Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản được tổ chức thường niên từ nhiều năm qua không chỉ là nơi giao lưu hai nền văn hóa vốn đã có mối lương duyên từ lâu đời, mà còn là nhịp cầu kết nối quan hệ hữu nghị và thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam - Nhật Bản nói chung, giữa Đà Nẵng và các địa phương của Nhật Bản nói riêng.
Biểu diễn nghệ thuật cắm hoa Ikebana tại Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng. |
Tại Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật diễn ra tại khu vực cảng Sông Hàn, đường Bạch Đằng vào năm 2017, câu chuyện tình bang giao Việt - Nhật giữa công nữ Ngọc Hoa và thương nhân nổi tiếng người Nhật Araki Sotaro được tái hiện sinh động.
Công nữ Ngọc Hoa, tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Hoa, tương truyền là con của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Khi thương nhân nổi tiếng trong lĩnh vực hàng hải ở Nhật Bản là Araki Sotaro đến thương cảng Faifo (Hội An ngày nay) vào những năm đầu thế kỷ 17, ông đã gặp và kết mối lương duyên cùng bà.
Theo nhiều tài liệu, năm 1620, Ngọc Hoa theo chồng về Nhật Bản và trở thành người phụ nữ đầu tiên mang văn hóa Việt Nam đến Nhật và là người dạy các điệu múa An Nam cho người Nhật. Với trái tim nhân hậu, bà tham gia nhiều hoạt động từ thiện, xây chùa ở Nagasaki cũng như giúp kết nối các thương nhân Nhật Bản và Việt Nam.
Công nữ Ngọc Hoa mất năm 1645 ở Nagasaki và được thờ tại đền Daionji (Nagasaki). Hiện nay, Viện Bảo tàng Nghệ thuật Nagasaki vẫn còn lưu giữ chiếc gương soi của Công nữ Ngọc Hoa. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đến từ Nagasaki và Việt Nam, đám cưới được xem là ghi dấu mối lương duyên Việt - Nhật và tạo nền tảng cho mối quan hệ Việt - Nhật sau này.
Trên nền tảng đó, mối quan hệ Việt - Nhật được thiết lập trong 45 năm qua ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Cùng với những địa phương khác của cả nước, tại Đà Nẵng, nhiều năm qua, dấu ấn đậm nét nhất trong giao lưu văn hóa giữa hai nước là Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật.
Được tổ chức từ năm 2014, đến nay, mỗi năm thành phố đều khai thác những nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam và Nhật Bản để giới thiệu đến đông đảo người dân và du khách. Về văn hóa Nhật Bản, có thể kể đến các loại hình nghệ thuật như: trà đạo, thư pháp, cắm hoa Ikebana, nghệ thuật xếp giấy Origami, cắt giấy Kirigami; trang phục truyền thống kimono, trang phục mùa hè (yukata), cuộc thi cosplay, truyện tranh Manga- Anime; hợp tấu nhạc cụ và biểu diễn trống trận, múa quạt...
Ngoài ra, người dân Đà Nẵng và du khách còn được trực tiếp nếm đặc sản Nhật Bản như: udon, chanpon, ramen, cá tươi, bánh kasutera, thịt bò Wagyu từ các gian hàng của người Nhật và thưởng thức các màn biểu diễn võ thuật Akido, kiếm đạo... Tại lễ hội, nghệ thuật truyền thống Việt Nam cũng có dịp trình diễn giao lưu như: múa trình tường tập khánh, bài chòi, múa Apsara, múa truyền thống của đồng bào Cơ tu...
Hoạt động giao lưu văn hóa cũng là cơ hội giúp nghệ sĩ hai nước tìm hiểu, học hỏi lẫn nhau. Anh Nhật Huy, Trưởng vũ đoàn Nhật Huy chia sẻ, may mắn của anh cùng diễn viên đoàn là được tham gia chương trình nghệ thuật tại Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật năm 2018.
Tại đây, vũ đoàn của anh trình diễn một số tiết mục nghệ thuật được dàn dựng lấy hình ảnh áo dài Việt Nam làm chủ đạo nhằm giới thiệu trang phục truyền thống của phụ nữ Việt; bên cạnh đó các diễn viên còn được tham gia biểu diễn trống hội của Nhật Bản...
“Đó là cơ hội để chúng tôi được hiểu biết thêm về văn hóa, nghệ thuật truyền thống của nước Nhật và học hỏi cách làm nghệ thuật nghiêm túc của các nghệ sĩ Nhật Bản”, anh Nhật Huy nói.
Với thư pháp gia Nhật Bản Sakamoto Koichi, anh đã đến Đà Nẵng nhiều lần để biểu diễn tại Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật và Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn. Điều gây ấn tượng với anh chính là người dân Đà Nẵng rất thân thiện và nồng nhiệt đón nhận phần trình diễn của mình.
Theo anh Sakamoto Koichi, nghệ thuật thư pháp Nhật Bản ra đời khá lâu và mang đậm nét riêng của văn hóa Nhật. Anh muốn giới thiệu tinh thần Nhật Bản qua thư pháp đại tự với người dân Đà Nẵng.
Theo Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản thành phố, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật được xem là điểm nhấn trong hoạt động giao lưu văn hóa Việt - Nhật tại Đà Nẵng. Ngoài lễ hội này, thành phố thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu giới thiệu văn hóa Nhật Bản đến người dân thành phố như:
Lễ hội Hamani năm 2016, Lễ hội hoa anh đào 2016, Lễ hội Haru Matsuri 2015 và 2016; giới thiệu các đoàn nghệ thuật Nhật Bản tham gia Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn. Giao lưu học sinh, sinh viên homestay giữa Đà Nẵng và các chính quyền, trường học của Nhật Bản cũng là hoạt động hợp tác điển hình trong quan hệ hai bên.
Thành phố Đà Nẵng còn duy trì chương trình giao lưu thanh - thiếu niên tại Nhật Bản hằng năm, trong đó có chương trình giao lưu do Tổ chức Sodateru tài trợ; chương trình giao lưu trải nghiệm văn hóa tại thành phố Mitsuke, tỉnh Niigata; chương trình tham quan thành phố Omachi, thành phố Matsumoto, tỉnh Nagano...
Những hoạt động văn hóa đó góp phần làm cầu nối, thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc và giữa các địa phương của hai quốc gia, trong đó có Đà Nẵng.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