So với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng không có nhiều đất diễn cho các DJ, nhưng nghề này vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt. Sau tiếng nhạc xập xình, ánh đèn sân khấu hào nhoáng, các DJ chia sẻ những câu chuyện vui buồn về nghề…
Nghề DJ lắm vui buồn nhưng vẫn đầy sức hút. |
Đầy sức hút với người trẻ
Theo những DJ kỳ cựu, trừ 1, 2 vũ trường đã có DJ trước đó, làn sóng chơi và thưởng thức DJ bắt đầu du nhập rộng rãi vào Đà Nẵng khoảng từ năm 2004. Khi đó, Wonder là quán cà-phê tiên phong mô hình cà-phê DJ tại thành phố này. Đến khoảng năm 2007-2008 là giai đoạn phát triển rầm rộ, khắp thành phố đâu đâu cũng có thể bắt gặp cà-phê DJ, giới trẻ đua nhau học nghề. Song, đến chừng năm 2010, “phong trào” DJ bắt đầu chững lại, chỉ có những DJ thực thụ mới có thể trụ lại với nghề. Thăng trầm là thế nhưng nghề DJ vẫn đầy sức hút với giới trẻ.
Nguyễn Thanh Sơn (trú đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu) mới 24 tuổi nhưng có thâm niên gần 5 năm trong nghề DJ. Khi còn là một nam sinh trên ghế nhà trường phổ thông, trong một lần đi nghe nhạc cùng một người anh làm nghề DJ, Sơn mê và muốn trở thành DJ kể từ đó. Lúc đầu, Sơn mày mò tự học trên mạng. Sau khi nắm cơ bản, Sơn tiếp tục theo học, hoàn thiện nghề và phong thái biểu diễn tại nhà một người bạn. Hiện Sơn là DJ chính tại một cà-phê, bar bậc trung, bởi thời gian làm việc ở đây phù hợp, không phải thức quá khuya, vì 4 giờ sáng mỗi ngày, Sơn phải thức dậy, đi chở hàng bỏ mối ở các chợ đến 12 giờ. Thu nhập từ nghề DJ không bao nhiêu từ các đêm diễn tại quầy cà-phê này nhưng Sơn thấy vui vì bản thân được sống với đam mê.
DJ Trịnh Thị Chung (người Thanh Hóa), hiện làm DJ tại OQ Lounge Pub (Bạch Đằng), trót mê các DJ từ khi là sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng, rồi cũng mày mò tự học nghề qua mạng internet và các bậc đàn anh. Tốt nghiệp đại học theo nguyện vọng của cha mẹ, ban ngày tiếp tục công tác tại Trung tâm Chẩn đoán y khoa của trường, ban đêm Chung làm DJ tại nhiều cà-phê, bar. Hơn 2 tháng nay, Chung quyết định rời Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, chuyển sang làm việc tại một công ty sự kiện vì công việc này gần với đam mê của cô hơn. “Mình thích âm nhạc và thích biểu diễn trước đông người, ham vui; cứ chỗ nào vui, rộn ràng là mình thích. Lý do mình đến với nghề DJ chỉ đơn giản thế thôi”, Chung chia sẻ.
Trong khi đó, đam mê của Nguyễn Đức Cường (23 tuổi, quận Hải Châu) được thể hiện theo cách khác. Từ năm 2010, dù chưa biết gì về nghề nhưng Cường mạnh dạn xin cha mẹ đầu tư hẳn bộ đồ nghề DJ đắt đỏ để luyện. Cha mẹ chiều con nhưng nhất quyết không cho anh theo nghề DJ bấp bênh. Hiện Cường theo nghiệp quân nhân của cha. Thế là bộ đồ nghề DJ được Cường cất giữ cẩn thận, chỉ dùng để thỏa đam mê trong những ngày nghỉ phép hiếm hoi.
