Khẳng định vai trò của Đà Nẵng từ ngày đầu kháng Pháp

.

ĐNO - Ngày 31-8, UBND thành phố tổ chức hội thảo khoa học "Đà Nẵng chống liên quân Pháp-Tây Ban Nha - Quá khứ và hiện tại".

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự hội thảo.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng phát biểu khai mạc hội thảo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng khẳng định, hội thảo được UBND thành phố tổ chức với mong muốn góp phần làm rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến cuộc tấn công xâm lược Việt Nam của liên quân Pháp-Tây Ban Nha; những diễn biến lịch sử của cuộc chiến tranh Mậu Ngọ; vị trí, vai trò của Đà Nẵng trong công tác phòng thủ và bảo vệ đất nước; những anh hùng, nghĩa sĩ ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, thông qua chủ đề hội thảo, các nhà nghiên cứu trao đổi một cách khách quan, khoa học để có thêm những đánh giá chi tiết và toàn diện hơn về sự kiện lịch sử đã từng được xem là mốc mở đầu của lịch sử Việt Nam thời cận đại; đồng thời, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu từ lịch sử để vận dụng vào trong tình hình mới của đất nước và của thành phố Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, một trong những nguồn lực quan trọng góp phần kích cầu, truyền cảm hứng cho sự trưởng thành và lớn mạnh của thành phố trong những năm qua luôn có nguồn lực của truyền thống đấu tranh yêu nước và cách mạng được gìn giữ qua bao thời kỳ lịch sử.

Tham gia hội thảo khoa học có 30 nhà nghiên cứu hàng đầu về lịch sử trong và ngoài nước với 40 tham luận, tập trung nghiên cứu cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 từ góc độ quá khứ và hiện tại, hoặc từ cả hai góc độ này theo tinh thần “ôn cố tri tân”.

Các nhà nghiên cứu tiếp cận từ góc độ quá khứ là để tìm cách lý giải nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858. Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học còn nêu lên nhận định là thái độ kiên quyết của vua Tự Đức trong việc kháng cự lại liên quân Pháp-Tây Ban Nha chứ không phải nhu nhược, yếu hèn như lịch sử đã viết. 

ThS. Nguyễn Quang Trung Tiến đến từ Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) đặt vấn đề qua tham luận “Khoảng trống chiến sự hay thiếu sót của sách sử”.

ThS. Nguyễn Quang Trung Tiến đến từ Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế phát biểu tại hội nghị.
ThS. Nguyễn Quang Trung Tiến phát biểu tại hội nghị.

Ở đây, ThS. Nguyễn Quang Trung Tiến khẳng định rằng có một sự thật mà nếu chỉ dựa vào tư liệu phía triều Nguyễn, chúng ta chỉ biết được rất ít, rất tóm tắt, thậm chí hiểu sai tinh thần, đường hướng chiến lược và chiến thuật về cuộc chiến đấu bảo vệ Đà Nẵng của cha ông giai đoạn từ tháng 2-1859 đến tháng 4-1859.

Chính nguồn tài liệu từ phía đối phương đã cung cấp cho chúng ta khá đầy đủ, chi tiết và khách quan các hoạt động chủ động của quân Nguyễn trong giai đoạn lịch sử này”.

ThS. Nguyễn Quang Trung Tiến nhấn mạnh: “Giai đoạn lịch sử sôi động này ở Đà Nẵng trong thực tế không phải là “khoảng trống chiến sự”, không hề là “án binh bất động”.

Sự thừa nhận khách quan đó từ các nguồn tài liệu của đối phương đặt ra cho chúng ta một vấn đề hết sức bức thiết: Liệu chúng ta có nên tiếp tục nhìn nhận và đánh giá tinh thần, thái độ, nhãn quan chiến lược - chiến thuật giữ nước của vua quan triều Nguyễn, kể cả người đứng mũi chịu sào Nguyễn Tri Phương, tại mặt trận Đà Nẵng là hạn chế, thụ động, bạc nhược giống như nhiều sách sử hiện nay đang thể hiện và được rao giảng cho người học, được phổ biến cho xã hội?”.

Khi tiếp cận cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 từ góc độ hiện tại, các nhà nghiên cứu dành phần lớn tham luận đề cập Di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải. 

Hội thảo đã rút ra một số bài học kinh nghiệm cùng những định hướng và giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858; kế thừa quá trình quy hoạch, phát triển đô thị thời Pháp thuộc gắn với sự phát triển bền vững và ổn định của thành phố Đà Nẵng hiện nay; đồng thời tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các vị anh hùng nghĩa sĩ ngã xuống vì đất nước.

Phát biểu kết luận hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, lịch sử diễn ra một lần nhưng nhận thức nó là cả một quá trình. Những thay đổi nhận thức ấy có thể gắn với thành tựu nghiên cứu khoa học, yếu tố chính trị, thời cuộc.

Qua nhiều cuộc hội thảo từ năm 1988 đến nay, hội thảo “Đà Nẵng chống liên quân Pháp-Tây Ban Nha - Quá khứ và hiện tại” là sự kiện ý nghĩa, không những đối với lịch sử dân tộc mà khẳng định giá trị cốt lõi của Đà Nẵng trong vị thế quốc gia và khu vực.

“Bài học của sự kiện cách đây 160 năm nhắc nhở chúng ta, trước hết là những con dân Đà Nẵng - đang sống trên mảnh đất chứa chất rất nhiều giá trị lịch sử, có vai trò quan trọng về mặt địa-kinh tế, địa-quân sự, địa-chính trị, cần tiếp thu và phát huy truyền thống của cha ông, tiếp tục giữ vững chủ quyền dân tộc, trong đó có mảnh đất thiêng liêng Hoàng Sa”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng hy vọng các nhà nghiên cứu tiếp tục có những nghiên cứu sâu sắc hơn, thuyết phục hơn về các triều đại trong lịch sử cận đại, trong đó khẳng định vai trò của triều Nguyễn, vai trò của sỹ tử cả Bắc lẫn Nam hướng về cuộc chiến 1858, bên cạnh quân và dân Đà Nẵng…

Dâng hương tưởng nhớ các danh tướng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp

Ngày 31-8, hơn 100 cán bộ các sở, ngành, địa phương, lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên và người dân đã đến thắp hương tưởng nhớ đến công lao to lớn của các tướng Đào Trí, Lê Đình Lý và đặc biệt là danh tướng Nguyễn Tri Phương và các anh hùng nghĩa sĩ đã hy sinh trong trận đầu kháng Pháp giai đoạn 1858 – 1860; đồng thời, thả bong bóng cầu nguyện hòa bình cho dân tộc, quê hương.

Đây là hoạt động trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 160 năm ngày nhân dân Đà Nẵng đại diện cho nhân dân cả nước và cùng nhân dân cả nước mở đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp-Tây Ban Nha xâm lược (1-9-1858 – 1-9-2018) nhằm giáo dục và phát huy truyền thống quý báu "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc Việt Nam.

Tin và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.