Nghịch lý của nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp

.

Thực tế cho thấy các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, nhưng để tổ chức chương trình bán được vé thì không đơn vị nào dám làm…

Một điều gây bất ngờ cho khán giả tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018 đợt 2 là các chương trình nghệ thuật khá hay, hấp dẫn. Có thể kể đến chương trình “Một ngày của Biển” (Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Sao Biển,  tỉnh Phú Yên) là lát cắt của đời sống vạn chài được tái hiện trên sân khấu đầy sáng tạo, độc đáo.

Tiết mục Mùa nghêu của Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Sao Biển, tỉnh Phú Yên.
Tiết mục Mùa nghêu của Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Sao Biển, tỉnh Phú Yên.

Trong đó, Gối đầu lên sóng chờ anh là ca khúc dân gian đương đại mới nhất của nhạc sĩ Huỳnh Tấn Phát, Phó Giám đốc phụ trách nhà hát, được nhạc sĩ Xuân Huy sáng tạo lần thứ hai bằng bản phối khí lột tả được tiếng lòng của vợ chờ chồng nơi khơi xa: thắc thỏm lo âu, cháy bỏng nhớ khát, phập phồng nỗi sợ… Hay tiết mục độc đáo Mùa nghêu, do NSND Nguyễn Hữu Từ và NSƯT Văn Hiền biên đạo. Không có nhạc múa, các nghệ sĩ biểu diễn với tiết tấu và những âm thanh, tiếng động rất mộc mạc, gần gũi của đời sống.

Cùng với “Một ngày của Biển”, “Lưỡng cực” của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Chuyện Tiên Sa của Nhà hát Trưng Vương, “Hà Nội, ngày... tháng... năm...” của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Sắc núi hương rừng xứ Lạng của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn, Chuyện của đại ngàn của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông, Về miền Thất Sơn của Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp tỉnh An Giang… đã mang đến tiết mục đậm bản sắc vùng miền nhưng mang hơi thở đương đại, tạo sự gần gũi với khán giả đặc biệt là giới trẻ.

Tại buổi tọa đàm “Định hướng phát triển nghệ thuật ca múa nhạc đối với các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ trong tình hình mới” tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên tỏ ra đau đáu việc các đơn vị nghệ thuật đoạt nhiều danh hiệu, giải thưởng trong và ngoài nước nhưng không dám tổ chức bán vé, trong khi hằng đêm các tụ điểm ca nhạc nườm nượp khán giả. Nhiều ca sĩ, nghệ sĩ có thương hiệu, có sức hút với công chúng thì hầu hết là bên ngoài, không thuộc các đoàn ca múa nhạc.

Trong bối cảnh các tỉnh, thành phố thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ban hành ngày 25-10-2017 của Trung ương Đảng về sáp nhập các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập, nhiều đơn vị sẽ phải thực hiện tự chủ hoàn toàn, một số sẽ phải sáp nhập với các đơn vị nghệ thuật khác thì buộc họ phải thích nghi, đổi mới.

Tiết mục Chàng vinh quy của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.
Tiết mục Chàng vinh quy của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Tấn Phát cho rằng việc tự chủ, xã hội hóa hay sáp nhập các đơn vị nghệ thuật với nhau có thể giúp các đơn vị năng động hơn, thực hiện những sản phẩm văn hóa gắn với thị trường.

“So với những chương trình của các đêm diễn bình thường thì các chương trình nghệ thuật dự thi tại liên hoan có chiều sâu nghệ thuật, thể hiện tâm huyết của nghệ sĩ, diễn viên, khán giả đến xem khen rất nhiều.

Vì thế, tôi cho rằng đến một lúc nào đó, công chúng sẽ nhìn nhận lại nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp, vấn đề là hãy cống hiến hết mình, lôi kéo được khán giả, cố gắng hòa nhập với xã hội”, nhạc sĩ Tấn Phát nói.

Bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao cho biết, theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, Đà Nẵng không vướng câu chuyện sáp nhập, vẫn giữ lại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Trưng Vương hiện đã tự chủ 60% nên Đoàn ca múa nhạc vẫn thuộc nhà hát.

Tuy nhiên, Đoàn ca múa nhạc cần phải làm thế nào để có sản phẩm văn hóa tương tự như “Chuyện Tiên Sa”, làm thế nào để tăng sức hấp dẫn, tăng tính giải trí và bán vé phục vụ công chúng chứ không hẳn dừng lại ở công cụ chính trị, công cụ tuyên truyền. Đó là bài toán chung của Đà Nẵng và của các đơn vị nghệ thuật công lập cả nước nói chung.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.