Giữ hồn văn hóa

.

Nhiều năm trong vai trò đạo diễn tuồng cho xứ Quảng, nghệ nhân Bùi Quý Phong (64 tuổi, người Hội An) đã thấm nhuần những nét đẹp của mặt nạ tuồng. Và theo cách riêng, ông đã tối giản quy chuẩn của mặt nạ tuồng, tạo nên những chiếc mặt nạ chất chứa thông điệp của cuộc sống, tình yêu.

Mỗi khi có cơ hội, nghệ nhân Bùi Quý Phong đều tìm cách giới thiệu những đặc trưng của mặt nạ tuồng Việt Nam đến du khách.
Mỗi khi có cơ hội, nghệ nhân Bùi Quý Phong đều tìm cách giới thiệu những đặc trưng của mặt nạ tuồng Việt Nam đến du khách.

Mặt nạ thời gian

Tại chương trình “Nghệ nhân trao truyền” mới đây do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức, câu chuyện về mặt nạ tuồng, mặt nạ dân gian của nghệ nhân Bùi Quý Phong có sức hút kỳ lạ đối với người tham dự.

Chỉ vào chiếc mặt nạ với gam màu đỏ là chủ đạo, ông Phong cho biết, màu đỏ trên chiếc mặt nạ tượng trưng ngọn lửa trong lòng, ngọn lửa của lòng nhiệt huyết. Trên trán, cánh mũi, thái dương của chiếc mặt nạ cũng có những chấm tròn ở những vị trí huyệt đạo. Theo diễn giải của ông, khi tình yêu thương đủ đầy và khi con người chứa năng lượng tích cực thì không cần ai tôn vinh, những đường nét, huyệt đạo trên khuôn mặt cũng tự hiện ra.

Trong mặt nạ của nghệ nhân Bùi Quý Phong, nguyên lý âm-dương, họa tiết xoáy tròn như các động tác múa tay của người nghệ sĩ sân khấu tuồng hay hình tượng cánh chim và đầu con chim biển là bất di bất dịch. Có điều, mặt nạ của ông mang vẻ “đời thường” hơn. “Tôi đã tối giản quy chuẩn của mặt nạ tuồng. Bởi tuồng là loại hình nghệ thuật bác học, rất khó để người dân bình thường, du khách nước ngoài tiếp nhận thông qua một chiếc mặt nạ. Do đó, tôi trăn trở làm sao tạo ra những chiếc mặt nạ gần gũi hơn, ẩn sau những màu sắc, đường nét, nguyên lý âm-dương là lời chúc phúc, chúc lành, chúc tình yêu, chúc sức khỏe, chúc giàu có...”, nghệ nhân Bùi Quý Phong chia sẻ.

Cũng theo ông Phong, mỗi chiếc mặt nạ có một cuộc đời riêng và ứng vào từng giai đoạn, thời gian của một đời người. Điều quan trọng, mỗi người hướng đến lối sống, suy nghĩ tích cực thì cũng giống như kết cục tốt đẹp của các vở tuồng truyền thống, cái tốt sẽ được tôn vinh, cái xấu bị khai trừ.

Khát khao giới thiệu mặt nạ Việt Nam ra thế giới

Việc ông Phong đến với nghề vẽ mặt nạ cũng là cái duyên. Hồi trai trẻ, ông gắn với nghề làm đầu lân, đến khi nghề này không còn thịnh hành, ông rẽ sang hướng đi mới: làm đạo diễn sân khấu tuồng. Từ khi bước chân vào nghệ thuật tuồng, cái hay của loại hình nghệ thuật truyền thống ngày một cuốn hút ông. Thời gian, công sức ông dồn hết vào đấy. Bước sang tuổi lục tuần, tuổi tác không cho phép rong ruổi những chuyến đi xa; hơn nữa, cũng như những người nặng lòng với nghệ thuật truyền thống, ông bắt đầu lo sợ nghệ thuật tuồng mai mọt, vì vậy, ông từ bỏ nghề đạo diễn để đến với công việc mới: vẽ mặt nạ. Một công việc kết hợp được giữa hai niềm đam mê của ông là vẽ đầu lân và sân khấu tuồng.

Nghệ nhân Bùi Quý Phong hướng dẫn sinh viên vẽ mặt nạ tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ
Nghệ nhân Bùi Quý Phong hướng dẫn sinh viên vẽ mặt nạ tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ

Mỗi chiếc mặt nạ ông Bùi Quý Phong làm từ cốt giấy bồi, đắp thạch cao lên và chà bóng rồi bồi lớp giấy nữa sau đó mới quang dầu và vẽ. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng chất chứa trong đó là sự cần mẫn, khéo léo và đam mê. Hiện ông có mấy học trò theo nghề cùng ông làm nên những chiếc mặt nạ bán cho du khách trên con phố Bạch Đằng sầm uất của phố cổ Hội An. Có hôm chẳng vị khách nào ghé qua, học trò thương thầy bảo “hay mình đóng cửa nghỉ, chú khỏi tốn chi phí này nọ”. Ông gạt phắt đi vì vẫn muốn những chiếc mặt nạ ấy tồn tại nơi góc phố đó, tạo sự thân thuộc cho mỗi người.

Ông Phong kể, từ ngày vẽ mặt nạ tuồng, ông có cơ hội giới thiệu nghệ thuật truyền thống của dân tộc đến với nhiều du khách trong và ngoài nước. Ban đầu, họ chỉ đơn thuần biết đó là mặt nạ đậm chất văn hóa của người Việt, khách cần tìm hiểu sâu hơn thì ông sẽ giới thiệu về mặt nạ tuồng. “Mỗi khi có cơ hội, tôi đều tìm cách lý giải những đặc trưng của mặt nạ tuồng Việt Nam, một hình thức nghệ thuật không thể lẫn lộn với bất cứ mặt nạ của quốc gia nào khác. Mặt nạ tuồng Việt Nam chỉ dùng 5 màu, còn mặt nạ Kinh kịch Trung Quốc có thể tới 8 hay 10 màu. Họ có thể đánh bạt màu ra để dẫn màu, còn mặt nạ của ta không dẫn màu. Trên gương mặt của tuồng Việt còn là họa tiết hình mỏ chim biển, gắn liền với lịch sử văn hóa biển xa xưa từ thuở mở cõi tiến vào Nam của cư dân miền biển trung bộ Việt Nam. Trong khi đó, mặt nạ Kinh kịch Trung Quốc mang hình tượng đuôi cá, mang cá”, nghệ nhân Bùi Quý Phong nói.

Từ ý thức, lòng tự tôn dân tộc, nghệ nhân Bùi Quý Phong chưa bằng lòng với những gì mình có. Điều ông ấp ủ là truyền dạy cho thế hệ trẻ và làm sao nghề vẽ mặt nạ giúp nghệ nhân sống được, để những chiếc mặt nạ có thể tiếp tục “kể” câu chuyện văn hóa của dân tộc đến bạn bè quốc tế.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.