Văn hóa - Giải trí

Giới thiệu sách

Một bản hợp âm buồn

17:30, 10/09/2017 (GMT+7)

Tôi đọc Hát(*) vào những buổi chiều cuối đông, mưa miền Trung dầm dề, dai dẳng. Tin lũ lên nhanh kèm theo thống kê sơ bộ về những thiệt hại cả người và của cứ dồn dập trên các trang tin tức… Ngột ngạt, bức bối và bế tắc đến cùng cực là cảm giác của tôi lúc ấy mà cho đến bây giờ tôi cũng khó lý giải và phân tích cho rành mạch rằng vì sao: Là bởi Hát hay bởi chứng kiến cảnh những người dân quê mình chịu họa từ thiên tai và cả nhân tai? Tôi chỉ như vừa mơ hồ, vừa nhận thấy rất rõ rằng cả hai yếu tố này như là một bản hợp âm, cộng hưởng cùng nhau để tạo nên sự giằng xé ấy trong tôi. Muốn viết một chút gì đó cho tâm trạng hiện giờ mà nấn ná mãi… cho đến hôm nay.

Trần Nhã Thụy, cái tên với tôi không hẳn xa lạ mặc dù quả thật Hát là tác phẩm đầu tiên của anh tôi chạm đọc. Các nhà phê bình, các bạn đồng nghiệp trong những buổi trà dư tửu hậu, đàm đạo văn chương mà tôi góp mặt đã từng nhắc đến anh với nhận định rằng đây là một nhà văn đã định dạng được “giọng” của mình. Tôi tò mò thôi thúc rất muốn cảm nhận thử cái cách mà Trần Nhã Thụy xác định giọng của mình như thế nào… Không hiểu do cấu trúc phân mảnh, rời rạc của cuốn tiểu thuyết hay tôi đã mất tập trung để bị dẫn dụ mê mải vào một vài đoạn thẩm định âm nhạc miên man trong Hát mà đọc qua một lượt cuốn tiểu thuyết tôi bất giác thấy rã rời, ngờ ngệch và dường như không sao xác định chủ đích mà Trần Nhã Thụy hướng đến. Cảm nhận trong tôi lúc này chỉ là truyện buồn quá, thân phận con người cũng buồn đến mức hoang hoải, tan rã… Quả thật: Có bao nhiêu nát tan/Đội lên đầu mà hát…” - (trích thơ Hoàng Hưng).

“Em đố anh, khi chúng ta chết, thì giác quan nào sẽ chết sau cùng”

“Anh không biết, em nói đi.”

“Làm biếng suy nghĩ quá vậy. Em gợi ý nha: là mắt, là mũi, hay là tai?”

…“Thôi, để em nói luôn cho. Giác quan cuối cùng mất đi khi người ta chết chính là thính giác. Có nghĩa là khi không còn thấy bằng mắt, không còn ngửi bằng mũi, tê liệt hết vị giác, thì con người ta vẫn còn có thể nghe”.

Đây là một đoạn đối thoại trong Hát của Trần Nhã Thụy. Sao lạ vậy?! Sao khi không còn thấy bằng mắt, không còn ngửi bằng mũi, tê liệt hết vị giác, thì con người ta vẫn còn có thể nghe? Hình như Nhã Thụy muốn chúng ta tiếp xúc với cuốn tiểu thuyết chủ yếu bằng cách chịu khó lắng nghe - lắng nghe những thanh âm, những cung bậc cuộc đời tan chảy, rệu rã xung quanh ta. Có lẽ vì thế toàn bộ cuốn Hát là một bản hợp âm đặc biệt!

