Văn hóa - Giải trí
Hồ Nghinh - một đời vì nước, vì dân
Đã 10 năm trôi qua kể từ ngày ông Hồ Nghinh ra đi vào cõi vô cùng (16-3-2007 - 16-3-2017). Nhân 10 năm ngày mất của ông, Hội Khoa học Lịch sử thành phố phối hợp với Nhà xuất bản Đà Nẵng và gia đình ông tổ chức biên soạn cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của ông với nhan đề Hồ Nghinh - một đời vì nước, vì dân.
Đây là cuốn sách thứ hai được xuất bản sau khi ông mất, cuốn thứ nhất là Hồ Nghinh- Một chiến sĩ, một con người cũng do NXB Đà Nẵng in năm 2009.
Cuốn sách là nén nhang lòng mà những người biên soạn và các tác giả bài viết muốn thành kính thắp lên. |
Khao khát cái mới, đổi mới cách nghĩ cách làm
Trong báo cáo đề dẫn hội thảo khoa học “Hồ Nghinh - nhà trí thức cách mạng giàu thực tiễn” do Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 20-4-2013, tôi nhấn mạnh: “Có thể nói ông Hồ Nghinh đã đóng góp vào sự nghiệp đổi mới đất nước ngay từ những năm ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng.
Đóng góp bằng những điều mà nhờ lấy thực tiễn làm thước đo chân lý ông đã quyết định đúng - không những đúng mà còn mang tính tiên giác - và đóng góp bằng cả những điều do không vượt qua được lỗi hệ thống ông đã quyết định không đúng với quy luật phát triển và đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên, thời điểm ông góp phần đáng kể vào quá trình đổi mới tư duy của Đảng chính là lúc ông rời quê nhà ra Hà Nội giữ chức Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Người giữ vai trò kiến trúc sư trưởng của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo hồi ấy là ông Trường Chinh, đó là điều đã được lịch sử thừa nhận. Song, có không ít thông tin cho thấy dường như ông Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng có tác động đáng kể đến quá trình đổi mới tư duy của ông Tổng Bí thư ngay đêm-trước-của-đổi-mới.
Chắc chỉ là nhàn đàm trà dư tửu hậu giữa hai bậc tiền bối cách mạng thôi chứ không phải họp hành, làm việc chính thức gì cả, nhưng những gì ông Hồ Nghinh trao đổi bộc bạch lúc này - bằng tất cả sự trải nghiệm thực tế hơn 60 năm, bằng tâm huyết của một người từng vào sinh ra tử một lòng một dạ trung thành với Đảng với dân và bằng cả cái chất giọng Quảng Nam hay cãi, có lẽ đã góp phần tạo nên trong ông Trường Chinh một ấn tượng sâu đậm, thậm chí một cú hích tư duy đủ để người hai lần giữ chức Tổng Bí thư có thể từ bỏ những cách nghĩ cách nhìn quen thuộc song đã lỗi thời”.
Trong bài viết Đồng chí Hồ Nghinh- nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, mở đầu cuốn sách này, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng Nguyễn Văn Chi cũng kể mẩu chuyện rất thú vị về ông Hồ Nghinh Quảng-Nam-hay-cãi: “Có lúc đồng chí tâm sự với tôi: “Tại các hội nghị Trung ương, mình hay cãi, hay tranh luận về những vấn đề hóc búa, gai góc, nhưng cãi để bảo vệ cái đúng, bảo vệ sự thật, để tìm ra chân lý. Giờ giải lao có những đồng chí Trung ương nói vui ông là Hồ Ngang chứ không phải là Hồ Nghinh”.
