hải Học kể rằng, Oyvin yêu thành phố này như chính Tolga quê hương, nhưng Oyvin lại tiếc giá như có thêm nhiều tượng nghệ thuật nữa thì thành phố sông Hàn sẽ đẹp lên biết chừng nào.

Ông Hồ Hải Học nói thêm, không chỉ Oyvin, nhiều người đến Đà Nẵng cũng cảm thấy tiếc nuối vì không gian đặt tượng lý tưởng lại bị bỏ trống. Còn nhớ, một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đã đầu tư tổ chức mấy trại điêu khắc quốc tế để chuẩn bị trước tác phẩm cho không gian công cộng khi quy hoạch đô thị... Tượng nghệ thuật có vai trò quan trọng đối với không gian kiến trúc đô thị và nhiều tỉnh, thành chọn quy hoạch đặt tượng song song với quy hoạch kiến trúc đô thị. Song bấy lâu nay, Đà Nẵng dường như bỏ quên điều này. Toàn thành phố chỉ có một vài tượng lớn và trở thành biểu tượng nghệ thuật điêu khắc như: tượng Mẹ Nhu trên đường Điện Biên Phủ, tượng Mẹ Âu Cơ tại Công viên Biển Đông đầu đường Phạm Văn Đồng; ngoài ra còn có thêm vài tượng đặt rải rác trên đường Trần Hưng Đạo và đường Bạch Đằng.

Nhiều phác thảo chờ ra mắt công chúng

Theo báo cáo của Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng, cuối năm 2010, Quỹ phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật và Hội Mỹ thuật thành phố tổ chức Trại Điêu khắc Đà Nẵng 2010 với sự tham gia của 11 nhà điêu khắc ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế và Hà Nội. Kết quả là 19 mẫu tượng điêu khắc được hoàn thành. Đầu năm 2011, với sự đề xuất của Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng, Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật và Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch trình UBND thành phố xin chủ trương chọn 11 phác thảo trên để đầu tư phát triển thành các tượng nghệ thuật ngoài trời đặt tại các điểm công cộng của thành phố và đã được UBND thành phố đồng ý tại Công văn số 750 ngày 17-3-2011.

Trải qua thời gian dài xem xét, 4 phác thảo (Nhạc tình, Bên nhau, Biển đảo quê hương và Giọt thời gian) được lựa chọn, nhưng rồi dự án tạm dừng với lý do chờ quy hoạch tượng chung của thành phố và cũng bởi các phác thảo trên quá trừu tượng, gây khó hiểu cho đông đảo người xem.

Tháng 8-2014, UBND thành phố cho khởi động lại dự án, đề xuất các mẫu tượng gần gũi, dễ hiểu, không quá trừu tượng. Tháng 2-2015, UBND thành phố thống nhất chọn 10 phác thảo với 10 vị trí đặt tượng tại Công văn số 351 ngày 15-1-2015 và Công văn số 516 ngày 6-2-2015. 

Cụ thể, 10 phác thảo được chọn gồm: Mùa xuân Trung Nam Bắc - Phạm Hồng và Cổ vật- Lê Công Dũng đặt tại công viên đối diện tòa nhà Novotel; Bên nhau- Nguyễn Quang, góc đường Đông Kinh Nghĩa Thục - Võ Nguyên Giáp; Sóng biển - Oyvin, góc Võ Văn Kiệt - Võ Nguyên Giáp; Thời áo trắng - Lê Công Dũng, góc phía nam công viên Đống Đa - Quang Trung - Ông Ích Khiêm; Mẹ con - Nguyễn Quang, góc phía tây công viên Đống Đa - Quang Trung - Ông Ích Khiêm; Dòng sữa mẹ - Phạm Hồng, dọc đường Trần Hưng Đạo và Đồng vọng - Nguyễn Quang, đối diện tòa nhà Azura; Lời nguyện cầu - Quang Huy, góc đường Lê Đình Dương - Nguyễn Văn Linh; Vũ điệu mùa xuân - Nguyễn Long Bửu, bùng binh Hồ Xuân Hương - Lê Văn Hiến.

Trải qua quá trình cân nhắc, UBND thành phố chỉ chọn và duyệt kinh phí vận động kêu gọi thực hiện 4 phác thảo từ 10 phác thảo trên gồm: Mùa xuân Trung Nam Bắc, Sóng biển, Vũ điệu mùa xuân, Thời áo trắng. Hiện tại, tượng Sóng biển của nhà điêu khắc Oyvin Storbaekken được Quỹ Điêu khắc cam kết tài trợ thực hiện và tượng Vũ điệu mùa xuân của tác giả Nguyễn Long Bửu đã được tài trợ bởi chính tác giả. Với hai tác phẩm còn lại, vẫn chưa kêu gọi được tài trợ do kinh phí lớn.

“Hơn 6 năm theo đuổi dự án này, tôi cảm thấy quá tiếc cho những người tâm huyết với điêu khắc nghệ thuật thành phố khi phác thảo vẫn nằm đó, chưa ra mắt công chúng. Trong khi đó, thành phố thay đổi liên tục các kết luận, không hỗ trợ kinh phí, nếu chỉ dựa vào kêu gọi doanh nghiệp thì rất khó”, bà Phan Quỳnh Hương, Giám đốc Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng bức xúc nói.

Đồng quan điểm, ông Hồ Hải Học cho rằng, là một thành phố du lịch, Đà Nẵng nên đầu tư để có nhiều tượng, tượng đài, nhiều công trình mỹ thuật ngoài trời tương xứng. Muốn vậy, thành phố cần đầu tư ngân sách, bên cạnh vận động các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ và phối hợp với các đơn vị liên quan như Hội Mỹ thuật thành phố, Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng bằng nhiều hình thức để có nguồn phác thảo phong phú. Trước mắt, vẫn nên đầu tư cho các phác thảo đã chọn quy hoạch và có sẵn để động viên tinh thần sáng tạo của các tác giả.

HÀ THU

.