Văn hóa - Giải trí

Hai lễ hội nông nghiệp độc đáo

08:24, 23/11/2017 (GMT+7)

Lễ hội Mục đồng và lễ hội Tắt bếp là hai loại hình lễ hội độc đáo mang dáng dấp nông nghiệp chỉ có duy nhất ở Đà Nẵng.

Rước Thần Nông vào đình trong Lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ.
Rước Thần Nông vào đình trong Lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ.

Tam niên nhất lệ

Gần 10 năm trước, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, có lần ghé thăm đình Thần Nông làng Phong Lệ (nay là thôn Phong Nam, xã Hòa Châu) và ghi lại cảm tưởng của mình: “Tôi có hạnh phúc được thăm đền Thần Nông, nơi diễn ra ngày hội của trẻ em mục đồng. Tôi rất thích hình tượng sừng trâu trên mái đình. Lễ hội Mục đồng rất độc đáo, có thể là duy nhất trên đất nước Việt Nam”.

Lễ hội Mục đồng dành cho trẻ chăn trâu được tổ chức ở làng Phong Lệ, xưa theo lệ “tam niên nhất lệ” - 3 năm tổ chức một lần vào cuối tháng 3 âm lịch các năm Tý, Mẹo, Ngọ, Dậu; sau giãn dần ra 6 năm, rồi cuối cùng là 12 năm. Lần cuối cùng lễ hội dành cho trẻ chăn trâu này được tổ chức vào năm Bảo Đại thứ mười một (1936); lần đó, xe lửa đi qua làng dừng lại xem lễ rước rất lâu.

Tương truyền, xưa làng Phong Lệ có một cụ già tóc bạc, râu trắng như một ông tiên. Cụ gần gũi, yêu mến trẻ chăn trâu và được trẻ chăn trâu kính trọng như người thân thích. Khi tuổi già sức yếu, cụ chết, được chôn cất tại một gò đất, hằng ngày trẻ chăn trâu đến bên mộ cụ, tỏ lòng thương tiếc. Trẻ nào có trâu đi lạc, đến mộ cụ khấn vái thì sau đó trâu sẽ tự tìm đường về. Từ đó, trẻ chăn trâu tin có sự linh nghiệm nên gọi cồn đất nơi chôn cất cụ là cồn Thần.

Dân làng biết sự linh nghiệm này, bèn mở hội rước Thần về an vị tại đình làng Phong Lệ (còn gọi là đình Thần Nông), định ra lễ hội hằng năm để cúng Thần, cầu mong mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa. Về sau trở thành Lễ hội Mục đồng, trong đó có lễ rước Thần Nông, vị thần coi ngó về nông nghiệp, từ cồn Thần về đình.

10 năm trước, lần đầu tiên sau hơn 70 năm vắng bóng, Lễ hội Mục đồng đã được bà con 17 họ tộc làng Phong Lệ tự đóng góp tiền của phục dựng với sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng.

Năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng phối hợp với làng Phong Lệ tổ chức lễ hội lần thứ hai; đại diện các hãng lữ hành, công ty du lịch đã đưa khách đến tham quan ngôi đình, tham gia lễ hội và đánh giá đây là sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo có một không hai của Đà Nẵng và cả nước. Cuối tháng 4-2104, không thể trông chờ vào các đơn vị tài trợ, bà con trong làng tổ chức lễ hội lần thứ ba để “giữ lửa” cho một hoạt động văn hóa dân gian độc đáo.

Ông Ngô Văn Nghĩa, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Phong Nam, nguyên trưởng làng Phong Lệ, cho hay lẽ ra năm này tổ chức lễ hội lần thứ tư, nhưng đành “chựng” lại vì nhiều lý do. Ông bảo: “Không tổ chức lớn thì cũng nên duy trì các lễ cúng tế thường niên, nhất là vào mỗi dịp “tam niên nhất lệ”, để mạch nguồn thông nối với tiền nhân không bị đứt đoạn”.

Từ 1 thành 2

Lễ hội Tắt bếp diễn ra ở thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước) vào ngày 12-2 âm lịch hằng năm. Trà Kiểm xưa là một xóm nhỏ thuộc làng Quá Giáng ban đầu chỉ 30 nóc nhà, nay phát triển lên gần 200 nóc nhà.
Vốn là lễ Tế xuân, lễ hội Tắt bếp được người dân làng Trà Kiểm cử hành để tế Thành hoàng bổn xứ, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp, tưởng nhớ ơn đức tiền nhân. Nhưng khác biệt và độc đáo ở đây là vào ngày lễ hội, cả làng tắt bếp, cùng nhau dùng bữa cơm chung trong không khí thân mật, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Trưởng thôn Trà Kiểm Nguyễn Thanh Quý cho biết, xưa các gia đình mang nông sản, thực phẩm nhà mình tới góp làm cỗ chung; nay thì hoàn toàn tự nguyện, ít nhiều tùy điều kiện từng gia đình. Buổi chiều trước ngày chính lễ, làng sẽ tiến hành mổ bò, lợn, gà... để làm lễ cúng Thành hoàng.

Người viết từng được nghe cụ Lê Lựu (sinh năm Canh Tuất - 1910, vừa mới mất), người thôn Trà Kiểm, kể rằng, khác với các nơi, lệ xưa ở Trà Kiểm truyền lại là chỉ được cúng heo sống (còn gọi là heo sanh - heo chưa nấu chín), đó là con heo đực lông trắng không tì vết, nghĩa là tuyền một màu. 4 giờ sáng, sau khi cúng Thành hoàng xong, đến 6 giờ là đem heo xuống xả thịt, nấu nướng các món để đến trưa cả xóm cùng liên hoan. Cả xóm không một nhà nào được phép nổi lửa bếp, vì thế, lễ này còn được gọi là lễ Tắt bếp.

Người Trà Kiểm rất coi trọng và tự hào lễ hội độc đáo của mình. Ngày trước, dù đi đâu, ở đâu, đến ngày “Tắt bếp” mọi con dân trong làng đều phải về góp mặt. Tuy nay dân số đã đông hơn rất nhiều nhưng làng Trà Kiểm vẫn giữ duy trì lễ hội độc đáo này, tình đoàn kết xóm làng từ đó được duy trì, nhân ra. Những năm gần đây, ngoài lễ hội chính diễn ra 12-2 âm lịch, “Tắt bếp” còn được tổ chức thêm một lần nữa trong năm vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 18-11. Lễ hội bếp-không-đỏ-lửa này, vì thế càng mang tính nhân văn sâu sắc, nhân dân luôn lấy tinh thần cộng đồng làm trọng, làm nề nếp sinh hoạt chung của làng.

Bài và ảnh: VĂN THÀNH LÊ

.