Văn hóa - Giải trí

15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX)

Nhiều chính sách sáng tạo, nhân văn phát triển Đà Nẵng - Bài 1: Văn hóa là động lực phát triển

08:21, 22/08/2018 (GMT+7)

(Tiếp theo và hết)

Phát triển văn hóa xứng tầm

Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về quan tâm phát triển văn hóa-xã hội tương xứng với sự phát triển kinh tế, Đà Nẵng đang rà soát, dành quỹ đất nhất định để quy hoạch thiết chế văn hóa, cũng như sẵn sàng dành những khu đất “vàng” để phát triển không gian văn hóa công cộng.

Thành phố quyết định chọn xây dựng quảng trường trung tâm, trong đó lấy thành Điện Hải làm lõi với tổng diện tích xây dựng gần 10ha.
Thành phố quyết định chọn xây dựng quảng trường trung tâm, trong đó lấy thành Điện Hải làm lõi với tổng diện tích xây dựng gần 10ha.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao cho biết, Nghị quyết số 33 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đề cập nhiều nội dung, trong đó có lưu ý việc phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng phải gắn với phát triển văn hóa.

Trên thực tế, có một khoảng thời gian, Đà Nẵng chú trọng nhiều đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, văn hóa bị chùng xuống ít nhiều; các công trình văn hóa, thiết chế văn hóa không được tu bổ, nâng cấp, xây dựng mới mà còn bị thu hẹp.

Nhưng từ năm 2014 trở lại đây, thành phố đã có nhiều chủ trương mạnh mẽ, quyết liệt để đầu tư cho văn hóa, cải tạo, nâng cấp một số cơ sở, thiết chế văn hóa; đặc biệt cả 3 bảo tàng ở Đà Nẵng đều được nâng cấp, cải tạo. Hiện Bảo tàng Điêu khắc Chăm trở thành địa chỉ nhiều khách du lịch khi đến Đà Nẵng đều ghé thăm. Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử cũng đang phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng chú tâm phát huy các di sản văn hóa, đặc biệt đề án “Bảo tồn và phát huy các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn giai đoạn 2016- 2020” đã được lãnh đạo thành phố phê duyệt. Để thực hiện đề án này, thành phố đã đầu tư kinh phí trùng tu phần lớn những di tích văn hóa lịch sử, nhất là các đình làng, những nơi gắn liền với bước chân mở cõi của cha ông, hoặc các cơ sở cách mạng, các di tích lịch sử gắn với hai cuộc kháng chiến lớn.

Đến nay, về cơ bản, các di tích xuống cấp đã lần lượt được đưa vào trùng tu, mỗi năm khoảng 5 - 10 di tích và vẫn được tiếp tục thực hiện đến năm 2020. Ngoài ra, có hai di tích lớn là thành Điện Hải và Hải Vân quan cũng đã được trả lại giá trị đúng nghĩa.

Đáng chú ý, thành phố đã quan tâm dành quỹ đất để xây dựng các không gian văn hóa công cộng. Nổi bật là xây dựng Công viên APEC rộng 3.000m2 tại khu đất bên cạnh cầu Rồng và trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Để đáp ứng yêu cầu của người dân, mới đây, lãnh đạo thành phố đã quyết định hoán đổi khu đất khác cho doanh nghiệp để mở rộng Công viên APEC thêm 6.000m2. Sau khi hoán đổi, diện tích Công viên APEC sẽ tăng từ 3.000m2 lên 9.000m2, gấp 3 diện tích hiện tại. Đây còn là công trình tạo dấu ấn về cảnh quan, không gian công cộng của Đà Nẵng, phục vụ người dân và du khách. Thành phố cũng quyết định chọn xây dựng một quảng trường trung tâm, trong đó lấy thành Điện Hải làm lõi với tổng diện tích xây dựng gần 10ha.

“Đây là chủ trương rất hay, xây dựng một quảng trường, trong đó lấy di tích cấp quốc gia đặc biệt làm trung tâm thì rất phù hợp cho người dân và du khách đến tưởng niệm những người đã ngã xuống bảo vệ đất nước, trở thành nơi lưu giữ những ký ức của Đà Nẵng”, ông Huỳnh Văn Hùng nói.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Bùi Văn Tiếng cũng cho rằng, không gian công cộng nói chung, không gian văn hóa nói riêng tại Đà Nẵng rất hạn chế về quy mô, số lượng.

Vì vậy, có thêm những không gian như vậy là điều tối cần thiết, cấp bách đối với người Đà Nẵng để thực hiện chỉ đạo của Nghị quyết số 33 là làm sao phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế, thể hiện rõ nhất qua không gian sinh hoạt cộng đồng, trong đó có không gian văn hóa. Có thêm được quảng trường nào, không gian sinh hoạt cộng đồng nào đối với Đà Nẵng cũng là điều rất đáng quý.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo trong quá trình đầu tư không gian văn hóa, Đà Nẵng cần đặc biệt chú trọng quy hoạch tổng thể, giữ gìn các công trình văn hóa, lịch sử nếu nằm trong không gian văn hóa đó.

“Nhiều người cho rằng, Hội An hay Hà Nội có những khu phố cổ, vì thế khi động tới để mở rộng không gian là động tới di tích, Đà Nẵng thì không có như vậy. Đó là cách nghĩ dễ dẫn đến sai lầm. Họ có nhiều họ lo giữ, mình có ít thì càng phải giữ hơn. Từ đó, không nên mở rộng không gian sinh hoạt cộng đồng một cách tùy tiện.

Ví dụ, việc lấy thành Điện Hải làm trung tâm của quảng trường văn hóa sắp tới đây cần cẩn trọng trong từng hạng mục bởi có thể làm ảnh hưởng chất lượng, tuổi thọ của di tích cấp quốc gia đặc biệt này”, ông Bùi Văn Tiếng lưu ý.

Nhiều ý kiến khác đồng tình, ủng hộ thành phố đầu tư không gian văn hóa mở bởi số lượng và chất lượng của các không gian công cộng sẽ quyết định một phần không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân Đà Nẵng.

Những không gian này là một trong các thành phần chức năng thiết yếu đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng và tương tác xã hội của người dân cũng như giúp thành phố ngày một xanh và đẹp hơn.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.