Bia di tích 300 năm bị xâm hại

.

Bia di tích chùa Long Thủ hay chùa An Long, tọa lạc ở phường Bình Hiên (quận Hải Châu) có niên đại hơn 300 năm tuổi và được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1992. Tuy nhiên, trong thời gian thi công, trùng tu chùa An Long, tấm bia này bị xâm hại nghiêm trọng.

Bia chùa Long Thủ không được che chắn, nằm ngổn ngang giữa gạch đá (trong vòng tròn). (Ảnh chụp sáng 13-11).  	    			                      Ảnh: NGỌC HÀ
Bia chùa Long Thủ không được che chắn, nằm ngổn ngang giữa gạch đá (trong vòng tròn). (Ảnh chụp sáng 13-11). Ảnh: NGỌC HÀ

Ngày 13-11, trong khi kiểm tra thực tế công tác xây dựng, tu bổ tại chùa An Long, Trung tâm Quản lý di sản phát hiện nhà bia bị tháo dỡ hoàn toàn, tấm bia bị di dời khỏi vị trí, vứt ở một góc sân, không được che chắn, nằm ngổn ngang giữa gạch đá, cây gỗ đè lên, các hàng chữ Hán Nôm bị trầy xước...

Nhận được phản ánh, sáng 16-11, chúng tôi có mặt tại chùa An Long thì tấm bia đã được dời về lại vị trí cũ và có phủ bạt. Hỏi những người thợ thi công tại công trình có biết gì về giá trị của tấm bia không, họ lắc đầu và bảo không ai nói gì cả?! Trao đổi với chúng tôi, trụ trì chùa An Long cho biết, ông về làm trụ trì gần 10 năm nay, nhận thấy cổng chùa thấp so với mặt nền đường nên đã làm đề nghị và được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đồng ý cho nâng cổng và lắp mái che cho bia di tích. “Khi về làm trụ trì, tôi cũng được các cấp ngành liên quan, chính quyền địa phương nói về giá trị của bia di tích này. Trong quá trình thi công, chúng tôi vẫn giữ nguyên tấm bia nằm đó và che chắn cẩn thận”, vị trụ trì này nói.

Trong khi đó, khẳng định với chúng tôi, ông Hồ Tấn Tuấn cho biết, trước khi tiến hành trùng tu, Trung tâm đã có ý kiến giữ nguyên trạng nhà bia. Tuy nhiên, ý kiến đã bị bỏ qua và để xây lắp mái che mới, Ban trị sự chùa đã đập phá nhà bia cũ, tự ý di dời bia và không có hình thức bảo vệ phù hợp. Trong sáng 16-11, khi ông quay lại thì tấm bia đã được đặt trở lại vị trí cũ. Cũng theo ông Tuấn, Trung tâm Quản lý di sản đã có công văn trình Sở Văn hóa- Thể thao và đề xuất sở có văn bản đề nghị UBND quận Hải Châu, UBND phường Bình Hiên chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra và khắc phục tình trạng trên; đồng thời, đề nghị Ban trị sự chùa An Long thể hiện trách nhiệm trong việc bảo vệ di tích cấp quốc gia này.

“Giá trị của tấm bia rất lớn. Tôi khẳng định chùa An Long chỉ có giá trị khi còn tấm bia này”, ông Hồ Tấn Tuấn cho biết.

Bia chùa Long Thủ được di dời về vị trí cũ, được che chắn sơ sài bằng tấm bạt và nằm ngổn ngang giữa gạch đá. (Ảnh chụp sáng 16-11).          Ảnh: NGỌC HÀ
Bia chùa Long Thủ được di dời về vị trí cũ, được che chắn sơ sài bằng tấm bạt và nằm ngổn ngang giữa gạch đá. (Ảnh chụp sáng 16-11). Ảnh: NGỌC HÀ

Bia di tích chùa Long Thủ được lập vào năm Thịnh Đức thứ 5, triều vua Lê Thần Tông (1657) do ông Lê Gia Phước, pháp danh Pháp Giám, người làng Hải Châu biên soạn và là tấm bia độc bản. Hiện nay, nhiều chữ trên văn bia bị mòn mờ, phải gắn lại bằng vữa xi-măng, rất may Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã làm bản dập và Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam lưu giữ 3 bản dập. Nội dung của văn bia cho thấy từ thời xưa ở vùng đất làng Nại Hiên, huyện Tân Phúc, phủ Điện Bàn, Đức Phật thường hiển linh cứu độ cho nhiều người, nơi đây là đất thiêng, người tin đến cầu vọng linh ứng, thấy hình đầu rồng (long thủ). Cho là nơi tụ khí linh thiêng, vì vậy dân làng Nại Hiên cùng nhiều vị chức sắc địa phương, từ vợ chồng Cai thuộc Hội chủ Nguyễn Văn Châu, vợ chồng Cai hợp Ty Tướng Thần Lại Trần Hữu Lễ, Lại ty Ty Tướng Thần Lại Trần Hữu Kỷ, Xã trưởng Phạm Văn Ngao đến hết thảy dân làng đều đồng tình dựng lên một ngôi chùa mới, tại khu đất do ông Trần Hữu Lễ dâng hiến. Văn bia là một tư liệu cực kỳ quan trọng góp phần vào việc nghiên cứu nhiều vấn đề lịch sử và văn hóa Đà Nẵng; cung cấp nhiều thông tin để tìm hiểu, xác tín một số vấn đề về chức tước, địa danh, tình hình ruộng đất của địa phương.

Năm 1925, bia chùa Long Thủ đã được Toàn quyền Đông Dương công nhận là cổ tích. Năm 1992, Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng văn bia là di tích cấp quốc gia. Tháng 11-2014, UBND thành phố Đà Nẵng có công văn trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận bảo vật quốc gia cho “Bia chùa Long Thủ” cùng với 3 hiện vật khác của Đà Nẵng là Quả tim lửa, Bia Nghĩa trủng Phước Ninh và Bia Phổ Đà Sơn linh trung Phật.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.