Tối 4-10, Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV đã khai mạc tại Nhà hát Lớn, Hà Nội với sự tham dự của hơn 20 đoàn nghệ thuật từ 8 quốc gia.
Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tổ chức.
Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV - 2019 đã chính thức được khai mạc vào tối 4/10 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. |
Đến dự lễ khai mạc có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn; ông Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; ông Taegeun, Chủ tịch Hiệp hội nghệ thuật quốc gia Hàn Quốc cùng đại diện các Đại sứ quán các nước có đoàn sân khấu tham dự Liên hoan.
Các vị đại biểu tham dự lễ khai mạc Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV - 2019. |
Phát biểu khai mạc Liên hoan, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: "Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV – 2019 tại Hà Nội là sự kiện văn hóa quan trọng, hội tụ và giới thiệu bản sắc văn hóa của các nước trên thế giới. Đây cũng là cơ hội để các nghệ sỹ trong nước và quốc tế thể hiện tài năng sáng tạo nghệ thuật, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, mở rộng giao lưu văn hóa, trao đổi, học tập kinh nghiệm, góp phần phát triển nghệ thuật sân khấu của Việt Nam, khu vực và quốc tế trong thời kỳ mới".
Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc Liên hoan. |
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV - 2019 là dịp để sân khấu Việt Nam giao lưu, học hỏi với các đoàn nghệ thuật quốc tế, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng sự mong mỏi của khán giả. Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV cũng là dịp để chúng ta hiểu thêm về con người, về giá trị văn hóa tinh thần của mỗi vùng miền, mỗi lãnh thổ, quốc gia khác nhau, để hiểu nhau hơn và xích lại gần nhau hơn.
Liên hoan diễn ra từ ngày 4 đến 13-10, với 7 chương trình của 7 đoàn quốc tế: đoàn Hungary (vở “Tháng Tám”), đoàn Israel (vở “Bpolar”), đoàn Ấn Độ (vở “Macbeth Mirror”), đoàn Hàn Quốc (vở “Hai vạn dặm dưới biển”), đoàn Trung Quốc (vở “Câu chuyện về bức tranh cổ”), đoàn Singapore (vở “Ngôi đền quỷ ám”) và đoàn Hy Lạp (vở “Cánh đồng đẫm máu”).
Thứ trưởng Tạ Quang Đông tặng hoa và cúp lưu niệm cho các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. |
Nước chủ nhà Việt Nam có 14 vở diễn của 14 đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập tham gia, gồm các vở: "Nhật thực", "Mơ Rồng", "Hà Nội của những giấc mơ", "Thân phận nàng Kiều", "Hai mươi", "Niềm khát", "Sự sống", "Cậu Vanya", "Ngàn năm mây trắng", "Nỗi u sầu", "Huyền thoại Gò Rồng Ấp", "Nữ ca sỹ hói đầu", "Dưới nước là cát", "Câu Kiều ru một đời người".
Đánh giá về chất lượng của các tác phẩm tham gia Liên hoan, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết: các tiết mục sân khấu thử nghiệm tham gia Liên hoan lần này có tính đa dạng về đề tài, phong phú về loại hình và mới mẻ trong phong cách nghệ thuật. Các tiết mục tham gia Liên hoan thể hiện sự nỗ lực khám phá và tìm tòi các phong cách thể hiện sân khấu mới, nhằm tạo ra những sự đột phá và tính thử nghiệm cao trong sáng tạo nghệ thuật sân khấu…thể hiện rõ nét truyền thống bản sắc dân tộc của mỗi quốc gia, vùng miền và góp phần đáp ứng sự mong đợi của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển.
"Nhật thực" là vở cải lương của nhà hát Thế giới trẻ - Sân khấu Sen Việt TP. Hồ Chí Minh được lựa chọn mở màn Liên hoan. |
"Nhật thực" là vở cải lương hiếm hoi của khu vực phía Nam tham gia Liên hoan Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV được chọn biểu diễn trong lễ khai mạc. Vở diễn được chuyển thể từ kịch bản "Diễn kịch một mình" của soạn giả Lê Duy Hạnh. Đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt cùng các NSƯT Lê Trung Thảo, nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh và nghệ sĩ Thành Tây đã mang đến những thử nghiệm mới mẻ về cả nội dung và hình thức thể hiện. Đạo diễn Lê Nguyên Đạt mong muốn "Nhật thực" có thể thay đổi quan niệm của khán giả trẻ về nghệ thuật cải lương.
Vở diễn mượn khoảnh khắc nhật thực biến ảo kỳ lạ để nhìn lại cuộc đời của người nghệ sĩ cải lương, sau ánh đèn sân khấu, bức màn nhung được khép lại là nỗi trăn trở của người nghệ sĩ. Trên sân khấu có 3 diễn viên nhưng chỉ có một nhân vật trung tâm do NSƯT Lê Trung Thảo đảm nhiệm. Với những màn hóa thân đặc sắc vào 3 nhân vật vua, trung thần, nịnh thần với những lời tự đối đáp sâu sắc, phản ánh những trăn trở đối với cuộc đời và sân khấu cải lương hôm nay: "Nếu không có sân khấu, nghệ sĩ sẽ đi đâu, về đâu?", Lê Trung Thảo đã làm khán giả say mê theo dõi trong suốt 85 phút của vở diễn.
NSƯT Lê Trung Thảo đã làm khán giả say mê với những màn hoá thân xuất sắc. |
Không chỉ đặc sắc về mặt nội dung, mà âm nhạc cũng đóng góp một phần quan trọng đối với sự thành công của "Nhật thực". Không gian âm nhạc đương đại nhưng vẫn mang hồn cốt của dân tộc Việt Nam. Đây chính là sự giao lưu văn hoá rõ nét, hoà nhập nhưng không hoà tan, mạnh dạn thử nghiệm nét mới trong sáng tạo tác phẩm.
Trong kỳ Liên hoan lần này, cùng các đơn vị nghệ thuật trong nước và quốc tế, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam tham gia có vở diễn "Ngàn năm mây trắng". Tác phẩm kịch thơ cùng tên của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ được NSƯT Thanh Ngoan và NSND Triệu Trung Kiên dàn dựng trên sân khấu. Đây là một trong những tác phẩm thử nghiệm có tính đột phá khi tổng hòa duyên dáng của các loại hình nghệ thuật chèo, cải lương, hát xẩm, ca Huế.
Hội đồng giám khảo Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm cho rằng cần có cái nhìn đúng về thử nghiệm trong sân khấu. Những thử nghiệm ở Liên hoan lần này, có thể có cái được và cái chưa được. Nhưng qua phản ứng của khán giả, đồng nghiệp, các nghệ sĩ sẽ rút ra những kinh nghiệm để tìm tòi, phát triển nghệ thuật sân khấu đúng hướng, hấp dẫn hơn.
Theo VOV