Hôm nay 21-11, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình “Ngày hội di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2020” trong khuôn viên di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải (Bảo tàng Đà Nẵng). Diễn ra đến hết ngày 23-11, chương trình nhằm tuyên truyền, giới thiệu và làm nổi bật ý nghĩa, giá trị của hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn thành phố.
Ngày hội di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2020 hướng đến việc nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn. TRONG ẢNH: Học sinh trên địa bàn thành phố tham quan Bảo tàng Đà Nẵng đầu tháng 11-2020. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Ngô Thị Bích Vân, đây là lần đầu tiên Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức ngày hội di sản văn hóa nhằm mục đích đưa các di sản văn hóa đến gần với công chúng địa phương; góp phần nâng cao trách nhiệm của toàn thể cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố. Đồng thời, chương trình cũng là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 15 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11-2005 – 23-11-2020). Trong 3 ngày tổ chức, chương trình sẽ diễn ra 6 hoạt động chính, gồm: Cuộc thi tìm hiểu “Dòng chảy di sản văn hóa Đà Nẵng”, thi hùng biện “Tự hào di sản văn hóa Đà Nẵng”, triển lãm “Scooter cổ - huyền thoại một thời”, giao lưu “Scooter trên những cung đường”, cuộc thi ảnh “So dáng cùng Scooter” trên mạng xã hội instagram của Bảo tàng Đà Nẵng và các gian hàng quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa Đà Nẵng gắn với hoạt động trải nghiệm sẽ mang đến cho công chúng những trải nghiệm mới mẻ, sôi nổi và ý nghĩa.
Với phương châm “Người Đà Nẵng hiểu về Đà Nẵng”, cuộc thi tìm hiểu “Dòng chảy di sản văn hóa Đà Nẵng” với sự tham gia của học sinh 10 trường THCS trên địa bàn quận Hải Châu, Thanh Khê là hoạt động hứa hẹn đem đến những trải nghiệm thú vị cho người xem. Cuộc thi được xây dựng theo hình thức vừa học vừa chơi gồm 3 phần: Chào hỏi, Kiến thức và Vượt chướng ngại vật tìm về di sản. Đây là cơ hội giúp các học sinh tìm hiểu, phát huy giá trị di sản văn hóa của thành phố. Đồng thời, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao lòng tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng ý thức bảo vệ các di sản văn hóa địa phương cũng như của đất nước, góp phần xây dựng hành vi ứng xử văn minh khi đến các khu di tích, danh lam thắng cảnh.
Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) Phạm Thị Thùy Loan cho biết, khi biết về cuộc thi tìm hiểu “Dòng chảy di sản văn hóa của Bảo tàng Đà Nẵng”, các học sinh rất hào hứng, chủ động đăng ký tham gia. Trên cơ sở số lượng người được quy định, trường đã chọn 5 học sinh có kiến thức nền, khả năng trình bày tốt trực tiếp tham gia cuộc thi và 70 em tham dự, hỗ trợ, cổ vũ dưới sân khấu. Hiện nhà trường đã cử chi đoàn giáo viên các tổ Lịch sử - Địa lý, Ngữ văn và Năng khiếu tổ chức bồi dưỡng, bổ sung kiến thức về di sản văn hóa cho các học sinh. Thầy cô nhà trường đã hướng dẫn học sinh tìm những tài liệu, thước phim, bài báo hay viết về văn hóa di sản của quận Hải Châu nói riêng, thành phố nói chung để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc thi.
Cũng trong khuôn khổ của chương trình, cuộc thi hùng biện “Tự hào di sản văn hóa Đà Nẵng” là phần thi dành cho công dân Việt Nam đang sinh sống trên địa bàn thành phố, độ tuổi từ 18 đến 30. Trong thời gian nhận bài hùng biện (từ ngày 9 đến 16-11), cuộc thi đã thu hút gần 50 bài dự thi, qua đó Ban tổ chức sẽ chọn ra 20 sản phẩm xuất sắc nhất để tham gia vòng chung kết vào ngày 23-11. Cùng với giá trị giải thưởng hấp dẫn, cuộc thi hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm đáng chờ đợi cho cả người tham gia lẫn người xem. Ngoài ra, trong 3 ngày tổ chức, Bảo tàng Đà Nẵng còn giới thiệu đến công chúng các di sản của thành phố thông qua các hoạt động như trải nghiệm văn hóa biển; xem nghệ nhân Alăng Đợi thực hiện điêu khắc gỗ và chia sẻ về nghệ thuật điêu khắc tượng của người Cơ tu; xem nghệ nhân biểu diễn và được hướng dẫn làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; tái hiện lễ dựng cây nêu và múa Tung tung - da dá, dệt vải thổ cẩm, làm bánh sừng trâu...
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Vỹ, bằng cách thay đổi hướng tiếp cận lịch sử và di sản văn hóa dân tộc với các hình thức mới mẻ, vui tươi, “Ngày hội di sản văn hóa Đà Nẵng” không chỉ có tính tương tác, trải nghiệm cao mà còn là sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho giới trẻ. “Thông qua các hoạt động của chương trình, chúng tôi mong muốn khơi dậy tình yêu, lòng tự hào quê hương và nâng cao ý thức bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hóa trong mỗi người Đà Nẵng. Qua đó, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương”, ông Hà Vỹ nói.
XUÂN DŨNG