Cái chất con người đất Quảng thẳng thắn, cương trực là vậy”. Cũng có thể đọc chuyện ông Hồ Nghinh - Hồ Ngang hay cãi này trong hồi ức Hồ Nghinh với công tác giáo dục lý luận chính trị tại chiến trường Quảng Đà của nguyên Trưởng Tiểu ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng Ngô Gia Lầu: “Anh rất ghét chấp hành một cách máy móc rập khuôn, một chiều. Có lẽ vì thế mà ông Trần Bạch Đằng cho là “Hồ Ngang“, chứ anh đâu có ngang, có bao giờ cãi lại ai đâu - như người Quảng Nam hay cãi khác”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí trong bài viết Mong có nhiều ông Hồ Nghinh hơn nữa cũng nhấn mạnh: “Vốn là người dị ứng với căn bệnh giáo điều, ông nghĩ không có một đòi hỏi nào mà không có lối ra.
Chỉ cần thực sự cầu thị, dám vượt qua chính mình, chân thành lắng nghe và trân trọng tiếp thu những tiếng nói trung thực của mọi con dân Việt vốn nặng lòng với đất nước; mở rộng dân chủ để mọi sáng kiến, mọi kế sách tâm huyết đến được những nơi cần đến thì sẽ có đường ra.
Từ đòi hỏi của thực tiễn, ông bàn với Tỉnh ủy ra Chỉ thị 03-TV ngày 12-2-1982 về việc sơ kết công tác khoán sản phẩm trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và Nghị quyết 03-TV ngày 10-3-1982 về việc tiếp tục cải tiến công tác phân phối lưu thông năm 1982 và những năm 1982-1985. Đây có thể là những chủ trương “đi trước”, “xé rào” trong “đêm trước đổi mới” của đất nước mà ông là người khởi xướng”.
Đọc cuốn sách Hồ Nghinh - một đời vì nước, vì dân, người đọc còn có thể tìm thấy những bằng chứng về tư duy đổi mới của ông Hồ Nghinh qua bài viết Sổ tay công tác của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh do nhà nghiên cứu Võ Hà - hội viên Hội Khoa học Lịch sử thành phố - sưu tầm và giới thiệu.
Ngay trong cuộc họp Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng ngày 15-12-1975, ông Hồ Nghinh đã chỉ đạo nhiều ý kiến ngày nay có thể thấy quá bình thường nhưng hồi ấy phải nói là vô cùng mới mẻ: “Hiện nay, vấn đề lưu thông hàng hóa ở Sài Gòn làm rối quá.
Hàng hóa nhân dân làm ra, khả năng ta mua đến đâu thì mua đến mức đó là cần thiết, số còn lại thì để cho tư sản tự do mua bán. Còn nếu chúng ta quản lý tất cả thì sẽ rối quá (...) Không phải miền Bắc làm như thế nào là miền Nam làm y như thế. Phát huy quyền làm chủ của quần chúng thì mới phát huy được mặt tích cực của quần chúng, nếu chúng ta làm như hiện nay thì quần chúng sinh ra tiêu cực, phải thực hiện dân chủ trên mọi mặt sản xuất và đời sống”.
Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân
Trong bài viết mang tính tổng kết, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng Nguyễn Đình An bàn sâu về Vấn đề “dân” trong tư tưởng chỉ đạo chiến tranh của đồng chí Hồ Nghinh: “Những ngày ấy, Tết Đinh Mùi 1967, Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng đã 2 năm. Sớm mồng một, các anh đi chúc Tết bà con ở quanh nơi đóng cơ quan.
Đến nhà bà Diệu ở làng Xuân Đài bên Gò Nổi, anh Nghinh hỏi bà: “Tết này chị ưng chúng tôi chúc gì đây?”. Không một giây ngập ngừng đắn đo, bà nói ngay: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Các anh lặng đi vì xúc động.
Ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” được Bác Hồ khẳng định mới cách đây hơn nửa năm, vậy mà ở một góc chiến trường xa xôi này, ý chí thiêng liêng đó đã đến, đã đi vào lòng những bà mẹ nghèo và đã trở thành tâm nguyện của các mẹ. Rõ ràng giữa các mẹ, giữa người dân và các anh và cả chúng tôi nữa không có một khoảng cách nào. Tất cả chung một tiếng nói, một tấm lòng, nhịp đập trái tim các anh từng giây từng phút hòa cùng nhịp đập trái tim người dân”.