Một anh kỹ sư thất nghiệp tên là Kỷ, lang thang sống bằng chút tiền tiết kiệm gửi ngân hàng, lơ bơ làm thêm với những công việc nhìn ngoài rất “hót”, rất thời thượng nhưng thực ra cũng chẳng đâu vào đâu. Cuộc đời anh chàng Kỷ này cứ như khi nào cũng bị dồn bức, nhàn nhạt, thậm chí thiếu khí sống. Những lúc cảm hứng, còn chút gì đáng sống nhất chính là khi anh tìm về với thiên nhiên, với những giai điệu ca trù xứ Kinh Bắc và với chút khoái cảm ngắn ngủi sau vài cuộc tình chốc lát…

…Rồi cả cái thế giới cũng nhạt nhẽo xung quanh Kỷ cũng đầy rẫy những mẫu người mà chúng ta đã bắt gặp đâu đó trong cuộc sống đương đại này. Một doanh nhân bất động sản Hoàng thành đạt pha chút lãng tử - giang hồ rất nhiều bồ; một gã lưu manh trá hình với vỏ bọc am hiểu đời sống tâm linh; một dạng trí thức Sinh thức thời biết lợi dụng và tìm đủ mọi cách để trục lợi công chúng; một cô Lý không còn trẻ đã từng sai lầm trong tình yêu nên luôn khao khát tình yêu; một tay xào nhạc chuyên nghiệp đáng nể Dũng chỉ cần nhìn tướng đoán tâm, chọn nhạc khi nào cũng hợp ý khách; một hot girl tỉnh lẻ Viễn Trinh muốn nổi danh, tiến thân nhanh bằng những trò mua vui, đánh đổi cả thân xác cho bọn đàn ông hiếu sắc; một cô đào hát trẻ chân quê Xuân Hương ngờ nghệch giữa dòng đời và rồi bị dòng đời xô cuốn… Tất cả như một xã hội thu nhỏ lộn ngộn, nhốn nháo, mệt mỏi, rệu rã… Cảm giác sự trống rỗng và vô nghĩa cứ vây chặt lấy họ, mài mòn họ. La liệt những sự kiện dồn dập xảy ra với họ cũng không thể làm cho họ cảm thấy có chút xúc cảm tích cực với cuộc đời. Cái cách mà Trần Nhã Thụy phác họa về thế giới nhân vật của “Hát” làm tôi liên tưởng đến “Mười lẻ một đêm” của Trần Anh Thái, đến “Pari 11.8” của Thuận. Cứ ngỡ như trong cái không gian cô đặc trầm luân này có một sợi giây vô hình ở đâu đó điều khiển họ, dẫn dụ họ và bản thân họ không còn khả năng tầm soát bản thân nên họ bế tắc, cái bế mang dáng dấp kiểu nhân vật vô hồn, vô nghĩa hậu hiện đại.

Gấp những trang sách lại nhưng tôi vẫn dường như lắng nghe được tiếng thì thầm rền rĩ từ kiếp người vọng lại. Phải chăng viết Hát Trần Nhã Thụy đã có khả năng nghe được những thanh âm phức hợp buồn bã không phải bằng tai mà bằng tâm, bằng sự nhạy cảm cùng nỗi phấp phỏng âu lo trước những bất trắc của cuộc đời. Chính việc Trần Nhã Thụy, mặc kệ là những nỗi buồn tràn ngập, mặc kệ những khung đời tẻ nhạt cứ như vây quanh, càng khiến người đọc lạc trôi vào một thế giới tâm tưởng, để rồi đến lúc tưởng như chạm đến tận cùng tuyệt vọng lại cảm thấy vượt thoát nhẹ nhàng. Đây cũng là điểm khác lạ tôi cảm nhận được từ cuốn tiểu thuyết này của Trần Nhã Thụy. Và vì vậy, Hát, vẳng đâu đây, như là một bản hợp âm buồn, như một thứ xúc cảm nghiệt ngã nhưng lại làm cho con người ta mạnh mẽ và trưởng thành hơn.

HOÀNG HƯỜNG


(*)  Phương Nam Book và NXB Hội Nhà văn phát hành quý III-2014.

.