Phim truyền hình Việt 2019: Gần gũi hơn nhưng cũng gai góc hơn

.

Phim truyền hình Việt Nam trong thời gian vừa qua đã có nhiều thay đổi quan trọng để dần bước ra khỏi vùng an toàn và đến gần hơn với khán giả trẻ.

Gia đình ông Luật, bà Giang và các con trong “Về nhà đi con.” (Ảnh: Đoàn làm phim)
Gia đình ông Luật, bà Giang và các con trong “Về nhà đi con.” (Ảnh: Đoàn làm phim)

Đề tài “gai góc” hơn, “cơn sốt” phim gia đình… là những điểm nổi bật nhất trong bức tranh toàn cảnh phim truyền hình Việt Nam 2019.

Có thể nói, phim truyền hình đã có nhiều thay đổi quan trọng để dần bước ra khỏi vùng an toàn, đề cập đến nhiều vấn đề nổi cộm trong xã hội như nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền…

“Cơn sốt” chưa hạ nhiệt

Tiếp nối thành công của năm 2018 (với nhiều tác phẩm gây “bão” màn ảnh nhỏ như “Gạo nếp, gạo tẻ,” “Quỳnh búp bê"…), các đơn vị sản xuất phim truyền hình đã tiếp tục giới thiệu nhiều bộ phim thu hút được sự quan tâm đặc biệt của khán giả trong năm 2019. Đó là “Về nhà đi con,” “Tiếng sét trong mưa,” “Hoa hồng trên ngực trái” hay “Sinh tử”…

Sau giai đoạn im ắng, “nhường sân” cho những câu chuyện về “thế giới ngầm,” cảnh sát hình sự, phim truyền hình với đề tài gia đình đã dần lấy lại vị thế, thậm chí, có một số bộ phim đã tạo nên “cơn sốt,” thu hút sự quan tâm, bình luận sôi nổi của khán giả như “Về nhà đi con,”“Hoa hồng trên ngực trái”…

"Hoa hồng trên ngực trái" đang dần đi đến hồi kết. (Ảnh: VFC)

Những bộ phim khai thác đề tài gia đình ra mắt trong thời gian qua cho thấy sự đa dạng cho cách thức tiếp cận vấn đề, khai thác câu chuyện, tình tiết. Ví dụ, để tạo ra sự khác biệt so với những bộ phim cùng đề tài, hai đạo diễn Danh Dũng, Đức Hiếu chọn khai thác câu chuyện về một ông bố khắc khổ, kiệm lời, sống cảnh “gà trống nuôi con” ở “Về nhà đi con.”

Biên kịch Hoàng Anh cho rằng nhân vật có tính cách rõ rệt, được xây dựng đa chiều, những câu chuyện, câu thoại gần gũi với đời sống thực đã giúp phim dễ tiếp cận hơn với khán giả, đặc biệt là giới trẻ.

Theo đó, các nhân vật trong những bộ phim “gây bão” thời gian qua đều được xây dựng gần gũi với thực tế với cả những mảng sáng-tối: Khuê (trong “Hoa hồng trên ngực trái”) là người phụ nữ chăm chỉ, đảm đang nhưng lại nhưng lại nhu nhược, cam chịu đến mức luôn bị coi thường; ông Sơn (“ông bố quốc dân” ở “Về nhà đi con”) dù yêu con vô hạn nhưng cũng vấp phải những sai lầm, khi chưa thực sự hiểu nội tình câu chuyện, ông vội vã thúc ép con rể ly hôn để “giải thoát” cho con gái…

Bên cạnh việc xoáy vào những mối quan hệ thường thu hút sự chú ý của khán giả (mẹ chồng-nàng dâu, vợ-chồng), các nhà làm phim đã đưa vào nhiều chi tiết “hợp thời” như chuyện hợp đồng hôn nhân, các trò game cuốn hút giới trẻ...

