Làm phim ngắn tuyên truyền phòng, chống ma túy

.

Trước đây, việc tuyên truyền phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội chủ yếu được thực hiện bằng các hình thức truyền thống như báo cáo viên báo cáo tại khu dân cư, trường học hoặc dưới dạng pa-nô, áp-phích. Giờ đây, các cơ sở Đoàn đã có những cách làm mới trực quan, sinh động hơn. Một trong số đó là thiết kế video phim ngắn.

Sản phẩm phim ngắn về tuyên truyền phòng, chống ma túy của Quận Đoàn Thanh Khê (ảnh cắt từ video).  Ảnh: THANH TÌNH
Sản phẩm phim ngắn về tuyên truyền phòng, chống ma túy của Quận Đoàn Thanh Khê (ảnh cắt từ video). Ảnh: THANH TÌNH

Phim ngắn với tựa đề “Đánh thức” do Quận Đoàn Thanh Khê tổ chức, dàn dựng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo đoàn viên, thanh niên. Nội dung phim ngắn kể về câu chuyện của một nam thanh niên sống trong gia đình không hạnh phúc. Người mẹ sa vào cờ bạc, cha thì trăng hoa, bạo lực. Các thành viên trong gia đình luôn sống trong căng thẳng, cãi vã. Nam thanh niên đó cảm thấy lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Và trong một lần buồn chán, nam thanh niên bị kẻ xấu rủ rê sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện. Để có tiền sử dụng ma túy, nam thanh niên nhiều lần trộm tiền của cha mẹ, thậm chí trở thành người giao trái phép chất ma túy để kiếm lời và bị đi tù. Nhờ cải tạo tốt, nam thanh niên ra tù sớm, được sự hỗ trợ của các cấp Đoàn Thanh Khê, nam thanh niên đã đi học nghề, có công việc ổn định, làm lại cuộc đời.

Anh Võ Duy Rin, Bí thư Quận Đoàn Thanh Khê nhìn nhận, tác phẩm “Đánh thức” lấy ý tưởng từ câu chuyện có thật của một thanh niên trên địa bàn đã tái hiện sinh động hình ảnh ăn năn, hối lỗi của nam thanh niên tại phiên tòa giả định và quá trình cải tạo tốt trong trại giam, cai nghiện thành công, được giúp đỡ để tái hòa nhập cộng đồng. Tác phẩm đã truyền đi thông điệp: Ma túy là một chất gây nghiện vô cùng nguy hiểm, gây tổn hại đến đời sống kinh tế, sức khỏe và tinh thần của con người và làm suy thoái về đạo đức, lối sống, trực tiếp tiếp tay cho tội phạm, gieo rắc “cái chết trắng” cho cộng đồng... Tuy nhiên, không phải nghiện mà túy là chấm hết, người nghiện hoàn toàn có thể sống tốt nếu đủ quyết tâm và được cộng đồng tạo điều kiện. Các đoạn phim ngắn đã thể hiện một cách chân thực thực trạng của một bộ phận thanh niên trong thời đại hiện nay với lối sống đua đòi, ăn chơi, nghiện hút dẫn đến tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, vi phạm pháp luật.

Ngay khi đăng tải lên mạng xã hội, phim ngắn tuyên truyền phòng, chống ma túy trong học đường mang tên “Cuối con đường” do Đoàn Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) thực hiện đã nhận được hàng ngàn lượt thích (like) và hàng trăm lượt chia sẻ (share). Nội dung chính của phim xoay quanh câu chuyện một sinh viên học giỏi, chăm chỉ nhưng vì để có tiền cho em gái phẫu thuật, ngoài việc đi làm thêm, cậu đã sa vào con đường tội lỗi là nhận giao ma túy. Trong một lần giao ma túy, sinh viên này bị bắt và ở tù. Sau khi ra tù, nhận thức được sai lầm của mình, cậu nỗ lực làm lại cuộc đời và trở thành một doanh nhân thành đạt, có nhiều đóng góp cho xã hội.

Chia sẻ về nội dung phim ngắn, anh Nguyễn Viết Hải Hiệp, Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm cho biết, Đoàn trường đã lựa chọn rất kỹ nhân vật cũng như chăm chút từng cảnh quay. Tất cả phải làm sao để lột tả được hết nội tâm, tính cách, sự ăn năn, day dứt của nhân vật khi hiểu mình đang phạm tội cũng như quyết tâm hoàn lương. Đây là lần đầu tiên Đoàn Trường Đại học Sư phạm tuyên truyền phòng, chống ma túy trong học đường bằng hình thức làm phim. Với phim ngắn này, Đoàn trường mong muốn truyền đi thông điệp: Ai cũng có ước mơ, hoài bão và ai cũng đã từng ít nhất một lần mắc sai lầm. Sai lầm nào cũng phải trả giá nhưng điều quan trọng là bạn phải có nhận thức đúng đắn về sai lầm của mình, quyết tâm “quay đầu” làm lại cuộc đời với nghị lực mạnh mẽ nhất thì sẽ thành công và sống một cuộc đời ý nghĩa.

Anh Nguyễn Duy Thành, Trưởng ban Tuyên giáo Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết, các phim ngắn đã thể hiện chân thực, sinh động nội dung về hậu quả và tác hại của việc sử dụng ma túy đối với đời sống, xã hội; đồng thời, vận động, tuyên truyền thanh-thiếu nhi không sử dụng, không tàng trữ, không buôn bán ma túy. Phim còn truyền tải được tinh thần tương thân tương ái, sẵn sàng giúp đỡ, tạo cơ hội để người nghiện ma túy, người vi phạm pháp luật có thể cai nghiện thành công, tái hòa nhập cộng đồng.

Anh Thành cũng nhìn nhận, các phim ngắn được công chiếu nhận đươc sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng xã hội, nhất là thanh-thiếu niên, sau khi đăng tải, Thành Đoàn sẽ chọn các phim ngắn xuất sắc làm sản phẩm tuyên truyền về phòng, chống ma túy trong thanh-thiếu niên trên mạng internet và các trang mạng xã hội.

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.