Guitar cổ điển - Sân chơi nghệ thuật chất lượng

.

Những thành viên tham gia trình diễn hòa nhạc guitar cổ điển “Xin chào 2021” vào tối 3-1 tại Nhà hát Trưng Vương đang tích cực tập luyện các bản độc tấu, song tấu, tam tấu…

Nhóm thành viên CLB Guitar cổ điển Đà Nẵng tích cực luyện tập trước ngày biểu diễn để mang đến cho khán giả những tiết mục nghệ thuật chất lượng. Ảnh: T.Y
Nhóm thành viên CLB Guitar cổ điển Đà Nẵng tích cực luyện tập trước ngày biểu diễn để mang đến cho khán giả những tiết mục nghệ thuật chất lượng. Ảnh: T.Y

1. Hơn 10 năm làm Chủ nhiệm CLB Guitar cổ điển Đà Nẵng, tổ chức hàng chục buổi trình tấu guitar ở Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà Văn hóa lao động thành phố nhưng ông Nguyễn Văn Nho chỉ nhận mình là một guitarist - người chơi đàn guitar. Ông vốn dĩ là thầy dạy toán, gắn bó với những con số, những phép tính đến tuổi về hưu. Ngày còn đứng trên bục giảng, kỹ năng gảy đàn của Nguyễn Văn Nho đã mê hoặc nhiều thế hệ học trò. Theo thời gian, khi tiếng đàn trở nên nhuần nhuyễn, trình độ thẩm âm tốt, ông bước vào “thế giới” guitar cổ điển thông qua các bản độc tấu đòi hỏi kỹ năng và trình độ đánh đàn cao hơn. Ở khía cạnh này, ông chọn cho mình những tác phẩm cổ điển, viết dưới dạng nhiều bè. Theo ông Nho, trước đây guitar cổ điển được hiểu là dạng độc tấu guitar. Độc tấu guitar tạo được ấn tượng cho khán giả bởi khi nhắm mắt để thẩm âm, người nghe cứ ngỡ đó là âm thanh của nhiều cây đàn hòa lại. Các tác phẩm guitar cổ điển thường được soạn lại từ bản nhạc viết cho piano, violon nên kỹ thuật luyện tập sẽ khó hơn rất nhiều. Theo thời gian, người nghệ sĩ bắt đầu biểu diễn song tấu, tam tấu, tứ tấu để mang đến sản phẩm mới hơn phục vụ khán giả.

Cũng theo ông Nho, một nghệ sĩ theo đuổi dòng guitar cổ điển cần kiên trì, họ không thể chơi tùy hứng như các tay guitar trong dàn nhạc nhẹ, tuân thủ từng nốt nhạc, từng hòa âm (phối bè) mà tác giả muốn truyền tải. Cũng chính vì thế mà mỗi guitarist không có quyền sai, nhất là khi trình diễn cùng nhau qua các bản song tấu, tam tấu, tứ tấu... “Đã có nhiều trường hợp bản nhạc đang đánh nửa chừng phải cáo lỗi vì guitarist bị vấp hoặc quên, phải xin lỗi khán giả và nhường sân khấu lại cho tiết mục tiếp theo”, ông Nho nói.

2. Trong đêm hòa nhạc “Xin chào 2021”, nghệ sĩ guitar Phan Xuân Trí trình diễn hai tiết mục độc tấu Standchen (F. Schubert - J. K. Mertz chuyển soạn), Serenata Espanola (Joaquim Malats) và diễn chung với Đinh Văn Hào, Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Ngọc San tiết mục tứ tấu El GaTo Montes (Manuel Penella - Eythor Thorlaksson chuyển soạn). Anh cho biết đây là những tiết mục được anh lựa chọn kỹ càng với mong muốn mang đến cho khán giả một chương trình chất lượng, cảm xúc.

Là nghệ sĩ trẻ theo đuổi sự nghiệp trình diễn guitar, Phan Xuân Trí được đào tạo bài bản khi tốt nghiệp hệ Trung cấp guitar cổ điển của Học viện Âm nhạc Huế năm 2004 và tiếp tục tốt nghiệp hệ Cử nhân biểu diễn guitar cổ điển tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh năm 2010. Trong môi trường học tập chuyên nghiệp đó, anh có điều kiện luyện phím đàn với những bậc thầy guitar như Rene Izquierdo, Paul Cesarczyk (Mỹ), Jeremy Jouve (Pháp) và là học trò cưng của nghệ sĩ guitar nổi tiếng Lê Hoàng Minh.

