THÀNH PHỐ NHIẾP ẢNH, MỸ THUẬT

Cơ hội quảng bá Đà Nẵng

.

Mới đây, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã thực hiện Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” và “Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam”. Theo đó, Đà Nẵng là một trong những thành phố được chọn để tổ chức sự kiện nếu đề án được thông qua. Các nhà quản lý văn hóa, hội chuyên ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh thành phố cho rằng đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh Đà Nẵng.

Thời gian qua, hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh của thành phố đã đem lại một luồng sinh khí mới, hấp dẫn, sống động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. TRONG ẢNH: Triển lãm tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.
Thời gian qua, hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh của thành phố đã đem lại một luồng sinh khí mới, hấp dẫn, sống động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. TRONG ẢNH: Triển lãm tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Theo nhiếp ảnh gia Thân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố, trong những năm qua, hoạt động nhiếp ảnh của thành phố khá sôi nổi. Các chi hội, CLB thường xuyên tổ chức nhiều trại sáng tác, bản thân hội viên cũng nỗ lực sáng tạo, có tác phẩm chất lượng. “Ngoài hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng được giới chuyên môn đánh giá rất cao về sự năng nổ trong hoạt động sáng tác. Nhiếp ảnh Đà Nẵng đã khẳng định vị trí ở những cuộc thi ảnh thế giới và trong nước. Việc triển khai thành phố nhiếp ảnh Việt Nam là ý tưởng khá hay và nếu Đà Nẵng được chọn tổ chức sự kiện thì đây là cơ hội tuyệt vời cho giới nhiếp ảnh thành phố”, nhiếp ảnh gia Thân Nguyên nói.

Đối với Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”, họa sĩ Tường Vinh, người gắn với tranh sơn mài nhiều năm cho rằng, đề án này đúng ra nên làm từ lâu. Bởi tranh sơn mài Việt Nam được thế giới đánh giá khá cao và tôn vinh là “quốc họa”. Ngày nay, nhiều họa sĩ sáng tác tranh sơn mài không chỉ dựa trên chất liệu truyền thống mà còn dùng nhiều chất liệu khác, thổi hơi hướng hiện đại vào nghệ thuật truyền thống; cốt yếu là tạo nên bức tranh đẹp, chứa đựng sự sáng tạo. Cũng theo họa sĩ Tường Vinh, đối với hoạt động sáng tác tranh sơn mài, không phải ai cũng dám dấn thân.

Do đó, việc một thành phố nào đó được chọn để tổ chức sự kiện tranh sơn mài là cơ hội tôn vinh giá trị tranh sơn mài Việt Nam, giới thiệu đến bạn bè quốc tế nét đẹp hội họa của vùng đất và con người địa phương đó.

Trao đổi thêm về điều này, NSND Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT thành phố cho biết, Đà Nẵng là một trong những địa phương được chọn để tổ chức sự kiện nếu đề án được thông qua.

Thời gian qua, hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh của thành phố đã đem lại một luồng sinh khí mới, tạo hình ảnh sống động hơn, góp phần thực hiện chủ trương đưa Đà Nẵng trở thành thành phố của những sự kiện. Đây là hai đề án tiên phong trong lĩnh vực văn hóa, việc xây dựng, triển khai thành công sẽ mở đường cho việc thúc đẩy phát triển trên các chiến lược khác của ngành. Nếu được chọn đăng cai tổ chức sẽ góp phần quảng bá thêm hình ảnh của Đà Nẵng đến công chúng trong và ngoài nước, bên cạnh thương hiệu Lễ hội pháo hoa quốc tế.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng, đơn vị đã chọn hai nội dung trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh để xây dựng đề án, nhằm thực hiện chủ trương xây dựng nền công nghiệp văn hóa - một chủ trương lớn thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực văn hóa, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế; vừa phát triển thị trường văn hóa, vừa quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

“Xác định thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực văn hóa là câu chuyện rất mới và chưa có mô hình, kinh nghiệm, nên chúng tôi sẽ phải vừa làm vừa mày mò, học hỏi. Chúng tôi cũng xác định chỉ chọn một vài tỉnh, thành đáp ứng được các tiêu chí của đề án để triển khai, trong đó có Đà Nẵng. Điều đáng mừng là một số địa phương ủng hộ sự kiện này. Chúng tôi sẽ hoàn thiện hai đề án để trình Chính phủ trong tháng 10-2019 và nếu được phê duyệt triển khai sớm trong năm 2020 hoặc 2021”, ông Vi Kiến Thành chia sẻ thêm.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ


 

;
;
.
.
.
.
.