Phát huy hồn văn hóa của Đà Nẵng

.

Tôi nhớ cách nay mấy năm, một tác giả đã viết trên trang web danang.gov.vn về bản sắc và đặc trưng văn hóa của thành phố với những câu mở đầu thế này: “Một thực tế là Đà Nẵng không có sẵn những vốn lớn về văn hóa vật thể và phi vật thể để kế thừa, khai thác nếu so sánh với những nơi như Hà Nội, Huế hoặc ngay cả với Quảng  Nam...”.

Và cuối bài, tác giả kết luận: “Không nên chỉ dừng lại với nhận định văn hóa Đà Nẵng thiếu bản sắc, chưa có đặc trưng, mà cần có quyết tâm: Thiếu bản sắc hãy làm nên bản sắc, chưa có đặc trưng, phải sáng tạo đặc trưng”.

Đọc kỹ bài viết của tác giả, chúng tôi thấy cần trao đổi lại mấy điểm sau đây. Cũng là nêu lên những suy nghĩ của người viết về vấn đề này.

1- Đà Nẵng không có sẵn những vốn lớn về văn hóa vật thể và phi vật thể để kế thừa khai thác: Trước hết, cần minh định Đà Nẵng về cả địa lý, lịch sử và văn hóa là một phần của địa lý, lịch sử và văn hóa Quảng Nam. Cho nên, vốn văn hóa vật thể hay phi vật thể của thành phố này phần lớn là “cái vốn  chung” với Quảng Nam.

Khi đem chuyện này để tách Đà Nẵng ra khỏi Quảng Nam, thì đó là một sự sai lầm căn bản đối với công tác nghiên cứu. Tôi thấy Hội Văn hóa dân gian Đà Nẵng lâu nay đã làm tốt một việc là không tách rời Quảng Nam và Đà Nẵng trong những công trình nghiên cứu sưu tầm của họ. Đó là bước đi và cũng là nhận thức đúng.

Do vậy, cần phải xác định: vốn văn hóa vật thể, phi vật thể của Đà Nẵng và của Quảng Nam trong suốt lịch sử của vùng đất từ phía nam đèo Hải Vân đến Dốc Sỏi là Một. Từ đó để xác định rằng chúng ta có một gia sản rất lớn về văn hóa chung của vùng đất này.

Bản sắc văn hóa và đặc trưng văn hóa của Đà Nẵng, vì vậy cũng là bản sắc và đặc trưng của xứ Quảng. Cho nên không thể nói “Tuồng Đà Nẵng” dù Đà Nẵng có Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh; không thể nói “Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng” hay “Hò khoan Đà Nẵng”...

Cũng vậy, khi nói đến thành Điện Hải, nghĩa trủng Phước Ninh hay Hòa Vang, là ta liên tưởng đến hàng vạn người Quảng và nhân dân cả nước đã xả thân trong cuộc chống xâm lược của liên quân Pháp-Tây Ban Nha từ giữa thế kỷ 19. Khi ta nói cảng thị Hội An, cũng khó có thể tách rời con đường thủy ra tiền cảng Đà Nẵng hay khu phố mà chúa Nguyễn muốn cho người Hà Lan xây dựng tại đây như đã được ghi lại trong bút ký của C. Borri năm 1621...

Cũng như Hội An, Đà Nẵng là một trong cửa ngõ giao thương của Đàng Trong (trong đó có Quảng Nam) từ rất sớm. Trong lịch sử chống ngoại xâm cận đại và đương đại, Đà Nẵng đã đóng vai trò cửa ngõ, tiền tuyến của nhân dân Quảng Nam (và cả nước).

Trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật, Đà Nẵng cũng là đất sống, đất diễn (thậm chí đất chiến đấu) của nhiều nhà văn hóa, văn nghệ sĩ Quảng Nam. Hãy nhớ rằng ý định ban đầu của cụ Huỳnh Thúc Kháng là muốn mở tờ báo Tiếng Dân tại Đà Nẵng, hay cụ Phan Thanh đăng đàn ở nhà hát Hòa Bình để kêu gọi nhân dân chống ách nô lệ.

Sau này từ khi cướp chính quyền năm 1945 trở đi, nhiều văn nghệ sĩ Nguyễn Văn Bổng, Phan Tứ, Nguyễn Văn Xuân, Hoàng Châu Ký, Huỳnh Thị Bảo Hòa, Lưu Trùng Dương... vẫn chọn Đà Nẵng làm nơi sống và sáng tác... Tất cả các dẫn chứng đó nhằm nhấn mạnh rằng việc tách Đà Nẵng ra khỏi Quảng Nam trong nghiên cứu văn hóa là khiên cưỡng và phi thực tế.