Nhiều năm qua, anh thường xuyên có những buổi biểu diễn hòa nhạc ở các liên hoan guitar quốc tế, trong đó tiêu biểu là Silpakorn International Guitar Festival and Calm tại Bangkok, Thái Lan các năm 2015, 2016, 2017; Alor Setar International Guitar Festival 2017 tại Malaysia hay Jakarta International Guitar Festival 2018 tại Indonesia…Ngoài ra, anh cũng đứng ra tổ chức nhiều chương trình hòa nhạc có giá trị nghệ thuật cao tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế…

Năm 2019, Phan Xuân Trí gây ấn tượng với khán giả Đà Nẵng khi diễn chung sân khấu với 2 nghệ sĩ guitar nổi tiếng thế giới Kozo Tate và Lê Hoàng Minh trong đêm diễn “Kiệt tác guitar và hành trình 3 thế kỷ”, nằm trong khuôn khổ chương trình nghệ thuật “Danang Guitar Concert 2019” tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Những ngày này, để chuẩn bị cho “Chào năm 2021”, trong căn nhà nhỏ trên đường Lê Thước, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Phan Xuân Trí cần mẫn luyện đàn cùng những thành viên CLB Guitar cổ điển Đà Nẵng. Và, ít ai biết rằng, cũng trong chính ngôi nhà đó, thời gian qua Phan Xuân Trí đã tổ chức nhiều buổi hòa nhạc guitar cổ điển chất lượng phục vụ những người anh thân quý. Mà như anh nói, đó là nơi anh duy trì cảm xúc với guitar, tạo sân chơi và giới thiệu cho khán giả biết đến loại hình âm nhạc này nhiều hơn.

3. Thành lập từ năm 2009 nhưng đây là lần đầu tiên CLB Guitar cổ điển Đà Nẵng trình diễn trên sân khấu lớn như Nhà hát Trưng Vương. Một trong những rào cản khiến CLB không thể tổ chức những chương trình nghệ thuật quy mô theo ông Nguyễn Văn Nho là do không có nguồn kinh phí. “Chất lượng đàn tốt sẽ cho ra những âm thanh chuẩn, để nuôi dưỡng tình yêu guitar cổ điển, nhiều thành viên trong CLB đã chấp nhận chi hàng trăm triệu đồng sắm cây đàn chất lượng. Không có nhiều sân khấu trình diễn, thời gian luyện tập lên đến hàng năm trời, nếu không phải vì đam mê thì sao chúng tôi có thể theo đuổi lâu dài?”, ông Nho đặt câu hỏi.

Đến từ thành phố Nha Trang, guitarist Trần Duy Toàn, tốt nghiệp Nhạc viện Huế, người từng tham gia biểu diễn nhiều chương trình hòa nhạc guitar cổ điển tại nhiều tỉnh, thành cũng góp mặt trong chương trình này với hai tiết mục Un Dia de Noviembre (Leo Brouwer) và Fantasy on “Scrimson moon” (Sergey Rudnev). Toàn nói, anh không xem đây là sân chơi dịp đầu năm mới mà là một buổi trình diễn âm nhạc thực thụ.

Được biết trong chương trình nghệ thuật lần này, ca sĩ Trần Quang Hào, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương sẽ tham gia biểu diễn một số ca khúc, trong đó có “Thu hát cho người” để tưởng nhớ cố nhạc sĩ tài hoa Vũ Đức Sao Biển. “Cánh cửa Nhà hát Trưng Vương sẽ mở rộng để chào đón khán giả tới thưởng thức một chương trình nghệ thuật tiêu biểu. Và hơn hết, đây là chương trình nghệ thuật không bán vé, như món quà của những nghệ sĩ guitar cổ điển trong CLB Guitar cổ điển Đà Nẵng dành tặng người dân dịp đầu năm mới”, ca sĩ Trần Quang Hào thông tin.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.