Gian bếp cũ

.

Khi tôi biết đi rồi biết chạy, biết xuống bếp lục cơm nguội ăn những lúc ngủ trưa dậy thấy đói bụng, biết lấy cái ghế đẩu rồi kiễng chân leo lên mở vung cái nồi đồng mà ba tôi hay kêu là nồi bảy để vét cơm cháy má để dành cho tôi mỗi trưa trong góc bếp - thì cái gian bếp cũ kỹ, ám khói của nhà tôi đã in sâu trong tôi một phần ký ức không thể nguôi quên.

Căn bếp xưa giờ chỉ còn trong ký ức. Ảnh:  NGUYỄN ĐĂNG ĐỆ
Căn bếp xưa giờ chỉ còn trong ký ức. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG ĐỆ

Dẫu đi qua năm tháng, nhưng cái góc bếp ấy vẫn rõ mồn một trong trí nhớ của tôi - một đứa vẫn hay hồi tưởng lại những kỷ niệm thời thơ ấu để thấy mình hạnh phúc biết chừng nào khi có một nơi để nhớ về.

Tôi vẫn nhớ bộ ván ngồi ăn cơm ở sát cửa sổ, bên cái chạn gỗ mà để tránh kiến, gián bò lên thức ăn cất trong đó, má tôi lấy bốn cái chén đựng dầu lửa kê dưới chân. Cái chạn đó, giờ hình như đã biến mất trong những căn bếp ở vùng quê xứ Quảng.

Nhà sát sông, hay bị ngập lụt nên ba tôi xây cái bếp cao, phải đứng mới nấu được. Hồi mới lên lớp hai, bắt đầu tập nấu cơm, vì thành bếp cao má dạy tôi cách nấu cơm sao cho vừa nước để không phải chắt nước vì sợ tôi bị bỏng. Rồi bày cho tôi cách trải than hồng để vần nồi cơm vừa cạn xuống cạnh bếp cho cơm chín đều không bị cháy, mà trên bếp vẫn nấu các món khác để tiết kiệm củi đun.

Mỗi lần má đi bán chưa về kịp, tôi bắc nồi nấu cơm, toàn trèo lên ghế đứng mới đun được bếp. Nhớ những ngày mưa dầm, rồi nước lụt về, củi ướt không phơi kịp dựng đầy chung quanh bếp, dù đã cắm cúi thổi cái ổng thổi lửa bằng tre lồ ô đến nỗi mắt cay xè nhưng khói vẫn um lên không chịu bắt lửa.

Cơm không sôi, mà trương nước phình lên, tôi ngồi ôm nồi cơm khóc, nước mắt dầm dề. Má đi chợ về, người còn ướt đầm vì lội nước lụt, đã lao ngay vô bếp.

Không hiểu má làm cách gì mà chỉ một loáng bếp đã đỏ lửa, cơm sôi rồi cạn. Má khẽ khàng bày vẽ, muốn bếp đỏ lửa con phải cơi nòng cho rộng, gác củi chéo thì lửa mới đỏ đều, chớ xếp củi như xếp cá thì có thổi miết cả ngày lửa cũng không đỏ.

Má miệng nói tay làm, bữa cơm ngày lụt của nhà tôi có đủ cá khô kho, rau luộc, canh chua lạch nguồn. Và nồi cơm trên sống dưới khê của tôi qua tay má đã được vét không còn một hạt cơm cháy.

Trong gian bếp ấy, tôi đã được má dạy cho cách nấu các món ăn dân dã quê nhà. Mùa mưa gió, không đi chợ xa, chỉ những thứ rau hái quanh vườn nhà như rau sam, rau dền, ngọn bí, ngọn khoai… chỉ với ít mắm, muối qua tay má biến thành những món kho, món luộc, món canh… rồi cả nhà ngồi xì xụp bên mâm cơm đầm ấm trong gian bếp nhỏ, mặc cho mưa gió tháng mười ầm ào ngoài kia.

Má tôi vén khéo nên dù bữa cơm nào cũng nhiều rau, ít thịt cá nhưng những thức má nấu luôn đầy ắp hương vị và hễ bữa nào đi học về muộn, bụng dạ tôi luôn cồn cào vì mong ngóng bữa cơm nhà. Trong gian bếp nhỏ ấy, những ngày sắp có bão về, ba dầm mưa để ràng cột lại mấy tấm tranh trên chái sợ gió làm tốc mái.

Má đánh quả trứng gà, nấu cho ba bát cháo hành giải cảm. Những chiều hè rảnh rỗi không bận chợ búa, má nấu cho tôi nồi nước bồ kết gội đầu mà mùi lá sả, lá chanh như còn vương trên tóc tôi đến tận bây giờ.

Tôi lớn dần từng ngày.

Học lớp ba đã đứng ngang thành bếp và không cần kiễng chân lên ghế vẫn nhóm được lửa và nấu cơm không cháy. Những món cá, món canh má nấu cho cả nhà được chuyển dần qua tay tôi. Tôi không chỉ biết nấu cơm ngon, nấu canh ngọt, luộc rau sao cho xanh mướt mà còn biết cách đong đếm sao cho bữa cơm ăn không thừa, không thiếu.

Rồi từ lúc nào không biết, tôi làm thay mọi việc khi má bệnh nằm một chỗ. Những năm tháng ấy, nhà tôi lâm vào cảnh túng quẫn vì hết ba đến má tôi bị bệnh nặng. Bếp nhà tôi hết cơm ghế khoai rồi cơm ghế bắp, rau lang luộc rồi rau lang kho mắm.

Nhà hết tiền mua củi, tôi cắt lá chuối khô, cỏ tranh về đun bếp. Trời mưa dài ngày, những thứ lá đun ấy bị ẩm không chịu bắt lửa, tôi ôm khư khư cái ống thổi lửa thổi tung toé than tro lên tóc, lên mặt rồi ngồi ước, giá mà có nhiều tiền, tôi sẽ mua củi về chất đầy bếp để đun cho sướng.

Má mất, rồi ba cũng qua đời. Tôi ngược xuôi hết chỗ nọ đến chỗ kia, rồi cũng bước ra đời làm việc, rồi sống xa nhà. Căn nhà cũ vẫn còn đó nhưng gian bếp cũ không còn.

Bếp gas đã thay cho bếp củi và cái tủ nhôm kính sáng loáng thay cho cái chạn gỗ cũ một thời gắn bó với tuổi thơ khó nghèo của tôi. Lâu lâu nhớ về gian bếp cũ, như vẫn thấy má đang lúi húi kho cá, nấu canh rồi dặn dò tôi, kho cá biển thì bỏ tiêu, bỏ ớt, còn cá sông nhớ cho hành cho khỏi tanh nghe con.

KIM EM

;
.
.
.
.
.
.