Thông tin trên được nêu tại buổi báo cáo đánh giá hiện trạng và đề xuất phương án tu bổ, phục hồi thành Điện Hải, do Sở Văn hóa – Thể thao tổ chức chiều 10-5.
Phát lộ phát hiện phần móng gạch nối tường hào và tường thành phía tây thành Điện Hải. Ảnh: N.HÀ |
Theo báo cáo, trong quá trình triển khai thi công công trình tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải giai đoạn 1, tại khu vực phía tây thành Điện Hải, đơn vị thi công đã đào xuất lộ phần móng tường hào có chiều dài hơn 130 mét, được xây bằng gạch truyền thống, vữa tam hợp với nhiều kích thước khác nhau.
Sau khi đo vẽ, định vị và đối chiếu với vị trí, cấu tạo của tổng thể di tích và những luận cứ về lịch sử, đơn vị tư vấn giám sát công trình khẳng định đây là một phần cấu tạo nên tường hào thuộc di tích thành Điện Hải và là yếu tố gốc đã bị vùi lấp và bị người dân xây nhà chồng lấn lên trong thời gian qua.
Đơn vị thi công cũng phát hiện phần móng gạch nối tường hào và tường thành phía tây thành Điện Hải, đối chiếu kích thước, cấu tạo phần móng gạch so với cầu dẫn từ hào vào thành ở cửa phía đông thì khá tương đồng.
Sau khi xem xét thực tế, thạc sĩ Nguyễn Quang Trung Tiến, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế cho rằng, đây là dấu hiệu chỉ báo để xác định thành Điện Hải có 3 cửa và điều này cũng được dự báo trước đó. Theo ông Tiến, các sơ đồ được thiết lập bởi người Pháp năm 1888 thể hiện thành Điện Hải có 2 cửa ở phía đông và phía nam.
Tuy nhiên, căn cứ vào các tư liệu của triều Nguyễn được cấu thành cho đến thời vua Tự Đức, cả Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ và Đại Nam nhất thống chí đều ghi rõ thành mở 3 cửa.
Dựa vào quy mô, địa thế, hướng chính của thành và lối kiến trúc được xây dựng, ông Tiến từng đặt vấn đề là có cửa thứ 3 ở phía tây của thành và sự biến mất cửa thành phía tây có thể diễn ra trong giai đoạn chiến sự ở Đà Nẵng kết thúc đến trước năm 1888, khi thành Điện Hải hạ cấp thành đồn, số binh lính đồn trú, vũ khí được triều đình rút xuống và ngân sách Nhà nước không đủ duy trì hoạt động duy tu bảo dưỡng cho đội quân lưu trú nên nhà Nguyễn đã lấp cửa thành phía tây.
“Việc phát lộ này đã tạo thêm niềm tin cho những luận cứ mà tài liệu sử sách để lại. Tuy nhiên, để xác định đây có phải là cửa thành phía tây hay không cần tiếp tục thực hiện công tác khảo cổ, trong đó xác định niên đại cũng như chất liệu loại gạch của phần móng này so với hai cổng thành còn lại”, ông Tiến nói.
Phát lộ phát hiện phần móng gạch nối tường hào và tường thành phía tây thành Điện Hải. |
Trong khi đó, TS, KTS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho rằng, công tác thám sát khảo cổ học trước khi triển khai trùng tu phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải hết sức ý nghĩa, bởi vì phương án thiết kế ban đầu chưa đánh giá hết được diện mạo của thành Điện Hải.
Do đó, những phát lộ ban đầu, những dấu vết khảo cổ là căn cứ để khôi phục phần nào dáng vẻ của thành Điện Hải. Trong quá trình trùng tu cần phải lưu ý, ngoài việc phục hồi hết sức thận trọng, cần tính đến việc bảo vệ các dấu tích khảo cổ và xây dựng hệ thống cấp thoát nước để bảo đảm dấu vết khảo cổ cũng như công trình không bị ảnh hưởng.
“Đối với giả thiết liệu có cửa thứ 3 ở phía tây của thành Điện Hải hay không, theo tôi vẫn chưa đủ cơ sở khoa học để xác định. Trước mắt nên bảo quản dấu vết khảo cổ này, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá nhiều chiều trước khi có kết luận chính thức”, TS, KTS Hoàng Đạo Cương nói.
Theo ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao, trên cơ sở báo cáo đánh giá hiện trạng những phát hiện này cũng như lấy ý kiến góp ý của các nhà chuyên môn và đơn vị tư vấn, Sở sẽ báo cáo với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và xin ý kiến, tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ thiết kế công trình tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích thành Điện Hải.
Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp với Ban quản lý dự án thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ, bảo đảm tính chân xác cho di tích, tuân thủ nguyên tắc bảo tồn di tích.
Tin và ảnh: NGỌC HÀ