Thành Điện Hải: Hồn cốt văn hóa Đà Nẵng - Bài cuối: Quy hoạch, tôn tạo thế nào?

.

Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải đã được thông qua và đang triển khai những bước đầu. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến thì phải hết sức cẩn trọng, không được phép để xảy ra bất cứ sai sót nào trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thành Điện Hải. Về lâu dài, xem xét điều chỉnh quy hoạch để bảo đảm thành Điện Hải là lõi của phát triển đô thị khu vực trung tâm Đà Nẵng.

Cần trả lại vị trí tương xứng cho thành Điện Hải để nơi đây thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Cần trả lại vị trí tương xứng cho thành Điện Hải để nơi đây thành điểm đến hấp dẫn du khách.

“Cái gì nên triệt phá thì cứ mạnh tay”

Thực tế cho thấy, có nhiều công trình xâm hại đến di tích thành Điện Hải, nhưng nghiêm trọng nhất phải kể đến Bảo tàng Đà Nẵng, công trình kiên cố hoàn thành vào năm 2011 với tổng số tiền đầu tư lên tới 45 tỷ đồng lại nằm ngay trong khu vực bảo vệ I của di tích.

Ông Võ Văn Hòe, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố cho biết, ngày ấy, khi công trình mọc lên, nhiều người dân Đà Nẵng đã ngỡ ngàng bởi thiết kế không phù hợp, trông khá phản cảm, kiến trúc của tòa nhà khiến vẻ đẹp của thành Điện Hải bị che khuất.

“Kiến trúc này không phải của văn hóa Việt, nhất là đối với xây dựng một bảo tàng lịch sử, trong khuôn viên thành cổ hàng trăm năm tuổi. Theo quan niệm dân gian, ông bà ta khi xây một công trình nào đó, đều mong muốn để lại dấu ấn văn hóa cho con cháu mai sau. Vì thế, tôi cho rằng, chúng ta cần đặt vấn đề giữ gìn thành Điện Hải cho con cháu hay là tiếc công trình tiền tỷ”, ông Hòe nói.

Vấn đề này, một lần nữa được mang ra “mổ xẻ” tại hội thảo khoa học tìm giải pháp bảo tồn, tôn tạo và phục hồi, phát huy giá trị di tích thành Điện Hải vào giữa tháng 12-2017. GS.TS Trương Quốc Bình, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, công trình này ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của di tích.

Các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đề xuất nên tính toán đến việc dỡ bỏ Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi di tích sau khi bảo tàng dời về địa điểm 42 Bạch Đằng theo quyết định của thành phố. “Cái gì không nên triệt phá thì nên bảo tồn nguyên trạng đến từng viên gạch, còn cái gì nên triệt phá thì vẫn cứ phải mạnh tay.

Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay với kiến trúc hoàn toàn không hài hòa với kiến trúc tổng thể của thành Điện Hải, theo tôi thì nên dỡ bỏ và không sợ lãng phí”, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố bày tỏ.

Về vấn đề này, ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố cũng cho rằng, đây là dịp để giải quyết câu chuyện xâm hại di tích thành Điện Hải tồn tại kéo dài thời gian qua. Trước mắt, những cái nào mang tính chất xâm hại lớn đến di tích thì di dời trước và đồng thời đặt ra lộ trình, tính toán giải quyết câu chuyện xâm hại còn lại.

“Tiếp cận cảnh quan đô thị cũng như cơ thể sống vậy thôi. Cơ thể khỏe mạnh nhưng cũng có lúc có bệnh, có tật. Vấn đề là chúng ta giải quyết bệnh tật đó như thế nào?”, ông Tô Văn Hùng chia sẻ quan điểm.

Xem xét thành Điện Hải là lõi của phát triển đô thị

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, sau khi di dời yếu tố xâm hại đến di tích, việc khôi phục những hạng mục nguyên gốc trong thành cần hết sức thận trọng. TS.KTS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho rằng, những hạng mục nguyên gốc trong thành đều đã mất nên khi phục hồi phải nghiên cứu kỹ tư liệu, đối chiếu bản vẽ, bản ảnh lưu trữ cũng như đối chiếu các ghi chép trong chính sử. Khi chưa có đủ tư liệu phục hồi thì không nên xây dựng những công trình mới, sai lạc dấu tích gốc.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng lưu ý, trong quá trình trùng tu, tôn tạo, cần cái nhìn tổng thể về thành Điện Hải, phải đặt ra những vấn đề như khôi phục kiến trúc như thế nào, xử lý cảnh quan ra làm sao để khi bước chân vào thành Điện Hải, mỗi một người dâng lên cảm xúc mãnh liệt, niềm tự hào.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Đà Nẵng cũng đề nghị trong quá trình trùng tu, tôn tạo thành Điện Hải nên chỉnh trang ở hướng đông, hạn chế đến mức thấp nhất che chắn tầm nhìn thành Điện Hải; đồng thời tạo điểm nhấn dừng chân cho người dân và du khách.

Nếu làm tốt, phát huy tốt giá trị thành Điện Hải thì sự kiện Đà Nẵng đi đầu trong kháng chiến chống Pháp - dấu ấn lịch sử đặc biệt này được biết đến rộng rãi.

Trong khi đó, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, thành Điện Hải bị che khuất tầm nhìn và về lâu dài cần tính toán mở rộng quy hoạch thành Điện Hải, đặc biệt khai thác hướng bờ sông, trả lại không gian một cách trọn vẹn cho thành Điện Hải.

KTS Hồ Duy Diệm cho rằng, chỉ tính về mặt quy hoạch công trình Nhà hàng bến du thuyền ngay bờ sông Hàn đã sai bởi cửa sông Hàn dày đặc công trình thì lại dồn thêm một công trình như thế sẽ gây ách tắc giao thông, phá vỡ cảnh quan, sai cả về mặt phong thủy, ảnh hưởng đến thành Điện Hải.

“Dời một số nhà dân xung quanh đã khó, dời bảo tàng càng khó thì bây giờ tính đến chuyện di dời những công trình phá vỡ phong thủy thành Điện Hải là một bài toán khó cho Đà Nẵng”, KTS Hồ Duy Diệm nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Long cũng cho rằng, việc mở ra hướng sông tạo sự thoáng đãng hơn đối với thành Điện Hải là rất cần thiết, nhưng nên làm từng bước và khi nào có điều kiện. “Không nên nóng vội, cần có sự nghiên cứu kỹ càng, với từng bước đi phù hợp, tạo sự đồng thuận của người dân trong việc tôn tạo di tích cổ như thành Điện Hải”, ông Long góp ý.

Bàn thêm về quy hoạch thành Điện Hải, ông Tô Văn Hùng cho rằng, thời điểm này thành phố đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung. Vì thế, nếu đã xác định thành Điện Hải là điểm nhấn kiến trúc thì trong điều chỉnh quy hoạch chung và tiến tới điều chỉnh chi tiết phải coi trọng di tích này.

Không chỉ là câu chuyện mở rộng về phía bờ sông mà tất cả khu vực xung quanh di tích cũng phải tính toán cho hợp lý, bảo đảm thành Điện Hải là cái lõi của phát triển đô thị ở khu vực trung tâm thành phố.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.