Dấu xưa Quá Giáng

.

Xưa, trên vùng đất nay là Hòa Phước có nhiều đình chùa miếu mạo như đình Quá Giáng, nhà thờ chư phái tộc Quá Giáng, miếu Ông, miếu Bà, miếu Thần Nông... Thời gian và chiến tranh có thể làm mai một di tích xưa nhưng lòng người thì vẫn luôn lưu giữ những giá trị văn hóa tâm linh một thời và mãi mãi.

Ông Đinh Viết Thành thắp nén nhang tưởng nhớ nước nguồn cây cội.
Ông Đinh Viết Thành thắp nén nhang tưởng nhớ nước nguồn cây cội.

Cũng như nhiều địa phương khác ở phía nam đèo Hải Vân, người dân Quá Giáng nguyên là các lưu dân đến từ Thanh Hóa, về phương Nam gặp nơi đất lành chim đậu đã chọn nơi này làm quê hương thứ hai.
Theo ông Lê Đình Ca, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước, căn cứ vào bảng sắc phong và văn bia các đình, chùa, miếu, đền còn lại ở Quá Giáng, Miếu Bông, Tân Hạnh, Nhơn Thọ, người Việt đến khai khẩn lập làng ở đây từ rất sớm. Các bài vị thờ tại đình làng cũng như văn tế hằng năm đều tôn vinh công đức tứ vị tiền hiền Đinh, Lê, Trần, Nguyễn theo đoàn quân Nam tiến của vua Lê Thánh Tôn sau cuộc nam chinh năm 1471 đã ở lại nơi đây quy dân lập ấp, về sau đặt tên là làng Quá Giáng.

Những di tích làm nên giá trị một vùng đất

Sau khi thắp nén nhang trên các bàn thờ, ông Đinh Viết Thành, đại diện Hội đồng Chư phái tộc làng Quá Giáng, ngồi lại trên bậc thềm nhìn ra sân đình ướt sũng nước mưa, chậm rải kể tôi nghe chuyện người xưa lập đình. Đình Quá Giáng ban đầu được lập bằng tranh tre nứa lá tại xóm Lò Khoai, nay thuộc thôn Giáng Nam 1, xã Hòa Phước. Đây là nơi họp bàn việc làng, là chỗ dừng bước nghỉ chân của khách xuôi ngược trên đường thiên lý, tức quốc lộ 1A ngày nay.

Đến năm Gia Long thứ mười ba (1814), đình Quá Giáng được dời về xóm Chiêm Lai Hạ, cách đường thiên lý khoảng 400m, cách đình cũ gần 1,5km. Tại đây, sau khi bị sét đánh sụp một góc, đến năm Minh Mạng thứ mười chín (1838), chư phái tộc và dân làng dời đình về vùng đất có phế tích Tháp Quá Giáng và yên vị từ đó đến nay.

Tháp Quá Giáng có một ngôi miếu Bà, chính giữa thờ một tượng Chăm, tượng đặt trên bệ đá mặt trước có chạm khắc con tê giác. Từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2014, Đoàn khảo cổ của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức đợt khai quật tại di tích khảo cổ Tháp Quá Giáng và thu được nhiều hiện vật có giá trị, được trưng bày tại Phòng Di tích Chăm tại Đà Nẵng của Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Những gì được phát lộ ở phế tích Tháp Quá Giáng đã góp phần nâng cao giá trị vật thể và phi vật thể cho đình và nhà thờ Chư phái tộc Quá Giáng.

15 năm trước, năm 2004, tôi một lần ghé thăm đình Quá Giáng, được nghe cụ Lê Dung (thường gọi là cụ Bốn Thục, năm đó 88 tuổi) kể rằng khi cụ được 35 tuổi thì đình trùng tu lần thứ ba. Đình ngày đó rất rộng, bề ngang 12m, bề sâu 7m, có đến 7 gian với những hàng cột cái một vòng tay người ôm không hết. Đến khi nổ ra chiến tranh với thực dân Pháp, làng tạm thời lấy đình làm kho lương phục vụ nghĩa quân đánh phòng tuyến Cẩm Lệ.

Đình Quá Giáng nằm cách quốc lộ 1A một cánh đồng nhưng khách vô ra trên đường thiên lý ngày trước vẫn thấy đình uy nghi chẳng thua gì đình La Qua ở tỉnh Quảng Nam ngày đó: Đi vô ngó đình La Qua, đi ra ngó đình Quá Giáng. Trước đình hiện còn lưu giữ 3 chân tảng đá kê cột đình có đường kính gần 40cm, dấu vết còn sót lại của ngôi đình bề thế ngày nào.