2- Cho nên, nếu nói: “Thiếu bản sắc hãy làm nên bản sắc, chưa có đặc  trưng, phải sáng tạo đặc trưng” là một cách nói hơi vội vàng. Chính vì vậy, tác giả đề nghị xây dựng bảo tàng lịch sử, làng điêu khắc đá, lễ hội đua thuyền, tổ chức đoàn ca múa nhạc... như những sinh hoạt, định chế văn hóa đặc trưng cho Đà Nẵng... thì đó chưa phải là tạo ra một bản sắc văn hóa đầy đủ.

Một Hồng Kông (Trung Quốc) có diện tích bằng Đà Nẵng đã có đến 20 bảo tàng về nhiều lĩnh vực, một Thái Lan - từ Nakhon Ratchasima đến các tỉnh đông bắc như Udon Thani, Royet - có đến hàng chục làng điêu khắc đá.

Vì vậy, bản sắc và đặc trưng văn hóa Đà Nẵng là đã có chứ không phải hãy làm nên, phải sáng tạo như đã nói.

Ngoài những ví dụ nêu trên, tôi xin nêu thêm những nội dung làm cho Đà Nẵng có hồn văn hóa của riêng nó, không chỉ là phục vụ du lịch như cách nói “trọng thương” lâu nay, mà còn góp phần giáo dục các thế hệ trẻ, làm cho người Đà Nẵng và cả Quảng Nam luôn hãnh diện về xứ sở của mình.

Thử hình dung một khu đất đẹp ở Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, được chính quyền đầu tư một khu lưu niệm các nhà văn, các văn nghệ sĩ nói chung. Tại đó có các “không gian Phan Tứ”, “không gian Thu Bồn”, “không gian Nguyễn Văn Xuân”... với các phòng trưng bày tác phẩm, tư liệu, tượng bán thân của những người con ưu tú Quảng Nam-Đà Nẵng.

Tại đó có cả một tượng đài “Ngọn lửa đá” - đang chưa có chỗ đặt thích hợp ở Nhà văn hóa Quân khu 5 - ghi tên tuổi các nhà văn-văn nghệ sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường khu 5. Khu đất ấy trở thành “vùng đệm” giữa hai khu chức năng hành chính và thương mại lại càng thích hợp cho các ý tưởng quy hoạch.

Về các bảo tàng, bảo tàng chiến tranh, bảo tàng lịch sử là cần thiết, nhưng đâu phải chỉ có vậy. Lịch sử Quảng Nam, Đà Nẵng riêng người Việt vào định cư đã hơn 5 thế kỷ. Họ làm nông, đánh cá, làm những nghề thủ công để phát triển. Lịch sử cần ghi lại những tiến bộ kỹ thuật của nghề nông, nghề đánh cá, nghề làm thủ công và các dịch vụ khác. Đâu rồi những ngôi nhà tranh tre của người Đà Nẵng thế kỷ 19? Đâu rồi chiếc xe hơi chạy than cách đây mới 20 năm?

Đâu rồi chiếc xe đạp nước của nhà nông bên bờ sông Cẩm Lệ? Đâu rồi những dụng cụ đánh bắt cá thô sơ như cái nơm, cái nò? Đâu rồi những dấu tích của nhân dân ta một thời cơ cực kiếm miếng ăn ở vùng “đất cọp beo” này? Trong mỗi bảo tàng như vậy, hằng năm có thể tổ chức các lễ hội ngành nghề liên quan và cũng là dịp các nghệ nhân biểu diễn lại những làn điệu dân ca, các nghi thức tín ngưỡng mang tính nghề nghiệp như lễ cầu ngư, lễ tế thần nông của cha ông...

Ta sẽ hãnh diện về văn hóa Đà Nẵng như thế trước khi nó là một đô thị của những nhà cao tầng chót vót, trước khi trở thành “đô thị điện tử”, trước khi vượt qua con số 1 triệu dân với những xa lộ và đường tàu điện ngầm... Bởi những thế hệ sau sẽ biết chúng được sinh ra trên mảnh đất như thế nào để mà yêu quý và trân trọng giữ gìn!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.