“Làm dâu trăm họ”
Với không ít bạn trẻ, nghề DJ là thú vui, sở thích, nhưng để học ra cho được nghề khá hao tổn công sức và tiền của. Người nhanh học vài ba tháng có thể ra nghề, có người mất cả vài năm, nhưng cuối cùng cũng đành bỏ cuộc. “Muốn theo nghề này, chỉ đam mê thôi chưa đủ, cần rất nhiều yếu tố, trong đó điều kiện kinh tế rất cần thiết”, Lưu Minh Giang - một trong những DJ kỳ cựu tại Đà Nẵng, từng đào tạo nhiều lớp DJ, chia sẻ.
Trong quá trình học căn bản nghề DJ, khó nhất là căn tempo: phải căn, nối các bản nhạc làm sao khớp tuyệt đối. Tất nhiên, các đòi hỏi về khả năng thẩm âm, cảm thụ âm nhạc là bắt buộc. Khi hành nghề, nguồn nhạc và sự sáng tạo không ngừng, cùng một chút duyên chính là những yếu tố để các DJ có thể trụ với nghề. Hơn nữa, nghề DJ đòi hỏi liên tục đổi mới các bài nhạc của mình. Mỗi DJ ít nhất luôn tự “sắm lận lưng” hàng chục bản nhạc mới cũ để sẵn sàng thay đổi “thực đơn” liên tục mới mong chiều được những “thượng đế” sành điệu, khó tính. Nói nghề DJ tốn kém là vậy.
Cũng theo Lưu Minh Giang, DJ chính là nghề “làm dâu trăm họ”: Những bản nhạc của DJ tại các vũ trường, bar hay cà-phê DJ phải theo tâm trạng, cảm hứng của đa số khách. Vì vậy, bên cạnh tài năng, DJ phải tinh tế nắm bắt tâm lý người thưởng thức. Tuy nhiên, “không phải vì chiều khách mà đánh mất chính mình, làm những việc ảnh hưởng đến tự trọng nghề”, DJ Minh Giang nói và dẫn chứng: Thông thường, trong quá trình chơi nhạc, một số khách sẽ yêu cầu một số bản nhạc theo sở thích của họ. “Chúng tôi sẵn sàng chiều yêu cầu của khách nhưng bản nhạc đó phải phù hợp với những bản trước và phù hợp với không khí chung. Có những trường hợp khách trả tiền hậu hĩnh để mở nhạc theo yêu cầu nhưng các DJ vẫn kiên quyết từ chối.
Ở Đà Nẵng, hiện ngoài một số ít DJ tên tuổi, làm việc ổn định tại vũ trường, quán bar lớn có thu nhập tương đối, không thể phủ nhận thực tế nhiều DJ thất nghiệp vì thiếu đất diễn và sự cạnh tranh nghề khá khốc liệt. Ngay cả những bạn trẻ tìm được việc làm thì cũng chỉ làm để thỏa mãn một phần đam mê, khó sống với nghề. Vậy mà, có những thời điểm khó khăn, nhiều đêm không được đứng trên sân khấu, nhiều DJ lại thấy nhớ nghề. Có những DJ được mời biểu diễn tại các sự kiện, có khi theo chương trình, phải chờ 4-5 giờ đồng hồ chỉ để đánh 1-2 bài nhạc nhưng họ vẫn sẵn lòng chờ... Và chỉ cần lại được đứng trên bục DJ rực rỡ ánh đèn, được đắm mình cùng những bản nhạc và hòa nhịp cùng những con tim yêu nhạc, họ thấy mình như được “sống” lại!
Nghề DJ ra đời từ những năm 50 của thế kỷ trước bởi người dân Jamaica. Nhưng phải tới cuối những năm 1960, sau khi du nhập vào Mỹ, mới thực sự phát triển và thành một nghề “hot”. DJ là từ viết tắt của Disc Jockey, hiểu chung nhất là người chuyên lựa chọn, kết nối và phát những thể loại nhạc sôi động mà các bạn trẻ thường gọi là nhạc sàn. DJ điều chỉnh, biến tấu âm nhạc sao cho phù hợp với người thưởng thức, họ có thể trộn 2-3 bài hát khác nhau mà không hề bị lỗi nhịp, không để lộ các mối nối. Vì vậy, DJ cũng được ví von là những “phù thủy âm nhạc”… |
Bài và ảnh: THANH TÂN