Sau khi bị xuống cấp do chiến tranh, mãi đến năm 2000, đình mới được trùng tu, tôn tạo với kích thước nhỏ hơn. Và mới đây, tháng 4-2019, đình được trùng tu với kinh phí gần 3,7 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, sau khi đình được xếp hạng di tích cấp thành phố năm 2013.

Cách đó không xa về phía sông Quá Giáng là Nhà thờ Chư phái tộc Quá Giáng, được xây dựng năm Tân Tỵ (1821), thờ Quan Thánh và tứ vị tiền hiền của 4 tộc Đinh, Lê, Trần, Nguyễn - những người có công theo Chúa Nguyễn vào Nam khai phá đất đai lập nên làng Quá Giáng. Nhà thờ có lối kiến trúc rất tiêu biểu của kiến trúc truyền thống gồm 2 phần: phần tiền đường và phần chính điện. Phía trên cửa chính vào chính điện có gắn hai mắt cửa, có lẽ là duy nhất trên đất Đà Nẵng hiện nay.

Năm 2000, nhà thờ Chư phái tộc Quá Giáng được xếp hạng di tích quốc gia, 6 năm sau được trùng tu, tôn tạo với kinh phí trên 800 triệu đồng. Năm 2012 được tu bổ, tôn tạo với tổng mức đầu tư trên 1,24 tỷ đồng cho hạng mục tường rào, cổng ngõ.

Đình làng và nhà thờ Chư phái tộc là niềm tự hào của người dân Quá Giáng. Hằng năm, đến ngày 11 và 12 tháng 4 âm lịch, dân làng tổ chức lễ Kỳ yên để cầu quốc thái dân an, phong điều vũ thuận. Bà con chư phái tộc trên khắp 7 xóm của làng Quá Giáng xưa, nay là 7 thôn, kể cả xóm An Lưu nay thuộc phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), đều tề tựu về đình và nhà thờ để thắp nén hương tưởng công đức tiền nhân mở làng lập ấp.

Một thời và mãi mãi

Cha ông Đinh Viết Thành ngày trước làm tuần đinh trong hội đồng kỳ dịch làng Quá Giáng, lãnh trách nhiệm trông coi việc trị an, tự vệ của làng. Ông Thành từng lon ton theo cha mình ra đình mỗi khi có việc làng nên ghi nhớ khá nhiều sự kiện ở làng ngày đó.

Đầu năm 1945, khi huyện Hòa Vang vận động thành lập ban Việt Minh huyện, các làng Tân Hạnh, Nhơn Thọ, Quá Giáng nhất tề tổ chức tập luyện dân quân tự vệ tại đình làng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa.
Ngày 19-8-1945, ông Nguyễn Ngọc Kinh bấy giờ là Bí thư chi bộ từ Tân Hạnh ra, hợp cùng ông Đinh Long người Quá Giáng, chỉ huy lực lượng tự vệ dùng giáo mác, gậy gộc trấn áp lý trưởng Quá Giáng, thu ấn tín và tài liệu, trong đó có bản đồ địa chính; khống chế cường hào ác bá, thành lập lực lượng cách mạng lâm thời. Đến 11 giờ cùng ngày, cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên tam quan đình làng.

 

Qua ngày hôm sau, lực lượng tiến qua My Lôi Thượng, một trong 7 xóm của Quá Giáng xưa, gần thôn Giáng Đông, xã Hòa Châu ngày nay, tổ chức bắt ban quản lý sở Canh nông Pháp. Nguyên trước đó, người Pháp chiếm hữu 19 mẫu ruộng và 21 con trâu của người dân Quá Giáng, hoa màu làm ra được bao nhiêu đều đem về nhập kho. Lực lượng tự vệ qua lấy lại, ruộng và trâu trả cho dân, lúa thì cho chuyển về huyện.

Ngày 21-8, lực lượng tự vệ chia làm 2 đội, một đội hỗ trợ cho bộ đội trấn giữ phía nam cầu Cẩm Lệ, đội kia đốn cây 2 bên đường cho đổ xuống làm chướng ngại vật, ngăn không cho xe địch tiến vào Quá Giáng.

Từ đó, bước chân người dân Quá Giáng chung nhịp hào hùng cùng người dân toàn huyện Hòa Vang trong cuộc tổng khởi nghĩa giành lấy chính quyền năm 1945.  

Rời đất Quá Giáng, vẫn nghe vẳng bên tai lời ông Thành nói về quê hương mình giọng đầy tự hào: Người dân Quá Giáng dù đến trước hay đến sau, đang làm ăn sinh sống trong làng hay ở những nơi xa xôi, thảy đều chung một nòi giống, đều tỏ lòng uống nước nhớ nguồn, luôn giữ gìn di tích và truyền lại cho cháu con những giá trị lịch sử - văn hóa của cha ông...

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.