Văn hóa - Giải trí

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn 2017: Hướng đến văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc

08:09, 16/03/2017 (GMT+7)

Một điều đáng ghi nhận trong hai ngày diễn ra Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn 2017 vừa qua (14 và 15-3, tức 17 và 18-2 âm lịch) là mọi hoạt động của lễ hội diễn ra trong trật tự, văn minh.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn trở thành không gian giao lưu văn hóa các nước trong khu vực. TRONG ẢNH: Múa trình tường của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tại lễ hội.
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn trở thành không gian giao lưu văn hóa các nước trong khu vực. TRONG ẢNH: Múa trình tường của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tại lễ hội.

Hướng đến lễ hội văn minh

Từ khi được Nhà nước xếp hạng vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước (năm 2000), Lễ hội Quán Thế Âm ngày càng thu hút đông đảo đồng bào theo đạo Phật đến chiêm ngưỡng, lễ bái và khách thập phương trẩy hội với hình thức du lịch tâm linh. Lượng khách đông đảo, kéo theo hàng quán ăn uống, giải khát, buôn bán quà lưu niệm... mọc dài theo tuyến đường Sư Vạn Hạnh kéo đến khuôn viên chùa Quán Thế Âm - nơi diễn ra các hoạt động chính của lễ hội.

Theo quan sát của chúng tôi, các hàng quán ăn uống, giải khát năm nay khá tươm tất, sạch sẽ, giá cả niêm yết rõ ràng. Dịch vụ buôn bán quà lưu niệm được bố trí sau vệt vỉa hè 9m trên đường Sư Vạn Hạnh. Ban tổ chức cũng thường xuyên phát trên loa phóng thanh nhắc nhở các hộ kinh doanh buôn bán cũng như người dân, du khách cùng chung tay giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, bài trừ mê tín dị đoan và các tập tục lạc hậu, cùng hướng đến một lễ hội văn minh.

Ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Lễ hội Quán Thế Âm 2017 cho biết, trong hai ngày qua, các tiểu ban: lễ tân - hậu cần, văn hóa - thể thao - du lịch và an ninh trật tự - vệ sinh môi trường - y tế thực hiện khá nghiêm ngặt các kế hoạch đã đề ra. Cụ thể, bố trí các điểm chốt chặn, hướng dẫn xe lưu thông trên đường, không để ùn tắc giao thông... Thường xuyên kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các hàng quán ăn uống; tuần tra nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp bán hàng rong, ăn xin trá hình, nạn bán chim, cá phóng sinh, đốt vàng mã, các trường hợp lợi dụng lễ hội để thực hiện hoạt động mê tín dị đoan, truyền đạo trái phép, truyền bá ấn phẩm văn hóa ngoài luồng ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục Việt Nam...
“Hai ngày qua chưa có trường hợp vi phạm nào diễn ra. Chúng tôi tăng cường kiểm tra xử lý trong ngày diễn ra lễ chính 16-3 (19-2 âm lịch) vì đây là thời điểm lượng người đông nhất. Hiện có 12 hộ dân đăng ký các địa điểm giữ xe, cam kết theo đúng giá quy định của thành phố và có niêm yết giá rõ ràng. Chúng tôi cũng cung cấp số điện thoại lãnh đạo phường để người dân kịp thời phản ánh. Hy vọng người dân hỗ trợ để hình ảnh lễ hội không bị xấu đi”, ông Hòa chia sẻ.

Tín ngưỡng tâm linh trong bản sắc văn hóa dân tộc

Dù chưa phải là ngày lễ chính nhưng trong hai ngày 14 và 15-3 đã diễn ra nhiều hoạt động tín ngưỡng và văn hóa đặc sắc. Cụ thể, một số lễ mang nghi thức Phật giáo diễn ra như Lễ khai kinh Thượng phan, Thượng kỳ, khai phướn. Song song đó, một số nghi thức lễ truyền thống cũng được tổ chức trang nghiêm gồm: lễ dâng hương tại Miếu thờ Tưởng niệm Huyền Trân Công chúa; lễ tế Xuân cầu quốc thái  dân an; lễ tế Thạch nghệ Tổ sư tưởng nhớ và tri ân những người có công sáng lập, trao truyền nghề đá mỹ nghệ Non Nước. Đây có thể xem là nét mới trong Lễ hội Quán Thế Âm năm nay khi bản sắc văn hóa địa phương được lồng ghép vào chương trình lễ hội nhằm khơi gợi tình yêu quê hương đồng thời giới thiệu đến khách tham quan nét đặc trưng văn hóa của Ngũ Hành Sơn.

Lễ chính thức của Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn diễn ra ngày 16-3 gồm: Lễ vía Đức Bồ tát Quan Thế Âm và một số hoạt động như Hội cờ làng, Hội đua thuyền truyền thống, đoạt cờ lệnh rước Huyền Trân Công Chúa, hướng dẫn thiền và cuộc sống.

Ông Hồng Liễn (Việt kiều Mỹ, quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ, mấy năm gần đây, ông đều thu xếp về thăm quê hương vào dịp này để được chiêm bái Lễ hội Quán Thế Âm. Mỗi lần đều có cảm giác khác nhau, riêng lần này ông như sống trong không gian của Phật giáo, đồng thời cảm nhận truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc được nâng niu, giữ gìn qua việc tổ chức lễ tưởng nhớ công lao người hy sinh mở cõi bằng con đường hòa hiếu hữu nghị của Huyền Trân Công Chúa và ông tổ nghề đá Non Nước.

Đáng chú ý, ngoài yếu tố văn hóa tâm linh, Lễ hội Quán Thế Âm trở thành không gian giao lưu văn hóa các nước trong khu vực. Năm nay, đoàn nghệ thuật Nhật Bản mang đến lễ hội nghệ thuật cắm hoa Ikebana, múa quạt và viết thư pháp. Con gái Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Harish Parvathaneni cũng mang đến vũ điệu truyền thống của Ấn Độ. Với những câu tiếng Việt lơ lớ vừa học được như “Tôi yêu Đà Nẵng”, “Hẹn gặp lại”, nghệ nhân cắm hoa Yokoi Kouen đã gửi gắm sự yêu quý dành cho mảnh đất Đà Nẵng và bày tỏ sự thích thú khi trải nghiệm Lễ hội Quán Thế Âm.

Gần 1.000 người chạy vì hòa bình và sức khỏe cộng đồng

Sáng 15-3, Ban Tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn 2017 tổ chức khai mạc “Ngày chạy vì hòa bình và sức khỏe cộng đồng” thu hút gần 1.000 người thuộc các lực lượng vũ trang, cơ quan, trường học và nhân dân trên địa bàn quận tham gia. Hoạt động này nhằm kêu gọi mọi người hướng tới cộng đồng, thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị; đồng thời là dịp các tầng lớp quần chúng nhân dân trên địa bàn quận nâng cao nhận thức về luyện tập thể dục thể thao, bảo vệ sức khỏe.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.