Lời thoại cũng là một điểm nhấn thú vị của “Về nhà đi con,” đưa người xem qua nhiều cung bậc cảm xúc (khi hả hê, thích thú, lúc xúc động, nghẹn ngào): “Thanh xuân như một ly trà” hay “Con cũng thấy đấy, giờ bố già nua, lẩm cẩm, giáo điều nhưng bố có tình yêu và một ngôi nhà để bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về”…

Nhờ vậy, những bộ phim kể trên vừa đáp ứng được nhu cầu giải trí của người xem vừa lồng ghép được những thông điệp ý nghĩa một cách nhẹ nhàng, sâu lắng.

"Ông bố quốc dân" và ba cô con gái của "Về nhà đi con." (Ảnh: VFC)

“Cơn gió” lạ

Bên cạnh đó, một số tác phẩm lấy bối cảnh xưa hay khai thác những đề tài gai góc (nạn tham nhũng, chạy chức, chạy quyền) như “Tiếng sét trong mưa,” “Sinh tử”… đã mang đến “làn gió” mới, màu sắc lạ cho phim truyền hình Việt Nam năm 2019.

Chuyện phim “Sinh tử” xoay quanh “liên minh ma quỷ” giữa người nắm quyền lực, người thực thi pháp luật và doanh nghiệp tại một địa phương.

“Sinh tử” hấp dẫn không chỉ bởi nội dung (với những âm mưu, màn đối đầu… giữa các nhóm lợi ích) mà còn nhờ diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên, trong đó, nổi bật là nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng (vai chủ tịch tỉnh).

Đạo diễn Trọng Trinh cho rằng phim khai thác những đề tài gai góc (nạn tham nhũng, chạy chức, chạy quyền…) như “Sinh tử” còn ít. Điều này cho thấy sự thiếu bao quát, mất cân bằng của phim truyền hình Việt Nam hiện nay.

"Sinh tử" khai thác đề tài gai góc. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Trong khi đó, “Tiếng sét trong mưa” được chuyển thể gián tiếp từ vở kịch “Lôi vũ” (1933) của tác giả Tào Ngu (Trung Quốc). Dẫu vậy, đạo diễn và êkíp làm phim đã Việt hóa thành công để chuyện phim trở thành câu chuyện của đời sống người Việt.

Phim lấy bối cảnh Nam Bộ những thập niên đầu thế kỷ 20. “Tiếng sét trong mưa” không chỉ là câu chuyện tình cùng bi kịch cuộc đời của Thị Bình (Nhật Kim Anh thủ vai) và Khải Duy (Cao Minh Đạt đóng) mà còn là câu chuyện của Nam Bộ trước 1945 với những người nông dân chịu áp bức, bóc lột, mâu thuẫn giai cấp…

Đạo diễn Phương Điền cho biết để tái hiện bối cảnh Nam Bộ trước 1945, đoàn làm phim dành nhiều thời gian cho việc chọn cảnh, thiết kế hiện trường. Bởi lẽ, bên cạnh câu chuyện phim, yếu tố bối cảnh cũng góp phần không nhỏ làm nên thành công của những tác phẩm thuộc dòng phim này.

“Nếu phục dựng mà không đúng chất thì sẽ làm hỏng cả phim. Chúng tôi đã đi qua nhiều tỉnh (An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai…) để khảo sát hơn 100 ngôi nhà cổ với mong muốn có thể tìm được một căn hợp với sự giàu sang của gia đình ông bà hội đồng trong phim. Để tránh sự nhàm chán cho khán giả, yêu cầu đặt ra là căn nhà này chưa từng hoặc ít xuất hiện trong các bộ phim trước đó,” đạo diễn cho hay.

Cảnh phim
Cảnh phim "Tiếng sét trong mưa." (Ảnh: Đoàn làm phim)

Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất Phim Truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam), việc đưa vào những chi tiết, câu chuyện, bối cảnh mang đậm bản sắc Việt như vậy thể hiện nỗ lực của các nhà làm phim, đơn vị sản xuất trong việc đưa phim truyền hình hội nhập khu vực và quốc tế.

Cụ thể, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho rằng để phim truyền hình Việt có thể xuất ngoại, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt thì nội dung cần có điểm nhấn riêng nhằm tạo sự khác biệt (bên cạnh việc đầu tư đổi mới trang thiết bị, kỹ thuật quay, dựng, biên tập hậu kỳ…).

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.