Tận dụng lợi thế thiên nhiên, phong cảnh đẹp, có đồng bào dân tộc Cơ tu sinh sống với bề dày truyền thống văn hóa, chính quyền xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) chú trọng xây dựng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Người dân Hòa Bắc tập trung làm du lịch, khiến cuộc sống vốn tĩnh lặng nơi đây trở nên nhộn nhịp.
UBND xã Hòa Bắc nỗ lực khôi phục, phát triển điệu múa tung tung da dá của đồng bào dân tộc Cơ tu để phục vụ du lịch. |
Nhộn nhịp đón khách
Hơn một tháng nay, căn nhà của anh Đinh Văn Như - người dân tộc Cơ tu ở thôn Giàn Bí - ngày nào cũng nhộn nhịp khách ra vào ăn uống, cười nói rôm rả.
Không chỉ có khách người Việt ở dưới xuôi lên, mà còn có những vị khách nước ngoài đến từ Nhật Bản cũng tham quan, khám phá vẻ đẹp phong cảnh núi rừng Hòa Bắc, tìm hiểu các nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Cơ tu.
Anh Đinh Văn Hiền (em ruột anh Đinh Văn Như) cho biết, cả tháng nay, đơn đặt hàng gia đình nấu thức ăn tăng liên tục. Mỗi đoàn khách cả chục người nên hai anh em huy động người nhà đi chợ, nấu các món ăn truyền thống để phục vụ du khách.Dù vất vả nhưng mọi người đều vui vì có thêm thu nhập.
Gia đình anh Đinh Văn Như là một trong những điểm đón khách du lịch khi về với Hòa Bắc. Không chỉ được phục vụ các món ăn truyền thống, đặc sản như cơm lam, ốc đá um, cá niên nướng, heo rừng nấu ống tre..., du khách còn được các thành viên trong gia đình hướng dẫn tham quan sông suối, ngắm thác nước, tìm hiểu sinh hoạt, phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ tu.
Theo anh Như, ngoài ngôi nhà gỗ có sẵn lâu nay làm chỗ dừng chân của du khách, anh đang đầu tư xây dựng homestay để phục vụ khách nghỉ trưa, lưu trú qua đêm. “Qua những lần đón khách, mình thấy nhiều người có nguyện vọng ở lại đêm. Vì vậy, mình mạnh dạn vay mượn tiền để làm homestay nhằm phục vụ khách tốt hơn. Có chỗ nghỉ ngơi, khách sẽ ở lại nhiều hơn”, anh Như nói.
Khai thác thế mạnh sẵn có
Nhằm đánh thức vùng quê nghèo miền sơn cước, đầu năm 2018, UBND xã Hòa Bắc xây dựng “Đề án bảo tồn văn hóa Cơ tu gắn với phát triển du lịch cộng đồng”. Theo đó, UBND xã mở lớp dạy phục hồi nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ Cơ tu; phát triển, nâng cao điệu múa truyền thống tung tung da dá; phục hồi nghề làm rượu cần truyền thống…
Ngoài ra, để thu hút khách du lịch đến với Hòa Bắc, chính quyền địa phương đã thành lập các tổ ẩm thực, tổ hướng dẫn viên; đội văn nghệ biểu diễn ở nhà gươl gần 100 người.
Chị Trần Thị Phượng, người dân tộc Cơ tu ở thôn Tà Lang hồ hởi cho biết, từ ngày kết hôn, sinh 2 con, suốt ngày chị lo việc đồng áng và chăm sóc gia đình. Hay tin UBND xã Hòa Bắc phục hồi nghề dệt thổ cẩm phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, 3 tháng nay, chị tham gia lớp học tại nhà gươl.
Vui hơn nữa, một số sản phẩm đầu tay của chị em như khăn choàng, áo quần được khách du lịch mua và khen đẹp mắt. “Chị em ở đây ai cũng mong muốn hoạt động du lịch phát triển mạnh, sản phẩm làm ra bán được nhiều để có thu nhập ổn định, chứ cả đời làm nông chỉ đủ cái ăn mà thôi”, chị Phượng nói thêm.
Theo bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, sau một thời gian triển khai đề án, hoạt động du lịch cộng đồng ở địa phương này đã có những bước tiến khởi sắc, du khách trong và ngoài nước tìm đến ngày càng nhiều.
Để hoạt động du lịch nơi đây đi vào nền nếp, trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn trong lòng du khách, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức; đầu tư nâng cấp, mở rộng mạng lưới giao thông nông thôn; tập huấn, rèn luyện kỹ năng cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc Cơ tu, về cách làm du lịch cộng đồng…
Bà Hà bày tỏ hy vọng trong tương lai gần, Hòa Bắc sẽ trở thành một trong những điểm tham quan, du lịch hấp dẫn, độc đáo đối với du khách trong và ngoài nước.
Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI