Văn hóa - Giải trí

Lễ hội Quán Thế Âm 2017: "Trả" lễ hội về cho nhân dân

08:15, 17/03/2017 (GMT+7)

Nét mới đáng kể của Lễ hội Quán Thế Âm 2017 là lần đầu tiên lễ hội được tổ chức dưới hình thức xã hội hóa (XHH), với mức cắt giảm kinh phí 25% ngân sách thành phố. Lộ trình đến năm 2020 sẽ XHH hoàn toàn các hoạt động văn hóa, thể thao, công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy... của lễ hội này.

Diễn ra trong 3 ngày (từ 14 đến 16-3, tức 17 đến 19-2 âm lịch) tại chùa Quán Thế Âm, đường Sư Vạn Hạnh, Lễ hội Quán Thế Âm thu hút hàng vạn người tham quan, chiêm bái. Theo chủ trương của thành phố, đây là năm đầu tiên thực hiện XHH Lễ hội Quán Thế Âm.

Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, Trưởng ban Tổ chức lễ hội cho biết, việc kêu gọi XHH là để người dân được tham gia tổ chức các hoạt động lễ hội, đưa lễ hội trở về giá trị ban đầu: Lễ hội hình thành từ nhân dân, phải sống trong cộng đồng, phục vụ lợi ích của người dân.

Việc XHH ngoài tạo nguồn kinh phí cho hoạt động lễ hội ngày càng phong phú, hấp dẫn còn là cách phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và sự tự nguyện của đông đảo nhân dân.

Cũng theo bà Thi, Lễ hội Quán Thế Âm nhiều năm nay trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ của du khách trong nước mà còn là dịp du khách quốc tế trải nghiệm những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Đến với Lễ hội Quán Thế Âm, du khách còn được thưởng thức sự tinh tế, phong phú của văn hóa, lịch sử địa phương và các loại hình nghệ thuật dân tộc trên thế giới. “Chúng tôi kỳ vọng Lễ hội Quán Thế Âm cùng giá trị văn hóa Phật giáo tồn tại bao đời sẽ góp phần đưa danh thắng Ngũ Hành Sơn thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn”, bà Thi nói.

Hơn mấy mươi năm tham gia Lễ hội Quán Thế Âm, bà Trần Thị Huê (77 tuổi, quận Thanh Khê) chia sẻ, mỗi năm, đến ngày Vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, bà đều về đây tìm sự an yên, cầu nguyện sức khỏe, hạnh phúc cho bản thân, gia đình.

So với nhiều năm trước, Lễ hội Quán Thế Âm ngày càng có nhiều người tham gia, không riêng đồng bào phật tử. Bên cạnh đó, lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa gắn với truyền thống, lịch sử dân tộc và địa phương.

Hàng vạn chư tôn, tăng ni, phật tử, đạo hữu ăn mặc chỉnh tề, tập trung về lễ đài chính thành tâm cầu nguyện.
Hàng vạn chư tôn, tăng ni, phật tử, đạo hữu ăn mặc chỉnh tề, tập trung về lễ đài chính thành tâm cầu nguyện.

Theo phân tích của Hòa thượng Thích Chí Mãn, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng, Quán Thế Âm là vị Bồ tát rất gần gũi không chỉ với các tín đồ Phật giáo mà còn lan rộng trong quần chúng nhân dân Việt Nam.

Mọi người tin vị Bồ tát này có thể nghe thấu, trông thấy những khổ đau của con người và luôn sẵn lòng cứu giúp. Vì thế, Lễ hội Quán Thế Âm chứa đựng ý nghĩa nhân văn với ước vọng đồng hành phụng sự cuộc sống con người, hướng con người đến tình yêu thương và những điều tốt đẹp. Đó là biểu hiện rõ nét của sự hài hòa giữa Đạo pháp với Dân tộc.

Sáng 16-3 (19-2 âm lịch), tại chùa Quán Thế Âm, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn diễn ra lễ chính của Lễ hội Quán Thế Âm, thu hút hàng vạn chư tôn, tăng ni, phật tử, đạo hữu cùng người dân và du khách tham gia.

Mở đầu phần lễ, các chư tôn, tăng ni, phật tử, đạo hữu cùng ôn lại nguồn gốc và ý nghĩa ngày Lễ vía đức Phật Quán Thế Âm. Kế tiếp là những nghi lễ Phật giáo truyền thống và phần cầu nguyện của đạo hữu cho quốc thái, dân an, hòa bình cho nhân loại. Sự kiện được mong chờ nhất là tái hiện hình tượng Phật bà Quán Thế Âm. Sau phần lễ, đồng bào phật tử và người dân thăm quan các gian hàng đồ lưu niệm, xem Hội đua thuyền truyền thống trên sông Cổ Cò, đoạt cờ lệnh rước Huyền Trần Công Chúa...

Bài và ảnh: NGỌC HÀ
 

.