Huy động nguồn lực bảo tồn văn hóa Cơ tu

.

Việc bảo tồn và phát triển văn hóa cộng đồng người Cơ tu được UBND huyện Hòa Vang thực hiện thường xuyên trong 20 năm qua. Nhưng có thể nói, kế hoạch về bảo tồn và phát triển văn hóa cộng đồng người Cơ tu thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015-2020 được UBND thành phố ban hành năm 2015 là cơ sở để chính quyền huyện Hòa Vang làm tốt công tác này.

Văn hóa Cơ tu đã dần dần được mọi người biết đến. TRONG ẢNH: Múa tung tung da dá và đánh cồng chiêng của đồng bào Cơ tu xã Hòa Bắc.
Văn hóa Cơ tu đã dần dần được mọi người biết đến. TRONG ẢNH: Múa tung tung da dá và đánh cồng chiêng của đồng bào Cơ tu xã Hòa Bắc.

Gần đây, người ta hay nói về làm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang); nhất là khi anh Đinh Văn Như, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Giàn Bí mở mô hình homestay đầu tiên ở xã miền núi này. Nhưng đây chỉ là một trong những “trái ngọt” mà chính quyền, cộng đồng Cơ tu thu được trong suốt hành trình dài khôi phục, bảo tồn văn hóa Cơ tu.

Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, ngay sau khi UBND thành phố ban hành kế hoạch về bảo tồn và phát triển văn hóa cộng đồng người Cơ tu thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015-2020, năm 2016, huyện Hòa Vang đã tiến hành tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể cộng đồng người Cơ tu. Kế tiếp, là một loạt kế hoạch dài hơi như: ban hành đề án xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơ tu tại thôn Tà Lang, Giàn Bí; thu hút doanh nghiệp đầu tư khai thác du lịch cộng đồng thôn Phú Túc, xã Hòa Phú; phối hợp với Điều phối viên quốc gia Chương trình SGP GEF xây dựng chương trình phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa Cơ tu tại xã Hòa Bắc.

Đồng thời, công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng được chú trọng. Huyện Hòa Vang đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố tổ chức lớp đào tạo nguồn nhân lực quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống Cơ tu; đưa đại diện đồng bào Cơ tu đi học tập kinh nghiệm du lịch cộng đồng tại các thôn, làng đồng bào Cơ tu huyện Đông Giang, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam); phối hợp Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đào tạo hướng dẫn viên du lịch cộng đồng cho đồng bào Cơ tu...

“Có thể khẳng định bảo tồn văn hóa Cơ tu nhận được rất nhiều sự quan tâm từ chính quyền đến doanh nghiệp và đặc biệt là chính đồng bào Cơ tu. Tôi có thể nhìn thấy khát vọng làm kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa đầy bản sắc của người trẻ Cơ tu”, ông Đỗ Thanh Tân chia sẻ. Trong khi đó, anh Đinh Văn Như nhìn nhận: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Cơ tu trước hết phải để giá trị đó sống trong cộng đồng. Đến thời điểm này, rất phấn khởi khi cộng đồng Cơ tu đã được nhiều người biết đến.

Ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết thêm, kế hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa cộng đồng người Cơ tu huyện Hòa Vang đến năm 2020 đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, trọng tâm tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Cơ tu, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế du lịch với phát triển văn hóa; nghiên cứu đưa di sản văn hóa phi vật thể đồng bào Cơ tu vào dạy cho học sinh trong trường học tại các thôn có đồng bào Cơ tu (hát lý, nói lý, múa tung tung da dá, đánh cồng chiêng, chơi các loại nhạc cụ truyền thống và các hình thức diễn xướng dân gian khác); bảo tồn các nghề truyền thống...

Lấy bản sắc văn hóa để phát triển du lịch

Làm du lịch ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) chú trọng về nét đẹp hoang sơ và bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ tu. Nên khôi phục các lễ hội truyền thống của người Cơ tu để tạo điểm nhấn thu hút người dân và du khách: như lễ mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu. Với lễ hội đâm trâu, thay vì “đâm trâu cho đến chết” thì bà con vẫn mang trâu ra làm lễ, đâm tượng trưng tế lễ rồi dắt vào giết thịt. Cách làm này vẫn thực hiện các nghi thức cúng bái truyền thống, vừa văn minh lại không gây phản cảm. Nếu chúng ta khai thác nét đặc trưng của văn hóa Cơ tu mà không khôi phục lễ hội thì sẽ mất đi sự hấp dẫn. (Nhà nghiên cứu văn hóa Võ Văn Hòe)

Bên cạnh những điệu múa truyền thống như múa tung tung da dá, đánh cồng chiêng thì cần khai thác, xây dựng các chương trình nghệ thuật mang đậm nét văn hóa Cơ tu như: dàn dựng chương trình nghệ thuật chuyển tải được nguồn gốc người Cơ tu, quá trình sinh sống, hòa nhập với cộng đồng dân tộc Kinh... (NSND Lê Huân)

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.