Sau khi nhắc lại câu chuyện ông Hồ Nghinh và lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà đi chúc Tết nhân dân 50 năm trước, tác giả bài viết đã chỉ ra bí quyết của ông Hồ Nghinh và lãnh đạo Đặc khu ủy trong quá trình gầy dựng thế trận lòng dân, đồng thời qua đó rút ra bài học không thể nào và không được phép quên: “Các anh có những ăng-ten siêu nhạy có thể nắm bắt những tín hiệu nhỏ nhất trong tâm tình ý chí của những người dân để rồi chăm chút vun xới (...).
Đứng bên các anh trong chiến hào, chúng tôi thấy dân mình thật lớn lao và luôn tự nhắc đó là nguồn sức mạnh vô tận mà chớ bao giờ, không một phút nào được xa rời quên lãng. Đó là bài học, cho đến bây giờ với tôi điều lo lắng nhất là làm sao giữ được trọn vẹn cách nhìn đó lối nghĩ đó tâm tình đó”.
Nhiều tác giả trong cuốn sách này gọi ông Hồ Nghinh là người trí thức, chẳng hạn như nhà văn Nguyên Ngọc trong bài viết Một nét Hồ Nghinh: “Những người biết anh Hồ Nghinh thường nhận thấy anh rất trầm tĩnh, nhẹ nhàng, thong dong trước mọi tình huống.
Sự nhẹ nhõm và thong dong của bậc hiền triết, nghĩa là người đã hoàn toàn làm chủ gánh nặng lựa chọn của mình. Một người đạt đến được tự do như vậy thì nhất thiết phải là một người trí thức, theo nghĩa đúng đắn và sâu sắc của trí thức.
Không phải là trí thức bằng cấp, đương nhiên. Tri thức uyên thâm của từng trải, tích tụ và được thanh lọc qua tâm hồn yêu nước, yêu cuộc sống vô cùng trong sáng của mình. Anh Hồ Nghinh là một người như vậy, trong chiến tranh như ta đã thấy, và trong hòa bình như ta cũng từng biết về anh”.
Là một trí thức luôn đồng hành cùng cách mạng và dân tộc hay một người lãnh đạo luôn lấy thực tiễn làm thước đo chân lý, hình ảnh ông Hồ Nghinh hiện lên trên cận cảnh đầy trí tuệ và minh triết. Tuy nhiên ông Hồ Nghinh như mọi người thường nhắc đến còn là người đầy cảm xúc, sống có tình có nghĩa, có thủy có chung, và chính cái phần tình cảm này càng làm cho cái phần lý trí của ông trở nên... Hồ Nghinh hơn - nghĩa là sâu lắng và sắc sảo hơn.
Ông Hồ Nghinh được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tháng 12-1976 và chính thức trở thành Ủy viên Trung ương Đảng từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V vào tháng 3-1982. Ủy viên dự khuyết không có quyền biểu quyết nhưng vẫn có quyền phát biểu trong các phiên thảo luận, nhưng có lẽ ông Hồ Nghinh chỉ có điều kiện bày tỏ chính kiến trong tư thế một Ủy viên chính thức. Như vậy có thể nói, ông Hồ Nghinh đã góp phần vào sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo chủ yếu trong những phiên họp Trung ương của nhiệm kỳ 1982-1986. Tiếc rằng ông chỉ có gần 5 năm “được cãi để bảo vệ cái đúng, bảo vệ sự thật, để tìm ra chân lý”, bởi đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI tháng 12-1986, ông không đủ tuổi tái cử để có thể Quảng-Nam-hay-cãi thêm một nhiệm kỳ nữa. |
BÙI VĂN TIẾNG