Văn hóa - Giải trí
Đình Bồ Bản - biểu tượng của văn hóa làng Việt
Huyện Hòa Vang hiện còn lưu giữ nhiều đình làng cổ, trong đó đình Bồ Bản (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) là công trình kiến trúc - tín ngưỡng cổ truyền tiêu biểu.
Đình làng Bồ Bản. Ảnh: HẢI ÂU |
Theo thông tin từ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, đình Bồ Bản được hình thành vào những năm cuối thế kỷ 15 (khoảng năm 1476), làng Bồ Bản xưa là vùng đất rộng lớn, tiếp giáp với làng Cẩm Toại kéo đến tận sông Yên và sông Túy Loan, do các vị tiền hiền của tộc Trần, Hồ, Trương, Nguyễn từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An vào khai khẩn và lập nghiệp. Sau này, đến đời vua Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) còn có thêm các họ Tán, Đinh, Nguyễn, Phạm... đến ngụ và trở thành hậu hiền của làng.
Cũng như bao làng quê khác, sau khi đã an cư tại vùng đất mới, nhân dân làng Bồ Bản tiến hành chọn đất, cất dựng đình làng để phụng sự uy linh. Năm Canh Thân, niên hiệu Cảnh Thịnh (1800), đình được xây dựng đơn sơ tại gò miếu Tam Vị phía đông của làng. Đến đời vua Tự Đức thứ V, năm Nhâm Tý (1852), ngôi đình được dời đến thôn Bồ Bản - nơi có thế rồng uốn, hổ hầu và phong cảnh hữu tình.
Nếu có dịp ghé đình làng Bồ Bản sẽ thấy dẫu trải qua bao biến thiên lịch sử, nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng kiến trúc làng Việt vẫn nguyên hiện trạng nơi đình này. Đình có tất cả 36 cây cột làm bằng gỗ mít và gỗ kiền kiền được đặt trên kệ đá chạm hình trái bí. Trong đó, tám cột cái (cột nhất) cao 4,5m, tám cột hàng nhì cao 3,5m, tám cột hàng ba cao 2,3m, bốn cột đấm, bốn cột quyết và bốn cột ở cửa hông. Bên cạnh đầu rồng được chạm khắc thường thấy tại các đình làng khác, các thanh trính, kèo ở đình Bồ Bản còn được trang trí thêm tứ thời, tứ quý, cầm kỳ thi tửu… mềm mại và tinh xảo. Đây cũng nét đặc sắc riêng của đình Bồ Bản.
Với giá trị về lịch sử văn hóa và truyền thống đoàn kết của nhân dân làng Bồ Bản, ngày 4-1-1999, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định xếp hạng đình Bồ Bản là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, ghi dấu mốc quan trọng vào lịch sử ngôi đình và trong tâm thức của mỗi người dân Bồ Bản.
Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cũng cho biết, đình Bồ Bản không chỉ là một thiết chế văn hóa, một công trình kiến trúc - tín ngưỡng cổ truyền tiêu biểu, mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của cách mạng địa phương trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Nơi đây từng là địa điểm hoạt động cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Tháng 8-1945, đình Bồ Bản trở thành điểm tập kết đoàn biểu tình của tổng An Phước (huyện Hòa Vang), nơi thành lập Ủy ban Hành chính xã Bồ Bản. Đặc biệt, năm Kỷ Dậu, đình Bồ Bản đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc cùng trận đánh xóm Đình.
Theo thông lệ, cứ 3 năm 1 lần, người dân Bồ Bản tổ chức lễ hội đình làng (vào ngày 16 và 17-3 âm lịch). Ngoài nghi thức lễ tế cổ truyền, phần hội có các hoạt động đua thuyền truyền thống, hò khoan đối đáp, trò chơi dân gian... Đây là dịp để du khách gần xa hiểu thêm về một vùng đất, một phong tục và những con người chân chất đang gìn giữ truyền thống đáng quý của cha ông ngay trên mảnh đất quê hương mình.
HẢI ÂU