Sức hút của hài kịch ngắn

.

Không chỉ diễn ở những sân khấu lớn, nhiều năm qua, các nghệ sĩ thuộc Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố đã về các địa phương biểu diễn những vở hài kịch ngắn phục vụ bà con và được đón nhận nồng hậu.

Một cảnh trong tiểu phẩm “Lão Điền thưa kiện” do các nghệ sĩ Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố biểu diễn.
Một cảnh trong tiểu phẩm “Lão Điền thưa kiện” do các nghệ sĩ Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố biểu diễn.

Một buổi chiều muộn của tháng 10, các nghệ sĩ thuộc Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố tập trung tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chuẩn bị cho đêm diễn tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Đoạn đường khá xa, lại phải di chuyển bằng xe máy nên các nghệ sĩ hầu như đều trang điểm trước và chuẩn bị sẵn trang phục để đến là vào diễn ngay. Thấy tôi nhìn ái ngại, diễn viên Thái Văn Nga cười bảo: “Nghệ sĩ chúng tôi quen rồi. Có hôm tôi vác trống đi bộ gần cả cây số ấy chứ. Sau xã Hòa Bắc, chúng tôi tiếp tục đi các xã khác của huyện Hòa Vang. Vất vả thật, nhưng được bà con đón nhận là vui rồi”.

Trong khi đó, nghệ sĩ Trần Quang Kỳ cũng cho biết, những đêm đi diễn ở cơ sở, ban đầu người dân cứ ngỡ là chương trình văn nghệ quần chúng nên không mấy mặn mà, nhưng khi biết đó là buổi diễn tiểu phẩm hài kịch ngắn của các diễn viên, nghệ sĩ thì họ đến xem rất đông. Năm 2018, bản thân anh vừa là diễn viên tham gia các đêm diễn của Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố, vừa viết kịch bản cho Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh thành phố để biểu diễn phục vụ bà con.

Mới đây nhất, anh sáng tác tiểu phẩm hài kịch Hai nhà đại chiến nói về hai gia đình kinh doanh nước mía và ốc cạnh nhau nhưng khắc khẩu, gây gổ về buôn bán, sinh hoạt hằng ngày, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa - văn minh đô thị. Theo nghệ sĩ Quang Kỳ, không giống như những vở diễn chuyên nghiệp trên sân khấu, các tiểu phẩm hài kịch ngắn đi phục vụ bà con phải là câu chuyện lồng ghép chủ trương, đường lối, chính sách của thành phố về văn hóa, văn minh đô thị, “Thành phố 4 an” nhưng thật vui, hài hước. “Với lối diễn xuất chuyên nghiệp, hóm hỉnh của các nghệ sĩ, bà con thích lắm. Qua tiểu phẩm, bà con thấy rằng lâu nay mình làm vậy là không đúng rồi từ đó chỉnh sửa hành vi. Từ thông điệp nhỏ sẽ hướng đến thông điệp lớn hơn. Vì thế, đi diễn ở cơ sở có nhiều cái hay, xúc động lắm nên mới tạo động lực cho nghệ sĩ cống hiến”, nghệ sĩ Quang Kỳ nói.

Cống hiến và hy sinh cho nghệ thuật là điều hầu như các nghệ sĩ thuộc Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố đã và đang trải qua. Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố Nguyễn Thanh Tùng cho biết, mỗi đêm diễn ở cơ sở, thù lao cho các nghệ sĩ chỉ 250.000 đồng - 300.000 đồng (đi lại tự túc), nhưng với tinh thần tự nguyện, các nghệ sĩ vẫn cống hiến hết mình. Trong năm 2018, thực hiện chủ trương của Ban Tuyên giáo Thành ủy về tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị thông qua văn học, nghệ thuật, Hội nhận được đơn đặt hàng, xây dựng và đưa một số vở kịch ngắn như “Lão Điền thưa kiện”, “Ông Thịt, bà Rau”, “Niềm hạnh phúc đâu xa”... và đã diễn tại 10 phường của quận Thanh Khê, tiếp tục diễn tại các xã thuộc huyện Hòa Vang và những quận khác nếu có yêu cầu. Để có tác phẩm, dựng vở đã khó, việc tập hợp đội ngũ diễn viên tập vở càng khó hơn. Dẫu vậy, bằng tình yêu nghề, các nghệ sĩ vẫn cố gắng thu xếp thời gian. “Thông qua tiếng nói nghệ thuật, anh em nghệ sĩ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân; đồng thời chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách của thành phố đến với nhân dân”, ông Tùng chia sẻ thêm.

Từ hiệu ứng tích cực trong công tác tuyên truyền thông qua tiểu phẩm ngắn, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh thành phố cũng bắt đầu chú trọng xây dựng các tiểu phẩm chất lượng cho chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng. Dù chỉ là mảng nhỏ trong tổng thể chương trình, nhưng các tiểu phẩm hài kịch ngắn thu hút khán giả hơn hết. Ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm cho biết, năm 2018, Trung tâm đã tập hợp nhiều “cây” văn nghệ và cho ra đời các tác phẩm mới lạ, cuốn hút, mang tính thời sự như: kịch dân ca tuyên truyền “Đà Nẵng - Thành phố 4 an”, “Tình riêng - Lý chung”, “Gậy ông đập lưng ông”...

“Hiện chủ đề thời sự của thành phố mà Trung tâm đang tập trung tuyên truyền mạnh là chủ trương “Thành phố 4 an”. Chủ đề này có ý nghĩa rất nhân văn, tuy vậy để lồng ghép vào dân ca, kịch và truyền tải tới người dân một cách cuốn hút, sinh động không hề dễ. Nhưng đến thời điểm này, qua nhiều đêm diễn tại các quận, huyện mới thấy được bà con đón nhận nếu chúng ta có chương trình chất lượng”, ông Bảy nói.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.